Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

0
79
Ảnh minh họa

     Việc mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước trong suốt chặng đường 30 năm qua.

     Tính đến tháng 8/2018, Việt Nam đã có hơn 26.500 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Kết quả này đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng vốn đầu tư phát triển. Bài viết đánh giá những kết quả nổi bật trong thu hút vốn FDI 30 năm qua, chỉ ra một số hạn chế, từ đó đưa ra một vài đề xuất nhằm đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong tình hình mới.

Vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế – xã hội đất nước
Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 29/12/1987, đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua chặng đường hơn 30 năm đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo 2017 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Theo thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2018 Việt Nam, đã có hơn 26.500 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018. Số thu nộp ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bởi mức đóng góp của khu vực này ngày càng tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017 (chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 17% tổng thu ngân sách nhà nước).
Trong hơn thập kỷ qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực; tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế. Nhiều dự án lớn đã mang lại bước đột phá, đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho nhiều địa phương.
Chẳng hạn, theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, năm 1992, khối doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp hơn 15 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (chiếm 0,6% tổng thu ngân sách) thì đến năm 2016 thu ngân sách từ khối doanh nghiệp FDI đạt 48.700 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng thu ngân sách của Thành phố.
Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch… Đồng thời, đây còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

     Đầu tư nước ngoài cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có định hướng này, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng nhanh, góp phần cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Khu vực đầu tư nước ngoài cũng có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn người vào năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017, đồng thời tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5 – 6 triệu lao động.
Doanh nghiệp FDI cũng là những đơn vị tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.

Một số tồn tại, hạn chế
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài hiện nay cũng còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể:
Một là, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao.
Hai là, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận. Hầu hết họ mong muốn làm ăn nghiêm túc, hợp tác với nước chủ nhà để cùng chia sẻ thành công và lợi ích nhưng cũng có một bộ phận nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu thiện chí. Hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn phổ biến.
     Ba là, chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn ít. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.
   Bốn là, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về cơ bản sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Một số dự án còn tiêu tốn năng lượng, thâu dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường…
Năm là, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài còn thiếu sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương; Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa cao…
Sáu là, có những doanh nghiệp FDI chưa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động Việt Nam, tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động phổ thông, không đúng quy định của pháp luật… Thực trạng này cũng khiến cho quan hệ lao động trong nhiều thời điểm trở nên căng thẳng, gây bất ổn chính trị, kinh tế xã hội địa phương, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Một số đề xuất
Vấn đề xây dựng định hướng chiến lược trong thu hút FDI kỷ nguyên mới đã được đề cập tại Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (thông qua Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020).
Cụ thể, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động; Khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao… Có cơ chế ưu đãi linh hoạt đối với các dự án đặc thù; Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

     Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, quy mô dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc… đã và đang có những tác động nhất định tới nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra không ít thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn mới. Quán triệt tinh thần Đại hội lần thứ XII của Đảng, thời gian tới, định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI cần được điều chỉnh như sau:
     Thứ nhất, về quan điểm:
Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài với nội hàm mở rộng hơn. Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia có nguồn lực giới hạn và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các doanh nghiệp FDI sẽ tập trung đầu tư. Do vậy, việc tạo mọi điều kiện thuận lợi với nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, sẽ tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư.
Do vậy, việc tiếp tục giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô là vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Đồng thời, tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
     Thứ hai, về hoàn thiện cơ chế chính sách:
– Cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ; Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
– Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
– Thu hút FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
    Thứ ba, về ngành, lĩnh vực:
Chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
     Thứ tư, về đối tác:
– Cần chú trọng thu hút FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.
– Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày… nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
– Tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
– Việc thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ cũng phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng lợi thế trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút FDI; Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải ngăn chặn kịp thời.
     Thứ năm, về địa phương, vùng:
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến tháng 8/2018, trong 63 tỉnh, thành thì TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 7.847 dự án, tổng số vốn đăng ký là hơn 45,3 tỷ USD; TP. Hà Nội đứng thứ 2 với 4.892 dự án, tổng số vốn đăng ký 39,2 tỷ USD; Bình Dương đứng thứ 3 với 3.426 dự án, tổng số vốn đăng ký 30,7 tỷ USD. Tiếp đến là Đồng Nai (27,5 tỷ USD), Bà Rịa-Vũng Tàu (27,3 tỷ USD) … Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước bắt đầu dần chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (năm 2015 chiếm 5,4%; năm 2016 chiếm 48,6%, năm 2017 chiếm 49%), trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI./.

PGS. TS. Văn Thị Thái Thu
Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản, Văn kiện Đại hội XII;
2. Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới, Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
3. Hà Nguyễn (2018), Nhìn lại 30 năm thu hút FDI: Thành tựu, bài học và những định hướng mới, Báo Đầu tư;
4. Nguyên Đức (2018) Bài học nào trong thu hút FDI của Việt Nam?
5. Nhã Nam (2018), Thu hút FDI: Định hướng mới cho kỷ nguyên mới;
6. Đan Thanh (2018), 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: “Chúng ta đã thành công”, Báo Đại biểu Nhân dân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here