Thương vụ “mách kế”, hỗ trợ tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế

0
80
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023. (Ảnh: Chu Khôi)Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023. (Ảnh: Chu Khôi)

Ngày 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 11 diễn ra với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế”.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 11/2023. (Ảnh: Chu Khôi)

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Hội nghị tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các quy định, nhận diện được những rủi ro trong hoạt động thương mại; từ đó phòng, tránh việc lừa đảo và tranh chấp thương mại khi triển khai hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.

“Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.

Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị ‘sập bẫy’ gian lận thương mại, lừa đảo hoặc ‘vướng vấn đề về pháp lý’ trong thời gian gần đây”, ông Hoàng Minh Chiến cho hay.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho hay: Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023 tới nay, Thương vụ ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật. Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi phức tạp do có thể tiếp cận dễ dàng và giả mạo thông tin của doanh nghiệp Canada uy tín, thậm chí giả mạo cả con dấu của cơ quan chức năng nước sở tại.

Trong khi đó, tại thị trường Tây Ban Nha, ông Vũ Chiến Thắng- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng phản ánh: Gần 3 năm qua Thương vụ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết  7 vụ việc liên quan đến lừa đảo trong giao dịch quốc tế. Trong đó 5 vụ việc liên quan xuất khẩu hạt điều, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu hồ tiêu đen, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu sản phẩm gang đúc.

Trong bối cảnh cạnh gay gắt, doanh nghiệp có tâm lý nóng vội, muốn bán được hàng ngay dẫn đến đưa ra các điều khoản hợp đồng bị hớ, cam kết lỏng lẻo trong mua bán. Cùng đó công tác xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng chưa được quan tâm đầy đủ, thậm chí không xác minh dẫn đến bị lừa đảo và mất tài sản. Cũng có trường hợp một số doanh nghiệp sở tại không chủ ý lừa đảo nhưng chây ì thanh toán.

Còn tại thị trường Italy, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu, thực tế Thương vụ đã hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác Italia thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác Italia không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác Italy không tuân thủ điều khoản.

Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.

Đồng thời, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.

Chu Khôi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here