Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngành Dệt may cần giữ vững vị trí tốp đầu thế giới

0
50
(VGP)
(VGP)

Ngày 13/12/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). Thủ tướng cho biết rất quan tâm đến sự phát triển của ngành dệt may với 7.000 doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Đặc biệt, ngành đã giải quyết tới 3 triệu việc làm, không chỉ ở khu vực thành phố mà cả những vùng khó khăn, qua đó giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng cho rằng, với 39 tỷ USD xuất khẩu năm nay, ngành Dệt may đã đóng góp quan trọng vào kết quả xuất nhập khẩu cả năm 2019 đạt khoảng 500 tỷ USD.

Cho rằng, ngành dệt may trong nước chưa thoát khỏi phụ thuộc về nguyên liệu từ bên ngoài, chủ yếu vẫn là gia công nên sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, Thủ tướng đặt bài toán cho ngành phải chuyển sang mô hình sản xuất tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Thủ tướng cũng chỉ ra, hiện cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về sản phẩm may mặc, chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8%, vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%…

Thủ tướng cũng lưu ý, công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp của ngành bộc lộ những bất cập. Số doanh nghiệp tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% trong tổng số doanh nghiệp của ngành, nhưng đang có nguy cơ không có tổ chức Đảng trong một số doanh nghiệp này.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành cần tận dụng các lợi thế, thời cơ, nhận diện các nguy cơ. Đặc biệt, ngành cần tạo dựng thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, sản phẩm trong khu vực và thế giới, mang lại lợi ích lâu dài. Cụ thể, đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới; đồng thời phấn đấu xuất khẩu đạt kim ngạch 110 tỷ USD. Dệt may phải thuộc tốp đầu của thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.
Muốn thực hiện điều đó, Thủ tướng cho rằng, ngành dệt may cần có tinh thần tự cường trong phát triển, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Cùng với đó, cần tận dụng các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mới nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thủ tướng cũng đặt vấn đề quan trọng đối với ngành dệt may, đó là phải chuyển mạnh từ hình thức gia công sang hình thức giá trị gia tăng cao./.
(Nguồn: TTXVN)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here