Tạo cơ chế đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo

0
48
Sau gần 3 năm thi công, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc) chính thức được khánh thành vào ngày 28/10/2023
Sau gần 3 năm thi công, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc) chính thức được khánh thành vào ngày 28/10/2023

Đổi mới sáng tạo là một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, làm thay đổi nền tảng, thúc đẩy các nền kinh tế truyền thống chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và định hình lại bản đồ kinh tế thế giới, mà trong đó, các nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ sẽ chiếm ưu thế.

Nhận diện rõ xu hướng từ cuộc cách mạng này sẽ giúp Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” nếu tận dụng tốt cơ hội. Năm 2018, trong quá trình tìm hiểu mô hình đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, thấy rằng, để tạo được một bước phát triển đột phá mới, cần đổi mới sáng tạo.

Lần đầu tiên, cụm từ “đổi mới sáng tạo” với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đổi mới sáng tạo được xác định là một nội dung của đột phá chiến lược thứ nhất trong 3 đột phá chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời, nội hàm của đổi mới sáng tạo cũng phần nào được làm rõ qua các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Đổi mới sáng tạo được coi như một động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đưa “nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Sau khi trực tiếp thăm và làm việc với hàng chục quốc gia phát triển có các trung tâm đổi mới sáng tạo điển hình trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…, ngay từ năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo tập trung xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài với 100 thành viên đầu tiên là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều người trong số họ làm việc ở các tập đoàn lớn, như Tập đoàn Google, Tập đoàn Meta…

Tiếp đó, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 về việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới (chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp).

NIC là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, chức năng của NIC là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; áp dụng các cơ chế, chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước; tập trung vào 8 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, gồm: sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, bán dẫn, hydrogen xanh và y tế.

Ngày 9/1/2021, NIC đã được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thể hiện bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sau gần 3 năm thi công, NIC Hòa Lạc sẽ chính thức được khánh thành vào ngày mai, 28/10/2023. Nơi đây sẽ hội tụ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực và thế giới, để thu hút các đối tác, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đặt các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, R&D… Từ đó “hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích”, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều tập đoàn lớn đã tiếp cận và mong muốn triển khai các trung tâm R&D, khu vực sản xuất tại NIC Hòa Lạc, như: Tập đoàn Samsung sẽ hình thành Trung tâm Samsung Innovation Lab; Tập đoàn John Cockerill sẽ xây dựng trung tâm R&D và phòng lab… NIC cũng phối hợp với Google, Meta, SpaceX, SK… xây dựng khu vực trải nghiệm các công nghệ mới, trung tâm R&D, trung tâm đào tạo nhân lực…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong 3 năm qua đã góp phần xây dựng, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; bước đầu tạo lập, dẫn dắt và kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Đổi mới sáng tạo đã có nhiều chuyển biến nổi bật, thể hiện ở Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.

Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023 (Global Innovation Index 2023 – GII) được công bố vừa qua, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57.

Những thành tựu bước đầu về đổi mới sáng tạo đã góp phần khẳng định những định hướng chiến lược đúng đắn và các biện pháp cụ thể phù hợp của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để khắc phục những điểm hạn chế về cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Về phía Chính phủ, để thu hút, hội tụ trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các start-up. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các start-up công nghệ, tạo khả năng huy động vốn cho start-up, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ; khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế.

Bên cạnh đó, cần có nhóm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo thông qua thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển, tập trung xây dựng các trường đại học đóng vai trò quan trọng vào việc khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần học hỏi và khả năng phản biện của các sinh viên và có các chính sách thu hút nhân tài.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự thảo, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; kịp thời hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiềm năng, hình thành một môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo thực chất và hiệu quả cũng như khuyến khích tạo ra các cộng đồng đổi mới sáng tạo có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các nghị định, thông tư hướng dẫn…

Tuy nhiên, để hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo để huy động vốn từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.

Từ những khó khăn, vướng mắc rút ra trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, cũng như dự báo các tiềm năng, cơ hội trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động của NIC và các trung tâm đổi mới sáng tạo khác với những cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất, thuận lợi nhất. Từ đó, giúp NIC và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cả nước tiếp tục phát triển; tạo sức hấp dẫn để thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo cần bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học – công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các luật, nghị định có liên quan đến hỗ trợ hoạt động của NIC và các trung tâm đổi mới sáng tạo khác.

(TS. Võ Xuân Hoài-Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here