Thị trường dầu mỏ: Cú tụt dốc không phanh và nỗ lực cứu thị trường của OPEC+

0
80

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, hay còn được gọi là OPEC+ đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày – tương đương 7% nhu cầu toàn cầu từ tháng 1/2021. Chiến lược cắt giảm sản lượng “vàng đen” của OPEC+ được coi là nỗ lực nhằm cứu vãn thị trường dầu mỏ trước tác động của đại dịch COVID-19.

Dưới “mây đen” của đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu mỏ dự kiến giảm 8,1 triệu thùng/ngày trong năm 2020. (Nguồn: Global Look Press)

Đại dịch COVID-19 và cú sốc với thị trường dầu mỏ thế giới
Cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã làm rung chuyển các thị trường dầu mỏ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đang tác động nặng nề tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên toàn thế giới giữa lúc các ngành như hàng không và vận tải vật lộn với những chính sách hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo IEA, dưới “mây đen” của đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu mỏ dự kiến giảm 8,1 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Về tổng thể, IEA đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong cả năm 2020 xuống 91,9 triệu thùng/ngày, lần hạ đầu tiên trong vài tháng. Tổ chức này dự kiến nhu cầu sẽ phục hồi lên 97,1 triệu thùng/ngày trong năm tới, song vẫn giảm so với dự báo trước đó.

IEA đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu trong năm 2021 giữa bối cảnh ngành hàng không cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Tổ chức này tính toán rằng đến tháng 12/2021, lượng tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vẫn thấp hơn 2% so với cuối năm 2019. Ngành hàng không và vận tải đường bộ, vốn là những ngành tiêu thụ nhiều thụ dầu mỏ, vẫn gặp nhiều khó khăn. IEA đánh giá giao thông đường bộ đang chịu ảnh hưởng khi người dân tại nhiều nước phương Tây tránh các chuyến đi không cần thiết và làm việc tại nhà. Trong khi đó, du lịch bị hạn chế, khiến lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường không sụt giảm.

Cùng chung nhận định với IEA, OPEC cũng cho rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm sâu hơn trong năm nay so với dự báo trước đó do tác động của dịch COVID-19.

Và hệ quả là sự bùng phát và lây lan dịch COVID-19 đã khiến giá dầu trên thị trường thế giới “lao dốc”, với giá dầu kỳ hạn có thời điểm xuống mức âm. Sự sụp đổ lịch sử của giá dầu này là một cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế có lẽ là tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái, tiếp tục gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn đối với một số nước khai thác dầu vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong thời gian qua, từ Saudi Arabia cho tới Canada.

Đại dịch COVID-19 cũng đã giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất năng lượng. Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Petrobras của Brazil thông báo đã lỗ ròng 417 triệu USD trong quý III/2020. Hãng dầu khí Total (Pháp) cũng thông báo khoản lỗ ròng lên tới 8,4 tỷ USD trong quý III/2020. Chevron, “đại gia” dầu mỏ của Mỹ, báo cáo khoản lỗ 8,3 tỷ USD trong quý III/2020 giữa bối cảnh triển vọng nền kinh tế ảm đạm do dịch COVID-19 làm giảm giá trị tài sản của tập đoàn này khi giá dầu được dự báo sẽ còn ở mức thấp trong một thời gian dài. Cùng chung cảnh ngộ với Chevron, tập đoàn đồng hương Exxon Mobil Corp thông báo trong quý III/2020, tập đoàn này lỗ 1,1 tỷ USD. Tập đoàn năng lượng Italy Eni ghi nhận lỗ ròng 5,17 tỷ USD trong quý III/2020. “Gã khổng lồ” dầu mỏ Royal Dutch Shell (Anh-Hà Lan) cho biết trong tuần trước rằng giá trị tài sản của doanh nghiệp này đã giảm khoảng 22 tỷ USD. Tháng trước, BP của Anh cũng đã thông báo giá trị tài sản của tập đoàn dầu khí này giảm 17,5 tỷ USD.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy, doanh thu từ lĩnh vực dầu mỏ của các nhà sản xuất năm 2020 có thể giảm 40% so với năm 2019 và không chỉ doanh thu trong lĩnh vực dầu mỏ giảm mà đầu tư của ngành năng lượng cũng có nguy cơ giảm 25% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 410 tỷ USD.

Sự suy giảm đầu tư sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trong ngắn hạn, điều này sẽ gây thiệt hại cho các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Ngân sách của những nước này, vốn được xây dựng dựa trên doanh thu liên quan tới hoạt động khoan giếng dầu mới và giá trị của mỗi thùng dầu, phải được đánh giá lại.

Về lâu dài, sự sụt giảm đầu tư đặt ra câu hỏi về khả năng của các nhà sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng vẫn rất cao từ thị trường. Theo IEA, nếu hoạt động đầu tư duy trì ở mức của năm 2020 trong vòng 5 năm tới, nguồn cung dự báo ban đầu cho năm 2025 sẽ giảm gần 9 triệu thùng/ngày. Sự cân bằng giữa cung và cầu có thể bị đảo lộn, khi các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, quyết định đóng cửa các giếng dầu mà một số nhà khai thác đưa ra vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng làm phức tạp thêm tình hình. Động thái này không những khiến năng suất của họ giảm sút, mà việc khởi động lại hoạt động khai thác cũng rất tốn kém. Chính vì vậy, một số mỏ dầu cũ có năng suất thấp nhưng đòi hỏi chi phí vận hành tương đối cao có thể sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Nỗ lực của OPEC+
Trước những thách thức đối với thị trường “vàng đen”, nhóm OPEC+ trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 6 vừa qua đã nhất trí duy trì cắt giảm sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 7. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu OPEC, khẳng định nước này muốn đảm bảo sự cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu, thông qua vai trò chủ động của chính nước này và khuyến khích những thành viên khác trong OPEC+ thực hiện điều tương tự. Thông điệp mà giới chức Saudi Arabia phát đi cho thấy quốc gia vùng Vịnh này mong muốn các thành viên OPEC+ cần phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa nếu như chưa thực hiện đầy đủ cam kết trước đó.

Xét về bề ngoài, chiến lược theo đuổi cắt giảm sản lượng “vàng đen” của OPEC+ không mới, song đã phát huy một số hiệu quả nhất định, trong đó mục tiêu hàng đầu là tìm cách giảm lượng dầu tồn kho.

Tiếp đó, trong bối cảnh những lo ngại gia tăng về làn sóng dịch COVID-19 thứ hai dẫn đến tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ hơn nữa ngày 3/12 OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn từ tháng 1/2021 lên thêm 500.000 thùng/ngày. Sự điều chỉnh này có nghĩa là OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày – tương đương 7% nhu cầu toàn cầu – từ tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Ngoài ra, OPEC+ đã nhất trí nhóm họp hàng tháng, bắt đầu từ tháng 1/2021, để quyết định chính sách của liên minh này. Song OPEC+ không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn và rộng rãi hơn trong thời gian còn lại của năm tới.

OPEC+ trước đó được cho là sẽ kéo dài các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại cho đến ít nhất là tháng 3/2021. Tuy nhiên, sau khi những tín hiệu tích cực về một số loại vaccine ngừa COVID-19 được cấp phép đã thúc đẩy một đợt tăng giá dầu vào cuối tháng 11/2020, một số nhà sản xuất bắt đầu đặt câu hỏi về sự cần thiết của yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của quốc gia đứng đầu OPEC là Saudi Arabia:

Thanh Lâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here