3. Định hướng giải pháp cho bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
3.1. Đẩy mạnh công tác khách hàng
Trong nền kinh tế thị trường khách hàng là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp đặc biệt đối với các doanh nghiệp bảo hiểm khi hoạt động dựa trên quy luật “số đông bù số ít” và bán các sản phẩm dựa trên niềm tin của khách hàng. Do vậy các doanh nghiệp cần phát triển công tác khách hàng một cách mạnh mẽ thông qua các lĩnh vực:
– Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và khách hàng: Các công ty cần có kế hoạch thu thập các thông tin về hạn ngạch xuất nhập khẩu cho từng mặt hàng, nắm bắt được định hướng xuất nhập khẩu trong năm để có thể tư vấn và cung cấp các dịch vụ bảo hiểm phù hợp, tiện lợi cho khách hàng. Kết hợp với việc nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để có những chính sách tiếp cận, khai thác một cách tốt nhất.
– Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng: Bảo hiểm là một sản phẩm vô hình, khách hàng khó có thể nhận được lợi ích của nó thông qua các giác quan. Chính vì vậy, chất lượng phục vụ khách hàng phải được nâng cao để tăng tính hữu hình của sản phẩm. Hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng có ý nghĩa quyết định đến việc khách hàng có tiếp tục sử dụng sản phẩm nữa hay không. Dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo sẽ tạo được niềm tin của khách hàng, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm giữ được chân khách hàng làm gia tăng số lượng các hợp đồng tái tục khi hết hạn hợp đồng, đặc biệt là với những khách hàng truyền thống, những khách hàng lớn của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc giữ chân một khách hàng cũ có lợi hơn và dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đi khai thác một khách hàng mới bởi không những tiết kiệm được chi phí khai thác ban đầu, mà khi họ tin tưởng và hài lòng về chất lượng dịch vụ, họ sẽ là “kênh tuyên truyền” hữu hiệu giúp doanh nghiệp cọ thêm những mới. Chất lượng phục vụ khách phải được quan tâm chú trọng từ khâu khai thác, đến khâu giám định và bồi thường.
3.2. Nâng cao công tác giám định và bồi thường tổn thất
Hiện nay, số vụ tổn thất càng ngày càng tăng theo số lượng hợp đồng do đó làm tăng chi phí giám định, để hạn chế điều này một mặt các công ty cần phải không ngừng đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ giám định, mặt khác nên để chuyên môn hóa khâu giám định có như vậy thì mới có thể đi sâu nghiên cứu và chuyên môn hóa trong lĩnh vực của mình để giảm bớt chi phí phát sinh và nâng cao chi phí công việc. Bên cạnh đó, công tác bồi thường phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất và đơn giản hóa các thủ tục trong quá trình xét giải quyết khiếu nại, đòi bồi thường. Vì thế, để nâng cao chất lượng công tác này, các hãng bảo hiểm không chỉ cần làm tốt các công tác trên mà phải có những biện pháp ngăn ngừa những gian lận có thể xảy ra trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường. Để ngăn ngừa những gian lận có thể xảy ra tổn thất khi xem xét khiếu nại đòi bồi thường, các tổn thất cần phải xác định rõ ràng. Kinh nghiệm thực tế của cán bộ là khá quan trọng, bên cạnh đó, công ty nên đề ra những yêu cầu đối với khách hàng về tinh thần trung thực cũng như thiện chí khi ký kết hợp đồng đặc biệt là đối với những khách hàng mới. Nếu họ vi phạm thì phải có chế tài xử lý theo mức độ nặng nhẹ khác nhau nhằm ngăn ngừa gian lận trong bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.
3.3. Đẩy mạnh công tác đề phòng và hạn chế tổn thất
Với những đặc điểm của mình, vận tải đường biển thường gặp phải rất nhiều rủi ro bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, để công tác đề phòng, hạn chế tổn thất có hiệu quả thì công tác này cần được thực hiện ngay từ khi xếp hàng lên tàu và tiếp tục duy trì trong suốt hành trình cho đến khi dỡ hàng tại cảng đến.
Để đề phòng tổn thất có thể xảy ra, các công ty nên chỉ định một công ty khác của bảo hiểm tại bến cảng hoặc thuộc đơn vị chuyên trách tiến hành quá trình bốc xếp hàng lên, xuống tàu nhằm ngăn chặn những công nhân bốc xếp không làm đúng quy cách hoặc dùng phương tiện không thích hợp trong việc bốc xếp hàng hóa từ đó hạn chế được số vụ bồi thường tổn thất. Ngoài ra công ty cũng cần chú ý tham mưu cho khách hàng về các mặt: điều kiện khách hàng tốt nhất, chất lượng hàng, bao bì đóng gói, điều kiện bốc dỡ, tình trạng tàu, tình trạng tài chính của tàu…
3.4. Hoàn thiện công tác phòng chống trục lợi hảo hiểm
Xét một cách toàn diện, đây là một trong những biện pháp không tác động trực tiếp đến việc mở rộng bảo hiểm hàng hóa trong xuất nhập khẩu nhưng lại tối cần thiết để giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như phòng tránh được rủi ro đạo đức xuất phát từ cả phía khách hàng lẫn các nhân viên bảo hiểm. Do đó, việc hoàn thiện được công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm thông qua các cơ chế giám sát chặt chẽ và thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm sẽ gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển và hỗ trợ bảo hiểm hàng hóa trong xuất nhập khẩu phát triển hơn.
3.5. Các giải pháp hỗ trợ khác
Để nâng cao tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu được bảo hiểm trong nước, trước tiên cần có sự cố gắng nỗ lực của chính các công ty bảo hiểm. Ngành bảo hiểm Việt Nam cần không ngừng nâng cao năng lực bảo hiểm lên ngang tầm quốc tế; phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông kỹ thuật nghiệp vụ, hiểu luật pháp quốc gia, quốc tế, có nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trước khách hàng; phải đa dạng hóa sản phẩm, khai thác triệt để thị trường trong nước. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng phải có chiến lược nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và tạo uy tín để các công ty bảo hiểm Việt Nam có thể ký các hợp đồng bảo hiểm cho những tài sản có giá trị lớn với các công ty xuất nhập khẩu nước ngoài…
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các công ty xuất nhập khẩu ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất khẩu CIF, nhập khẩu FOB hoặc C&F như: giảm thuế xuất nhập khẩu cho chủ hàng nào tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, hoặc giảm thuế doanh thu hay thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hải quan, hoặc chủ hàng được giao hạn ngạch xuất nhập khẩu cao hơn so với những chủ hàng không tham gia bảo hiểm tại Việt Nam.
Các công ty xuất nhập khẩu cần nhanh chóng thay đổi tập quán thương mại cũ, chuyển từ phương thức xuất khẩu FOB, nhập khẩu CIF sang xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB. Sự phối kết hợp hỗ trợ nhau cùng phát triển của 3 lĩnh vực: xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng hải, và logistics có một ý nghĩa quan trọng.
Bảo hiểm là ngành kinh doanh dịch vụ đặc biệt, đòi hỏi những nhân viên làm trong lĩnh vực này phải có một trình độ và sự hiểu biết nhất định, có trình độ chuyên môn vững vàng. Thị trường bảo hiểm mới chỉ sôi động và thực sự phát triển trong mấy năm trở lại đây nên lực lượng lao động trong ngành bảo hiểm vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo bậc trung và bậc cao, nên chưa đáp ứng được yêu cầu khai thác thị trường rộng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phối hợp với các đơn vị có li