Thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế như thế nào?

0
51
Theo bảng xếp hạng năm 2024 của Tripadvisor, Vịnh Hạ Long xếp thứ hai trong top 25 điểm đến có thiên nhiên đẹp nhất thế giới. (Nguồn: traveloka)

Trong tháng 9, thứ hạng của Việt Nam trong một số bảng xếp hạng uy tín trên thế giới đều có sự cải thiện đáng kể, bao gồm Xếp hạng quốc gia thân thiện nhất, điểm đến thiên nhiên đẹp nhất thế giới, Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu, Thứ hạng về Chính phủ điện tử.

Thứ hạng quốc gia thân thiện – thứ 5 thế giới

Trang InterNations.org – cộng đồng quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các quốc gia – mới đây đã công bố danh sách những đất nước thân thiện nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 5 trong top các nước có “sự thân thiện địa phương” cao nhất thế giới.

Việt Nam nổi tiếng với các thành phố sôi động và trải nghiệm văn hóa phong phú, cùng với thái độ chào đón người mới đến. Sự thân thiện của địa phương được đánh giá dựa trên sự thân thiện của người dân ở nơi đó nói chung và với người nước ngoài nói riêng. Trang web này lấy ý kiến của nhiều cư dân mạng toàn cầu về các quốc gia, xem người dân địa phương thân thiện đến mức nào, có sẵn sàng giao lưu với người nước ngoài không, và những người nước ngoài sống/ làm việc tại đất nước đó có cảm thấy hạnh phúc hay không. Trong cuộc thống kê năm 2024, có 53 quốc gia nhận được số lượt ý kiến đủ nhiều để được xếp hạng.

Nhiều tạp chí Du lịch thế giới đánh giá: không có nơi nào cung cấp đầy đủ mọi thứ cho khách du lịch toàn cầu như Việt Nam. Các cơ sở lưu trú tại Việt Nam thường có giá cả hợp lý, đi kèm chất lượng dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, những món ăn tuyệt vời nổi tiếng thế giới, phong cảnh siêu thực cùng sự thân thiện, mến khách của người dân đã tạo nên thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với thứ hạng cao về sự thân thiện, các quốc gia Đông Nam Á đang định vị mình là những điểm đến hấp dẫn không chỉ để du lịch mà còn để sinh sống và làm việc lâu dài. Có đến 4/53 nước Đông Nam Á lọt vào Top 10 nước có “sự thân thiện địa phương” cao nhất là Indonesia (thứ 2), Philippines (thứ 4), Việt Nam (thứ 5) và Thái Lan (thứ 9). Người nước ngoài ở các quốc gia này thường coi việc dễ dàng kết bạn và bản chất hỗ trợ của cộng đồng địa phương là những lợi thế chính.

Đứng thứ 2/25 điểm đến thiên nhiên đẹp nhất thế giới năm 2024

Theo bảng xếp hạng năm 2024 của Tripadvisor, Vịnh Hạ Long xếp thứ hai trong top 25 điểm đến có thiên nhiên đẹp nhất thế giới. Thứ hạng của Vịnh Hạ Long phản ánh danh tiếng một di sản thiên nhiên đáng chú ý, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Nổi tiếng với những hòn đảo đá vôi và vùng nước đẹp như tranh vẽ, Vịnh Hạ Long tiếp tục là điểm đến phổ biến đối với du khách tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên.

Vịnh Hạ Long lần đầu tiên được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu cách đây 30 năm. Năm ngoái, vịnh Hạ Long cùng với quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) một lần nữa được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là di sản thiên nhiên thế giới kép đầu tiên của Việt Nam.

Danh sách 25 điểm đến thiên nhiên đẹp nhất của Tripadvisor bao gồm những tên tuổi lừng danh đối với du khách, đứng đầu là Kathmandu (Nepal); Mauritius; biển Lombok của Bali, Indonesia; Kauai, Hawaii, Mỹ; Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi; đảo Zanzibar; Grand Cayman; Wadi Rum…

Chỉ số An toàn Thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024:

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024, theo đó Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia bậc 1 “kiểu mẫu”.  Việt Nam nằm trong nhóm 46 nước dẫn đầu – những nước có tổng điểm từ trên 95 đến 100, cùng với nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy… ITU nhận xét, đây là nhóm quốc gia ‘làm gương’ thể hiện cam kết và nỗ lực mạnh mẽ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.

Báo cáo của ITU cũng cho thấy, với việc đạt tổng điểm 99,74/100, Việt Nam xếp thứ 17 cùng với Tây Ban Nha vì có tổng điểm bằng nhau, xếp sau 16 nước khác, gồm 13 nước cùng điểm tuyệt đối 100/100 và 3 nước Mỹ, Bồ Đào Nha, Singapore đều có tổng điểm 99,86.

Ở các cấp độ quốc gia, với mức điểm gần như tuyệt đối, có thể khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc duy trì và đảm bảo an toàn thông tin là rất mạnh mẽ và dũng cảm, nhất là khi nhìn vào GCI 2024 có nhiều quốc gia mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều Việt Nam nhưng xếp hạng ở mức dưới chúng ta.

Đứng thứ 71/193 về Chính phủ điện tử

Ngày 17/8, Liên hợp quốc công bố Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2024, theo đó xếp Việt Nam thứ 71/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc so với năm 2022. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước.

Chủ đề của báo cáo năm nay là “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững (Accelerating Digital Transformation for Sustainable Development)”, nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số, chính phủ số để các quốc gia trên thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Với kết quả này, Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất Cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất, kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên Hợp Quốc năm 2003.

Về giá trị, Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0,7709 điểm, được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức Rất Cao (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,6382), của khu vực Châu Á (0,6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6928).

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước (tăng 1 bậc so với năm 2022); 4 nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Đáng chú ý, Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới; Philippines tăng 16 bậc; Việt Nam tăng 15 bậc; Indonesia tăng 13 bậc; Đông Timor giảm 12 bậc.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here