Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị WEF 2017 của Thủ tướng Chính phủ

0
94
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos (Thụy Sĩ) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, từ ngày 17-21/1/2017, với nhiều kết quả quan trọng và thiết thực, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định đoàn Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo nhằm kiến tạo môi trường, cơ hội kết nối và quảng bá Việt Nam đến các tập đoàn hàng đầu thế giới nhằm thu hút nhiều hơn các nguồn lực có chất lượng cao cho đất nước. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chủ đề Hội nghị WEF Davos năm 2017 là “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”?

          Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Các Hội nghị WEF Davos đều được tổ chức trong những bối cảnh đặc thù. Khác với hội nghị các năm trước, Hội nghị WEF Davos năm 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới có những điểm mới. Đó là kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, có dấu hiệu trì trệ; thương mại và đầu tư gặp nhiều khó khăn; trong khi tình hình chính trị – an ninh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất trắc và khó dự đoán tăng lên. Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan và bảo hộ vị kỷ ở nhiều nước đang thách thức các thành quả về toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều vấn đề mới về thể chế, kinh tế, xã hội mà các nước cần xử lý.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước đang điều chỉnh chiến lược, chính sách phát triển và đối ngoại. Do đó, đặt ra yêu cầu các quốc gia cần hành động có trách nhiệm để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết và củng cố lòng tin của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Việc WEF lấy chủ đề của hội nghị năm nay là “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động” đã phản ánh yêu cầu các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước cần hành động có trách nhiệm trước người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới cũng như yêu cầu đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên thế giới.

          Xin Thứ trưởng đánh giá các kết quả nổi bật Việt Nam đã đạt được từ sự tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2017?

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã tham dự Hội nghị WEF Davos 2017 từ ngày 17-21/1. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị WEF Davos. Dự hội nghị, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và thiết thực. Cụ thể:

          Thứ nhất, thông qua tham dự nhiều phiên quan trọng của Hội nghị và gặp gỡ nhiều đối tác và doanh nghiệp, Thủ tướng đã truyền tải rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020; thông điệp về các chính sách và nỗ lực của chính phủ về xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Một điểm rất có ý nghĩa là các thông điệp của chúng ta về quyết tâm đổi mới, nỗ lực xây dựng chính phủ hành động, kiến tạo phát triển rất phù hợp với chủ đề hội nghị là “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động”, do đó được nhiều đại biểu quan tâm và hoan nghênh, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam tại hội nghị.

          Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp nhiều lãnh đạo cấp cao các nước (như Thụy Sĩ, Hà Lan, Áo…) và các tổ chức quốc tế lớn (WB, WTO, ADB, OECD…) để làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước và các tổ chức này. Quan trọng hơn, tại Hội nghị WEF Davos năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với đại diện khoảng 40 tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Microsoft, Facebook, Alphabet (Google), Qualcom, Standard Chartered, Prudential, Alibaba, JETRO, Mitsubishi, UPS, Carlyle, Swiss Re… Đây đều là những tên tuổi, thương hiệu hàng đầu thế giới, thuộc Top 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ. Thủ tướng đã vận động, thúc đẩy các tập đoàn này tăng cường đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong những năm tới.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng tham gia đoàn công tác đã tích cực tham dự các phiên họp, gặp gỡ nhiều đối tác và doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, công nghiệp – chế tạo.

          Thứ ba, tham dự Hội nghị WEF Davos năm nay đạt một kết quả rất cụ thể và thực chất. Đó là Việt Nam và WEF đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó WEF hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế bền vững, tự cường trước các biến động trong tương lai thông qua tư vấn chính sách về tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nông nghiệp công nghệ cao… Việt Nam là nước đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) nhằm giúp Việt Nam tiếp cận và tranh thủ các nguồn lực, tri thức của WEF và các tập đoàn thành viên WEF.

          Thứ tư, WEF Davos là một diễn đàn lớn và có uy tín, quy tụ đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn, do đó là diễn đàn thuận lợi để chúng ta quảng bá Năm APEC 2017 ra thế giới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC. Tại hội nghị, Việt Nam đã vận động, thúc đẩy được nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới hưởng ứng và tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017.

          Thứ năm, năm 2017 kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, do đó WEF đã tổ chức nhiều hoạt động, phiên họp tại Hội nghị WEF Davos để hướng tới sự kiện kỷ niệm này. Việc Việt Nam chủ động, tích cực tham dự các phiên họp về ASEAN tại Hội nghị WEF Davos đã góp phần tích cực khẳng định hình ảnh Việt Nam là một thành viên đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Cuối cùng, Hội nghị WEF Davos 2017 không chỉ thu hút nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn, mà còn quy tụ nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới đến chia sẻ ý tưởng về định hình nghị sự toàn cầu trong năm 2017. Có thể nói Hội nghị WEF Davos là một “phiên chợ ý tưởng” lớn nhất của thế giới trong năm. Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự, gặp gỡ và trao đổi tại hội nghị là cơ hội rất tốt để chúng ta kết nối với giới tinh hoa của thế giới, tiếp cận các ý tưởng mới, nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, nhất là xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trên cơ sở đó vận dụng trong xây dựng, triển khai các chiến lược phát triển đất nước cũng như trong điều hành kinh tế – xã hội.

Có được những kết quả nổi bật nói trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và chủ động, tích cực tham dự hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Bộ Ngoại giao đã sớm xây dựng kế hoạch tham dự Hội nghị WEF Davos trong tổng thể kế hoạch đối ngoại năm 2017; tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và WEF xây dựng chương trình tham dự của Thủ tướng thiết thực đáp ứng nhu cầu, lợi ích của Việt Nam. Việc nghiên cứu, kiến nghị và chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo chính phủ tham dự các Hội nghị WEF Davos là một minh chứng cho nỗ lực của ngành ngoại giao nhằm kiến tạo môi trường, cơ hội kết nối và quảng bá Việt Nam đến các tập đoàn hàng đầu thế giới nhằm thu hút nhiều hơn các nguồn lực có chất lượng cao cho đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 

B.C

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here