Tạo lợi thế cạnh tranh, cần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp

0
51
(minh hoạ)

Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.

(minh hoạ)

“Điều này có thể thấy logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu – châu Mỹ 2022 diễn ra ngày 20/12/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào khu vực Âu – Mỹ được coi là thị trường quan trọng, nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ (lớn nhất), Liên minh châu Âu (lớn thứ 3) cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực Âu –Mỹ đạt gần 212 tỷ USD (tăng trưởng 21% so với cùng kỳ). Tính đến hết tháng 11/2022, kim ngạch thương mại đã đạt 212 tỷ USD (tăng 11,8%), trong đó xuất khẩu đạt 171 tỷ USD (tăng gần 16%), xuất siêu sang khu vực đạt hơn 128 tỷ USD.

Đối với khu vực thị trường đầy hứa hẹn này, các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung, đặc biệt là khu vực Âu – Mỹ nói riêng, vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics (kho bãi, trung tâm logistics) hạn chế, thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, quy trình thủ tục hải quan còn chồng chéo; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin, thiếu liên kết… Điều này khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh,  một container gỗ trị giá 20.000 – 30.000 USD, trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 -9.000 USD). Dù cước vận tải nước ngoài đã giảm sâu nhưng chi phí logistics nội địa vẫn cao và có xu hướng tăng lên.

Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA), cho biết hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa, nhưng có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20 – 25%.

Để tối ưu hóa chi phí logistics, bà Lan cho rằng các doanh nghiệp nên sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan, vận chuyển nội địa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Đồng thời, “swap container” (trao đổi container) giữa hàng xuất – nhập. Theo đó, các nhà xuất nhập khẩu nên thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách “swap container” hàng xuất – nhập nhằm giảm thiểu chi phí vận tải.

“Việc sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí, và dùng container nhập để vận chuyển hàng đến kho ngoại quan giúp giảm 30% chi phí vận chuyển”, bà Lan nhấn mạnh.

Về phía Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, cho biết các doanh nghiệp cần tăng cường thay đổi phương thức vận tải nội địa từ đường bộ sang đường thủy nội địa để giảm chi phí vận chuyển. Để làm được điều này, cần đầu tư xây dựng các bến sà lan tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương.

Đối với việc khai thác các cảng, cần có cơ chế để liên kết và luân chuyển hàng hóa giữa các bến cảng trong khu vực Cái Mép – Thị Vải (cơ chế “cảng mở”), nhằm tối ưu hóa công suất khai thác và tận dụng tối đa cầu bến của nhau, giúp giảm chi phí logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua khu vực này.

Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị đang tăng cường kết nối, mở tuyến vận tải thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) qua kênh Quan Chánh Bố.

(Mộc Minh/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here