Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận để duy trì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với mức độ trên 6% trong năm nay là không dễ dàng

0
279
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Ngày 15/9, trước thềm chuyến thăm chính thức Nga và có cuộc gặp thường kỳ lần thứ 24 giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Nga, trả lời phỏng vấn hãng TASS, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, sau nhiều thập kỷ phát triển nhanh chóng, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt 13,6 nghìn tỷ USD trong năm 2018, chiếm gần 16% kinh tế thế giới. Mục tiêu dự kiến phát triển kinh tế Trung Quốc trong năm nay là tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp  ở mức 5,5% và tăng giá tiêu dùng khoảng 3%. Tám tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh tế của Trung Quốc có sự tăng trưởng. Trong nửa đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 6,3%. Các chỉ số vĩ mô cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Ông cũng cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng 6%/năm là không dễ dàng.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực cân bằng giữa một bên là phát triển kinh tế với một bên  là đảm bảo cải thiện dân sinh. Trong những năm gần đây, mặc dù tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại, nhưng đầu tư nhằm cải thiện dân sinh không giảm, đặc biệt trong ba lĩnh vực lớn: gia tăng thu nhập bình quân đầu người; đảm bảo ổn định việc làm; và nâng cao mức độ an sinh xã hội thông qua cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá, thể thảo, v.v

Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng, và bản thân những khó khăn vốn có của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên nền kinh tế nước này vẫn được tin là có nhiều tiềm năng. Thứ nhất, bản thân Trung Quốc vừa là “nhà máy thế giới”, và cũng là “thị trường thế giới” với sức tiêu thụ lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nước này phát triển, nhu cầu chi tiêu ngày càng gia tăng. Chính nhu cầu lớn trong nước đã phần nào giúp cho nền kinh tế nước này hạn chế những ảnh hưởng của những tác động tiêu cực bên ngoài. Thứ hai, việc Trung Quốc tăng cường mở cửa, cải thiện hệ thống luật pháp, môi trường đầu tư là động lực để giúp các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Thứ ba, việc tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm kiểm soát kinh tế vĩ mô giúp Trung Quốc tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển.

Trong những năm qua, trước áp lực kinh tế đi xuống, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng đổi mới và cải thiện kiểm soát kinh tế vĩ mô thông qua cả các biện pháp, chính sách mang tính chiến lược và theo từng chu kỳ. Chính vì thế, Chính phủ nước này hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua các thách thức hiện nay và ổn định nền kinh tế trong tương lai.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here