Ngày 12/3/2021, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan công bố kế hoạch cải cách kinh tế mới nhằm phát huy tiềm năng sản xuất, xây dựng nền kinh tế quốc nội, giảm nhập khẩu, tăng giá trị xuất khẩu, đưa lạm phát về mức 1 con số với ưu tiên tập trung vào đầu tư, việc làm và xuất khẩu. Kế hoạch cải cách kinh tế có 3 gói chính, gồm:
1.Giảm thâm hụt ngân sách từ 4,3% xuống còn 3,5% trong năm 2021; Giảm lạm phát xuống 1 con số;
2. Giảm tỷ trọng ngoại hối trong các khoản nợ của Thổ Nhĩ Kỳ để tránh bị tác động bởi các cú sốc của thị trường bên ngoài; Chủ yếu vay trong nước và sử dụng đồng tiền lira làm chủ đạo; Tăng thời gian đáo hạn trung bình của các khoản vay phù hợp với điều kiện thị trường; Tăng cường quản lý tiền mặt của Kho bạc;
3. Cải cách kinh tế vĩ mô và thể chế. Đây là xương sống của gói cải cách kinh tế. Về kinh tế vĩ mô, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào tài chính công, lạm phát, lĩnh vực tài chính, thâm hụt ngân sách hiện nay và việc làm. Về thể chế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường bộ máy luật pháp, khuyến khích đầu tư, nới lỏng thương mại nội địa, đưa ra các chính sách cạnh tranh, giám sát và kiểm soát thị trường. Cải cách thể chế cũng bao gồm các chính sách về kỷ luật chi tiêu, quản lý nợ công, quy định thuế, đấu thầu mua sắm công, hợp tác công tư và doanh nghiệp nhà nước.
Một số biện pháp thực thi gói cải cách kinh tế:
– Thành lập Cơ quan Tổng thống phụ trách lĩnh vực công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu và thúc đẩy việc làm cho giới trẻ.
– Thành lập Hội đồng điều phối kinh tế dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng thống Fuat Oktay.
– Thành lập Hội đồng ổn định giá cả dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố Lutfi Elvan, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Năng lượng.
– Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và pháp lý để chuyển sang tiền tệ kỹ thuật số.
– Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các ngân hàng ứng phó với các khoản nợ xấu và nâng cao giá trị tài sản của các ngân hàng.
– Thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu để hỗ trợ các cuộc đấu giá trái phiếu công ty và các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn sẽ được cấp cho các doanh nghiệp nhỏ thuê thêm nhân viên.
– Các chính sách thuế sẽ được đơn giản hóa, có tính đến những vấn đề các nhà đầu tư quốc tế đưa ra.
– Khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa từng xuất khẩu; hỗ trợ chuyển đổi xanh trong lĩnh vực công nghiệp.
– Miễn thuế thu nhập cho khoảng 850 nghìn tiểu thương.
– Giảm chi phí công thông qua một số biện pháp cụ thể trong hành chính công như hạn chế tiền thuê phương tiện và chi phí tiếp đón.
Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đặt nhiều kỳ vọng vào gói cải cách này với sự phục hồi thị trường theo hình chữ V trong quá trình bình thường hóa mới sau đại dịch Covid-19, là bước đi cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp nước này có thể cán mốc 184 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2021 sau khi đạt 169,5 tỷ USD năm ngoái.
Gói cải cách kinh tế mới được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không bị tăng trưởng âm trong năm 2020, đạt mức 1,8%, tuy nhiên lạm phát tháng 2/2021 của Thổ Nhĩ Kỹ đã tăng 15,61%, mức tăng cao nhất kể từ giữa năm 2019.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ)