Thụy Sĩ lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu Bảng chỉ số thương mại điện tử toàn cầu

0
60
(dhakatribune.com)
(dhakatribune.com)

Ngày 17/2/2021, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố Chỉ số Thương mại điện tử Doanh nghiệp-đến-Khách hàng (B2C) năm 2020[1]. Bảng chỉ số này xếp hạng 152 quốc gia dựa trên khả năng sẵn sàng tham gia thương mại điện tử với giá trị dự kiến vào khoảng 4.400 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2018, tăng 7% so với năm trước. Các nước được tính điểm dựa trên các tiêu chí như mức độ tiếp cận với các máy chủ internet an toàn, độ tin cậy của dịch vụ và hạ tầng bưu chính, cũng như tỷ lệ dân số sử dụng internet và có tài khoản với một thể chế tài chính hoặc một nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ di động.

Châu Âu tiếp tục là khu vực chuẩn bị sẵn sàng nhất cho thương mại điện tử với 8 vị trí trong top 10. Trong đó, Thụy Sĩ lần đầu tiên vượt qua Hà Lan để dẫn đầu Bảng xếp hạng chỉ số B2C năm 2020. Năm 2019, 97% dân số Thụy Sĩ sử dụng internet. Các vị trí tiếp theo là Đan Mạch, Anh, Đức, Phần Lan, Ireland và Na Uy. Các nền kinh tế duy nhất có mặt trong top 10 không thuộc châu Âu là Singapore (đứng vị trí thứ 4), và Hồng Kông (Trung Quốc) (thay Australia ở vị trí thứ 10). Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc lần lượt xếp hạng 12 và 55 trong Bảng chỉ số B2C năm 2020. Mặc dù cả hai nước dẫn đầu ở một vài thước đo tuyệt đối, họ bị tụt lại trong so sánh tương đối.

Trong khi đó, châu Á vươn lên dẫn đầu các nước đang phát triển thích ứng với thương mại điện tử. 10 nước đang phát triển có điểm số B2C cao nhất đều đến từ châu Á và được xếp loại là các nền kinh tế thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình (lần lượt là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Các tiểu vương quốc Arap thống nhất, Thái Lan, Iran, Arap Xê út, Qatar và Oman). Việt Nam tiếp tục lọt vào top 10 nền kinh tế đang phát triển có chỉ số B2C tốt nhất ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Tây Á (xếp vị trí thứ 9 ở khu vực này và thứ 63 trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm ngoái). Ở các khu vực đang phát triển khác, Costa Rica thay thế Chilê trở thành nước có thành tích tốt nhất về thương mại điện tử ở khu vực Mỹ Latinh và Caribê. Mauritius tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu ở khu vực châu Phi cận Sahara trong khi Belarus đứng đầu các nền kinh tế đang chuyển đổi. Bốn nước đang phát triển có điểm số tăng cao nhất năm 2020 là Algeria, Brazil, Ghana và Lào, phần lớn nhờ việc cái thiện đáng kể độ tin cậy của dịch vụ bưu chính.

Ở chiều ngược lại, các nước kém phát triển nhất chiếm 18 trong số 20 vị trí cuối bảng. Báo cáo B2C của UNCTAD năm nay đặc biệt quan tâm đến khu vực Mỹ Latinh và Caribe, vốn chiếm 9% dân số thế giới từ 15 tuổi trở lên và khoảng 11% người dùng internet trên toàn cầu nhưng chỉ chiếm 6% lượng người dùng mua bán trực tuyến toàn cầu. Theo UNCTAD, khoảng cách thương mại điện tử vẫn còn rất lớn giữa các nước. Thậm chí trong các nước G20, tỷ lệ người dùng mua bán trực tuyến có mức thấp nhất là 3% ở Ấn Độ và cao nhất là 87% ở Anh. Ở Canada, Mỹ và 10 nước châu Âu, hơn 70% dân số trưởng thành tiến hành mua bán trực tuyến nhưng tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 10% ở hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình thấp.

Theo UNCTAD, khoảng cách rộng giữa những nước dẫn đầu với các nước có mức độ sẵn sàng thấp nhất cần phải được giải quyết bằng cách xử lý những điểm yếu ở các nước đó nhằm mở rộng lợi ích của chuyển đổi số đến nhiều người hơn. Đại dịch Covid-19 đã khiến việc đảm bảo rằng các nước tụt lại phía sau có thể bắt kịp và tăng cường mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử trở nên cấp bách hơn. Nếu không, các doanh nghiệp và người dân của họ sẽ bỏ lỡ cơ hội của nền kinh tế số và chuẩn bị kém hơn cho việc đối phó với các thách thức khác nhau.

[1] https://unctad.org/system/files/official-document/tn_unctad_ict4d17_en.pdf

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here