Việc thúc đẩy một chính sách thương mại mở, tăng cường hơn nữa hợp tác, giao lưu kinh tế, thương mại giữa các thành viên GMS cũng như giữa các quốc gia GMS với bên ngoài là điều có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu, cũng như hệ thống thương mại đa phương với lịch sử hình thành và phát triển 70 năm, đang phải đối diện với những nguy cơ lớn nhất từ trước tới nay bắt nguồn từ các chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang nổi lên tại một số quốc gia.
Tiểu vùng năng động nhất châu Á
Kể từ khi được khởi động vào năm 1992, hợp tác kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế GMS đã đạt được những thành quả quan trọng.
Một đặc điểm rất riêng của hợp tác GMS là các thành viên cùng có chung biên giới trên đất liền. Đặc điểm này đã tạo ra lợi thế và sự thuận tiện cho việc kết nối giao thông đường bộ và phát triển các Hành lang kinh tế.
Đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển 03 Hành lang kinh tế GMS. Hầu hết các dự án đường bộ trong các Hành lang này đã được hoàn thành hoặc gần hoàn thành với khoảng 10.000 km đường được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của ADB từ năm 2002 đến năm 2016.
Hiệp hội Đường sắt Mekong Mở rộng đã xác định 09 tuyến đường sắt ưu tiên nhằm hoàn thành kết nối đường sắt GMS và cũng đang tích cực đánh giá tính thiết thực của chúng. 03 trong số các liên kết này đã được triển khai: (i) tuyến Boten-Viêng Chăn; (ii) tuyến Hà Khẩu-Lào Cai; và (iii) tuyến Poipet-Aranyaprathet.
Trong năm 2016, các Bộ trưởng GMS đã thông qua một số điều chỉnh liên quan đến cấu trúc các hành lang kinh tế GMS nhằm đảm bảo một sự gắn kết tốt hơn giữa các tuyến hành lang và dòng chảy thương mại; đảm bảo có sự kết nối liên thông giữa các thành phố thủ đô, các trung tâm đô thị lớn của các nước GMS; kết nối giữa các hành lang kinh tế với các cảng biển. GMS cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải GMS đến năm 2030 và dự kiến sẽ được các nhà Lãnh đạo cấp cao thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này.
Về kết nối mềm, trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại, tất cả các thành viên GMS đã phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới CBTA và các phụ lục, nghị định thư kèm theo Hiệp định. Gần đây nhất, Bộ trưởng Giao thông của 6 nước thành viên GMS đã ký Bản Ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định CBTA vào ngày 15 tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội. Theo Bản ghi nhớ này, kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2018, việc cấp Giấy phép vận tải đường bộ khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hoá (Temporary Admission Document) sẽ bắt đầu được triển khai (ngoại trừ Myanmar sẽ bắt đầu vào năm 2020).
Mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” đã được triển khai tại cặp cửa khẩu Lao Bảo – Đen-sa-vẳn của Việt Nam và Lào từ năm 2015. Sự ra đời của mô hình này đã giúp Lào từ một quốc gia không có biển trở thành một trung tâm trung chuyển trong GMS, và giúp tỉnh Quảng Trị và Sa-va-na-khẹt, nơi có hành lang kinh tế đi qua, tận dụng được những lợi thế riêng của mình để phát triển kinh tế.
Hợp tác GMS trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đạt được những bước tiến đáng kể với sự ra đời của Khuôn khổ Hợp tác Thương mại điện tử qua biên giới GMS tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5, tiếp theo đó, một loạt các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ và thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới đã được triển khai.
Nhờ có những nỗ lực này, các nền kinh tế GMS đã ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Tỉ trọng trao đổi thương mại nội khối GMS đã tăng từ 5,7% trong năm 2010 (201 tỷ USD) lên 9,1% trong năm 2016 (414 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các nước GMS tăng từ 436 triệu USD trong năm 2010 lên 1.280 triệu USD năm 2016. Xuất khẩu hàng hóa của tiểu vùng GMS cũng tăng từ 304 tỷ USD vào năm 2010 lên 498 USD năm 2016 trong khi nhập khẩu tăng từ 310 tỷ USD năm 2010 lên 471 USD năm 2016. Đặc biệt, các nền kinh tế tiểu vùng GMS cũng đã theo đuổi những chính sách thương mại cởi mở và tự do hơn.
Với những kết quả này, GMS đã chứng tỏ mình là một trong những tiểu vùng phát triển năng động nhất tại khu vực Châu Á.
Còn nhiều cơ hội với GMS
Trong suốt hơn 25 năm phát triển của mình, GMS chưa bao giờ dừng lại. Theo báo cáo của ADB, trong ¼ thế kỷ qua, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của GMS đạt mức 6,3%, là mức rất cao. Tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn rất lớn để chúng ta cùng nhau khai thác và cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước hết, các nước GMS không những còn nhiều cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa các thành viên GMS với nhau, mà còn có thể thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ bằng việc tận dụng các lợi thế về kết nối với hai nước này thông qua Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế Đông-Tây cũng như các Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN với hai nước và Hiệp định RCEP đang được đàm phán.
Việc gắn kết giữa các chương trình hợp tác của GMS với các cấu trúc hợp tác khác như Hợp tác Mekong – Nhật Bản, Hợp tác Mekong – sông Hằng, Hợp tác Mekong – Lan Thương, hay Sáng kiến Vành đai và Con đường…, có thể giúp GMS định vị tốt hơn vị trí của mình trong các cấu trúc khu vực và giúp huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng.
Một cơ hội quan trọng khác, các thành viên GMS có thể phát triển các chuỗi giá trị khu vực hoặc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mà các nền kinh tế GMS có lợi thế như: dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, du lịch. Sự xuất hiện của các chuỗi giá trị toàn cầu tạo ra những cơ hội lớn cho việc kết nối các doanh nghiệp GMS, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để các doanh nghiệp có thể tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động kinh tế quốc tế.
Cùng với những cơ hội to lớn đang đặt ra, GMS cũng phải đối diện với một số thách thức không nhỏ.
Thương mại được coi là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong GMS, tuy nhiên số lượng các dự án hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi thương mại qua biên giới trong GMS vẫn còn hạn chế.
Các chính sách, quy định quản lý cửa khẩu, các quy định về SPS, thương mại điện tử của các nước GMS còn nhiều khác biệt, gây khó khăn cho việc hài hoà các quy định nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại.
Tác động của các dự án đường bộ của GMS hiện còn khiêm tốn do việc triển khai Hiệp định CBTA còn chậm.
Các Hành lang kinh tế, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông-Tây, chưa phát huy đầy đủ tác dụng do mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại qua biên giới, hạ tầng vận tải đa phương thức chưa hoàn thiện. Hiện vẫn còn thiếu một số tuyến đường kết nối quan trọng. Trong khi hầu hết các tuyến đường chính dọc theo các hành lang đã được hoàn thành thì mạng lưới đường bộ kết nối các trung tâm sản xuất và thương mại với Hành lang vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Khả năng tương tác giữa các phương thức vận tải khác nhau chưa có hiệu quả.
Chi phí cho trao đổi thương mại giữa các nước GMS vẫn còn sự khác biệt lớn và ở mức cao (ngoại trừ Thái Lan) do các biện pháp phi thuế quan, quy trình thông quan không hiệu quả, thiếu hệ thống quá cảnh hải quan, dịch vụ logistics chưa tốt. Quá trình thông quan tốn nhiều thời gian và các rào cản kỹ thuật khác đã gây ra sự chậm trễ không cần thiết và làm tăng chi phí. Việc thiếu dữ liệu về các hoạt động logistics của GMS, bao gồm dữ liệu về chi phí và thời gian di chuyển container qua biên giới, cũng là một vấn đề đáng lưu ý.
Giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước GMS
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước GMS phát triển lên một tầm cao mới, tôi xin có một số đề xuất như sau:
Trước tiên, chúng ta cần thừa nhận rằng dòng chảy thương mại hàng hoá và dịch vụ qua biên giới ngày càng tăng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của các nước GMS trong thời gian qua (theo thống kê của GMS, độ mở thương mại của Việt Nam khoảng 200%, của Thái Lan khoảng 105%, của Myanmar khoảng 57%, của Lào khoảng 86%, của Vân Nam khoảng 12%, của Quảng Tây khoảng 20%, của Cam-pu-chia khoảng 173%, của toàn bộ GMS khoảng 82%). Do đó, các nước GMS cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và ủng hộ thương mại mở trong khu vực.
Thứ hai, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước GMS, bao gồm việc nâng cấp các cửa khẩu, đơn giản hoá, hài hòa các thủ tục hải quan và kiểm soát cửa khẩu; tiếp tục nhân rộng mô hình “một cửa, một điểm dừng” dọc theo các Hành lang kinh tế; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý cửa khẩu.
Thứ ba, cần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại biên giới; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và logistics dọc theo các hành lang kinh tế (xây dựng các trung tâm logistics có quy mô khu vực và toàn cầu, các trạm thông quan nội địa (ICDs), cảng cạn nội địa và các khu phức hợp bảo quản lạnh).
Thứ tư, để các Hành lang kinh tế có thể phát huy đầy đủ chức năng, chúng ta cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về tạo thuận lợi hóa thương mại và vận tải cho các Hành lang kinh tế, giúp cung cấp các chỉ số để đánh giá hoạt động vận tải và thương mại tại các hành lang kinh tế GMS; tiếp tục điều chỉnh cấu trúc các Hành lang kinh tế GMS để kết nối liên thông tất cả các thủ đô GMS, các trung tâm kinh tế lớn, các cửa ngõ hàng hải quan trọng, các trung tâm thương mại và công nghiệp của các nước GMS; đầu tư các tuyến kết nối phụ trợ kết nối các khu công nghiệp, cảng biển với các tuyến hành lang chính; hoàn thành các tuyến đường sắt còn thiếu để kết nối tiểu vùng và tăng cường vận tải đường sắt xuyên biên giới.
Thứ năm, để phát triển dịch vụ logistics, cần cải thiện kết nối đường bộ-đường sắt-cảng biển; thiết lập dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa các cảng và trạm thông quan nội địa (ICDs), kết hợp các cảng thông quan nội địa (ICDs) vào mạng lưới đường sắt; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp logistics thông qua giảm bớt các quy định và tăng cường sự tham gia của nước ngoài; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý logistics; xem xét việc thành lập một Khuôn khổ/nền tảng hợp tác Logistics GMS.
Thứ sáu, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực trong các lĩnh vực như nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, ô tô, điện tử, du lịch; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động XTTM và đầu tư, ví dụ như Hội chợ Thương mại Quốc tế GMS.
Thứ bảy, do thương mại điện tử và kinh tế số có thể trở thành động lực tăng trưởng chính nếu chúng ta có chính sách phù hợp, các nước GMS cần cải tiến hệ thống thanh toán để thanh toán nhanh hơn và hiệu quả hơn cho các giao dịch mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thông quan thương mại điện tử qua biên giới đối với các lô hàng có giá trị thấp; cải thiện hệ thống dịch vụ công hỗ trợ thương mại điện tử.
Giải pháp cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, cần tăng cường hợp tác giữa các thành viên GMS trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực về thương mại điện tử, SPS, logistics, khởi nghiệp kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Sự hợp tác chặt chẽ trong đào tạo sẽ giúp các nước GMS huy động kiến thức chuyên môn và các nguồn lực hiệu quả hơn, giúp trao đổi các ý tưởng và cách tiếp cận sáng tạo, dần tiến tới một mặt bằng chung về các kỹ năng cần thiết cho các hoạt động kinh tế cụ thể.
Hợp tác GMS tự hào là một trong những khuôn khổ hợp tác tiểu vùng hiệu quả nhất trong khu vực, mang lại những kết quả thiết thực cho sự phát triển của các thành viên GMS. Tôi tin tưởng rằng với nỗ lực, sự chung tay góp sức của tất cả các Bên liên quan, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các học giả và cộng đồng doanh nghiệp GMS, chúng ta sẽ tranh thủ được những cơ hội lớn để mang đến sự thịnh vượng chung cho toàn thể cộng đồng Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương