Tất cả các vấn đề liên quan trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc và Huawei

0
144
một mình cuộc tranh cãi về vấn đề Huawei không thể ngăn cản thỏa thuận về các vấn đề thương mại và đầu tư. (Nguồn: Nayadaur)
Những linh kiện trọng yếu trong hoạt động của Huawei đang bị đe dọa: từ các chất bán dẫn quan trọng cho tới màn hình và ống kính máy ảnh, thậm chí cả bảng mạch in. (Nguồn: Nayadaur)

Mối liên hệ giữa Huawei và các nhà cung cấp đã bị cắt đứt. Đối với công ty công nghệ Huawei, thế giới đã thay đổi – sự trỗi dậy của họ với tư cách nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới trong thập kỷ qua có nguy cơ đột ngột chững lại.

Sau nửa đêm 14/9, tất cả các nhà cung cấp của Huawei bên ngoài nước Mỹ trên toàn thế giới phải ngừng giao hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ có sử dụng công nghệ Mỹ. Theo các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 17/8/2020, các nhà cung cấp của Huawei sẽ phải được bộ này cấp phép mới có thể duy trì hoạt động kinh doanh với công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc.

Những linh kiện trọng yếu trong hoạt động của Huawei đang bị đe dọa: từ các chất bán dẫn quan trọng cho tới màn hình và ống kính máy ảnh, thậm chí cả bảng mạch in. Huawei đã dự trữ đủ loại chip kể từ cuối năm 2018, nhưng không rõ liệu công ty này đã chuẩn bị nguồn dự trữ dồi dào các linh kiện điện tử khác như màn hình tiên tiến và ống kính máy ảnh hay chưa.

Nikkei Asian Review dẫn lời Chủ tịch công ty công nghệ Nanya Ngô Gia Chiêu nói: “Các thiết bị điện tử rất phức tạp. Nếu thiếu dù chỉ một linh kiện, thì người ta cũng không thể lắp ráp hoàn chỉnh các thiết bị, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay cho tới các trạm cơ sở”. Tô Tử Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh quốc gia Đài Loan đồng thời là một chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho rằng Huawei có thể tìm được một số linh kiện thay thế rẻ tiền hơn. Ông nói thêm: “Tuy nhiên, điều đó có thể khiến các sản phẩm của Huawei kém cạnh tranh hơn, thậm chí đẩy họ trở lại vị trí cách đây 10 năm”.

Về mặt nội bộ, công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc – với hơn 190.000 nhân viên và doanh thu hơn 850 tỷ nhân dân tệ (tương đương 124 tỷ USD) – có nguy cơ chảy máu chất xám. Huawei hiện đã mất hàng trăm nhân viên vào tay các đối thủ. Một nhà quản lý trong ngành sản xuất chip nói: “Nhóm phát triển chip của Huawei, vốn đã quen làm việc thâu đêm suốt sáng, giờ đây đột nhiên có thể làm việc một cách từ tốn hơn. Nhiều nhân viên đang chờ đợi công ty giao cho những nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, nhưng nhận thấy trước mắt có nhiều bất ổn”.

Số phận của Huawei cũng là một biến số quan trọng đối với ngành này nói chung. Các nhà cung cấp phải thích ứng với việc mất đi một khách hàng lớn. Các đối thủ cạnh tranh trong ngành điện tử tiêu dùng và thiết bị viễn thông – trong đó có Apple, Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia – đã sẵn sàng giành lấy thị phần. Trong khi đó, các công ty mua thiết bị 5G của Huawei cũng phải tìm kiếm các phương án thay thế, dẫn tới những biến động lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ.

Mỹ trừng phạt Huawei vì lý do gì và bằng cách nào?

Sự trỗi dậy nhanh chóng và mối liên hệ với nhà nước Trung Quốc của Huawei từ lâu đã khiến Mỹ quan ngại. Tuy nhiên, căng thẳng đã leo thang đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhất là từ khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ do bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran vào cuối năm 2018.

Tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại – được gọi là Danh sách thực thể – nhằm hạn chế việc công ty này sử dụng các công nghệ Mỹ, đòi hỏi các nhà cung cấp Mỹ phải được chính phủ chấp thuận mới được giao hàng cho Huawei.

Tháng 5/2020, Washington đã thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt. Theo đó, ngay cả các nhà sản xuất ngoài Mỹ – chẳng hạn như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip tiếp xúc lớn nhất thế giới – cũng bị cấm sản xuất bất kỳ sản phẩm nào cho Huawei và HiSilicon, chi nhánh thiết kế chip của gã khổng lồ Trung Quốc, nếu sử dụng trang thiết bị của Mỹ.

Gần đây, Mỹ đã phát động đợt trừng phạt thứ ba nhằm vào Huawei khi cấm tất cả các nhà cung cấp sử dụng công nghệ Mỹ bán hàng cho Huawei mà không có giấy phép.
Đã có công ty nào xin giấy phép hay chưa, và liệu họ có được cấp phép hay không?
Điều này vẫn chưa rõ ràng, mặc dù một số công ty cho biết họ muốn được cấp phép. Việc này không phải là không có tiền lệ. Sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen, hầu hết các nhà sản xuất chip Mỹ quả thật đã tạm dừng việc giao hàng – nhưng một vài nhà cung cấp, trong đó có Qualcomm và Intel, đã thông báo nối lại hoạt động sau khi được Chính phủ Mỹ cấp phép cho một số sản phẩm.

Trong tình hình hiện nay, MediaTek, nhà phát triển chip di động của Đài Loan, lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm, đã xác nhận với tờ Nikkei rằng họ đã nộp đơn xin phép nối lại phần nào hoạt động với Huawei. Samsung Electronics, Samsung Display và SK Hynix cũng được cho là đã nộp đơn xin cấp phép. Mặt khác, TSMC không cho biết liệu họ có xin cấp phép hay không.

Các luật sư cho biết vì Mỹ tiếp tục sửa đổi quy tắc kiểm soát xuất khẩu nên các công ty có giấy phép giao hàng cho Huawei sẽ phải gia hạn giấy phép này. Harry Clark, luật sư thuộc công ty luật Orrick của Mỹ, nói: “Ngay cả khi một công ty được cấp phép để tham gia các hoạt động được đề cập tới trong quy tắc tháng 5/2020, thì công ty đó cũng phải xin giấy phép khác hoặc giấy phép sửa đổi nếu đề xuất tham gia các hoạt động được đề cập tới trong một trong số các quy tắc mới”.

Mảng điện thoại của Huawei sẽ phải chịu ảnh hưởng như thế nào?

Trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh, cho tới nay, Huawei đã cho thấy sức chống đỡ trước sự kìm kẹp của Mỹ. Trong giai đoạn từ tháng 4-6/2020, Huawei thậm chí đã vượt qua Samsung để trở thành nhà bán lẻ điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các vấn đề đang ngày một chồng chất.

Các mẫu chip Kirin, vốn được trang bị cho các dòng điện thoại thông minh cao cấp nhất của Huawei và được coi là biểu tượng cho năng lực đổi mới của hãng, có khả năng sẽ bị lệnh cấm của Mỹ xóa sổ. Gần đây, Huawei cũng cho biết họ sẽ bắt đầu sử dụng hệ điều hành HarmonyOS 2.0 của mình cho các mẫu điện thoại thông minh kể từ năm 2021, cho thấy Huawei không có kế hoạch nối lại quan hệ cộng tác với Google, và thừa nhận rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip sẽ ảnh hưởng tới doanh số điện thoại thông minh của hãng này.

Huawei vốn dĩ đã gặp khó khăn ở thị trường châu Âu. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Canalays, doanh số của họ tại đây đã giảm 16% trong giai đoạn tháng 4-6/2020, trong khi Samsung và Xiaomi lần lượt đạt mức tăng trưởng 20% và 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ghi chép nghiên cứu của mình, một nhà phân tích của Canalays cho biết: “Samsung đã nhanh chóng tận dụng những vấn đề mà Huawei gặp phải liên quan tới Danh sách thực thể của Mỹ, và nỗ lực ở hậu trường nhằm xây dựng cho mình hình ảnh một lựa chọn thay thế ổn định trong các cuộc thảo luận với các nhà bán lẻ và nhà khai thác quan trọng”.
Donnie Teng, một nhà phân tích thuộc Nomura Securities, cho rằng mảng kinh doanh thiết bị di động của Huawei đang phải đối mặt với những biến số lớn.

Theo Teng, đối với dòng điện thoại thông minh hàng đầu sắp được hãng này ra mắt mang tên Mate 40 – mẫu điện thoại quan trọng nhất của họ, được tung ra hàng năm nhằm cạnh tranh với iPhone – Huawei tỏ ra rất khiêm tốn khi nói về triển vọng của sản phẩm. Ông nói: “Chúng tôi dự đoán Huawei sẽ bắt đầu mất thị phần ngay tại Trung Quốc sau ngày 15/9”.
Theo Jeff Pu, một nhà phân tích thuộc công ty GF Securities, số lượng điện thoại thông minh Huawei được bán ra thậm chí có thể giảm xuống còn 50 triệu thiết bị trong năm 2021, từ 195 triệu thiết bị trong năm 2020 và 240 triệu thiết bị trong năm 2019, nếu Mỹ không nới lỏng hạn chế.

Vậy các lĩnh vực kinh doanh khác của Huawei thì sao?
Mảng thiết bị viễn thông của Huawei vốn là trụ cột cho các hoạt động của công ty này trong nhiều thập kỷ qua, và đóng vai trò trọng yếu trong việc trợ giúp các nhà cung cấp mạng viễn thông lớn của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Huawei đã chuẩn bị trước hàng hóa dự trữ trong ít nhất là 1 năm. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt mạng 5G ở Trung Quốc đã chậm lại khi Huawei hối hả thiết kế lại và nỗ lực trong khả năng có thể nhằm loại bỏ các thành phần Mỹ trong sản phẩm của mình.

Bên ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia, chẳng hạn như Anh, đã quyết định hạn chế việc sử dụng các thiết bị của Huawei.

Stephane Teral, một nhà phân tích viễn thông kỳ cựu thuộc công ty nghiên cứu thị trường LightCounting, nói với Nikkei Asian Review: “Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và do đó là khách hàng lớn nhất của bất kỳ nhà cung cấp nào của công ty này trong hệ sinh thái… Theo tôi, thiệt hại gián tiếp gây ra sẽ là rất lớn”.
Huawei nắm giữ khoảng 28% thị phần thiết bị viễn thông. Nếu họ không thể duy trì doanh số, thì Samsung, Ericsson và Nokia, cũng như một vài nhà cung cấp Nhật Bản như NEC và Fujitsu có thể sẽ được lợi.

Teral cho rằng Samsung, một tân binh xông xáo trong lĩnh vực thiết bị viễn thông và thiết bị mạng, sẽ được lợi nhiều nhất vì công ty này vốn đã có được thị phần ở các thị trường then chốt như Nhật Bản và Mỹ, cũng như đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều thị trường khác. Ông nói: “Thỏa thuận 6,7 tỷ USD gần đây của Samsung với Verizon là động thái cuối cùng đưa Samsung vào nhóm các nhà cung cấp hàng đầu cùng với Ericsson, Huawei và Nokia. Điều đó cũng có thể có lợi cho NEC của Nhật Bản, vốn có quan hệ đối tác với Samsung”.

Điều này còn mang lại cơ hội nào khác cho các đối thủ?

Samsung, vốn dĩ là đối thủ lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực điện thoại thông minh, đã và đang tích cực đưa ra các sản phẩm mới. Gần đây, thế hệ thứ hai của dòng điện thoại gập thông minh của hãng này đã được bày bán tại nhiều quốc gia, trong đó có Đài Loan, trong khi đó điện thoại gập của Huawei vẫn chỉ được bán tại thị trường nội địa Trung Quốc. Đây là hai nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất tính theo số lượng lô hàng, và cũng là hai hãng đầu tiên tung ra các mẫu điện thoại gập thông minh trong năm 2019, trong nỗ lực thể hiện khả năng công nghệ của họ và tiếp thêm sinh lực cho thị trường điện thoại thông minh đang sa sút.

Trong khi đó, Xiaomi, Oppo và Realme – đều là các hãng Trung Quốc cạnh tranh với Huawei – đang gia tăng thị phần của họ ở các thị trường châu Âu. Chiu Shih-fang, một nhà phần tích thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan nói: “Xiaomi hoạt động rất tích cực ở nước ngoài vì thị trường trong nước vốn do Huawei thống trị. Tuy nhiên, Xiaomi có thể giành lại thị phần ở Trung Quốc nếu Huawei không thể tung ra nhiều mẫu điện thoại như trước đây”.
Apple cũng đang nhận thấy cơ hội. Mặc dù việc sản xuất iPhone 5G đang bị trì hoãn, nhưng công ty Mỹ này có dự định công bố loạt sản phẩm mới và đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị linh kiện cho 80 triệu chiếc iPhone mới – một dự báo tương đối khả quan.
Donnie Teng cho rằng về số lượng sản phẩm được bán trong năm 2021, mỗi đối thủ cạnh tranh – từ Samsung, Oppo, Xiaomi cho tới Apple – đều hy vọng giành được “20-30 triệu thiết bị” từ tay Huawei vốn đang bị bao vây, nhưng những kế hoạch tham vọng này có thể không trở thành hiện thực khi xét tới sự bấp bênh trong kinh tế vĩ mô. Teng nói: “Theo thông tin mà chúng tôi thu được, Samsung và Xiaomi hoạt động năng nổ hơn các bên tham gia khác trong việc gia tăng số đơn đặt hàng với các chuỗi cung ứng”.

Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà cung cấp?

Việc gấp rút giao lô hàng dự trữ cuối cùng cho Huawei đã mang lại cho nhiều nhà cung cấp công nghệ một tháng 8 bội thu. Doanh số của MediaTek trong tháng 8 đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Novatek, một nhà cung cấp chip điều khiển mạch tích hợp màn hình, ghi nhận sự gia tăng hơn 30% trong doanh thu tháng, còn TSMC tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, xuất khẩu linh kiện điện tử của Đài Loan sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, đã ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong các tháng 6, 7 và 8.

Cũng có thể cảm nhận được sức nóng trên thị trường chip DRAM, vốn là linh kiện cần thiết đối với hầu hết các loại thiết bị điện tử. Nghiên cứu của Nikkei cho thấy giá giao ngay ngày 11/9 đối với chip DDR4 8 GB là khoảng 2,95 USD, cao hơn 7% so với mức giá thấp gần đây vào đầu tháng. Theo nguồn tin của một nhà kinh doanh chất bán dẫn Nhật Bản, Huawei đang mua tích trữ vào phút cuối trước khi các biện pháp cấm vận của Washington đối với mặt hàng chip có hiệu lực.

Tuy nhiên, đối với một số công ty, tình trạng doanh số giảm đột ngột do không thể tiếp tục giao hàng cho Huawei rõ ràng gây ra những rủi ro. Một vài công ty sẽ mất thời gian cân bằng lại danh mục khách hàng.

Huawei là khách hàng lớn thứ hai, chiếm gần 20% doanh thu của TSMC, và nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng 5G, các ứng dụng điện toán hiệu suất cao và điện thoại thông minh 5G của các khách hàng khác của TSMC như Apple, Nvidia và AMD có khả năng sẽ khỏa lấp phần nào khoảng trống để lại.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng có được nền tảng khách hàng đa dạng như vậy, và nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc càng làm trầm trọng thêm sự bấp bênh. Công ty cổ phần công nghệ ASE, công ty đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng lệnh cấm đối với Huawei sẽ gây thiệt hại cho doanh thu năm 2020 của họ, với tỷ lệ phần trăm giảm đáng kể ở mức một con số.

Các nhà sản xuất chip bộ nhớ của Hàn Quốc, chẳng hạn như Samsung và SK Hynix, dự kiến cũng sẽ phải chịu tác động tiêu cực, trong khi đó các nhà phân tích cho rằng thị trường chip bộ nhớ nói chung có thể phải đối mặt với một số điều chỉnh sau lệnh cấm Huawei. Theo công ty Đầu tư và chứng khoán Eugene, Huawei là khách hàng lớn thứ hai của Samsung sau Apple trong lĩnh vực bán dẫn, chiếm 3,2% doanh số của công ty này. Đối với SK Hynix, Huawei chiếm 11,4% doanh số.

Một số nhà cung cấp dự đoán rằng nhu cầu đối với thiết bị 5G sẽ vẫn tăng trưởng và thị trường của họ sẽ ổn định sau một vài bất ổn. Joe Tseng, người phát ngôn của Win Semiconductors, một nhà cung cấp lâu năm của Huawei, nói: “Chúng tôi không thể tránh khỏi một số tác động trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn, chúng tôi tin rằng nhu cầu nói chung sẽ vẫn còn đó, thị trường sẽ ổn định và tái cân bằng, và nhu cầu đối với thiết bị 5G vẫn ở mức cao”.

Liệu tình hình Huawei có thể thay đổi sau cuộc bầu cử Mỹ hay không?

Nhiều người cho rằng dù ai là người chiến thắng sau ngày 3/11, thì căng thẳng Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp diễn khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành uy thế công nghệ.
Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và là người thách thức Trump trong cuộc bầu cử, cũng có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và gọi Tập Cận Bình là “kẻ côn đồ”. Chiến dịch tranh cử của Biden đã nêu bật các chính sách sẽ kiềm chế sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ, trong đó có 5G và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, Biden đã công khai chỉ trích cuộc chiến thương mại của Trump và cho rằng cuộc chiến này đang “hủy diệt” nền kinh tế Mỹ. Biden cho biết nếu đắc cử, ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh trong việc xây dựng một mặt trận thống nhất nhằm gây sức ép với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, nhưng ông cũng sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh trong các thách thức toàn cầu.

Nhiều nhà quan sát thị trường và nhà quản trị trong ngành cho rằng dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ sẽ có thêm nhiều cơ hội đối thoại với Trung Quốc và Washington sẽ có thêm không gian để nới lỏng lệnh cấm đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng ít có liên quan tới an ninh quốc gia và các lĩnh vực trọng yếu như các mạng lõi 5G hay trí tuệ nhân tạo.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here