Tăng trưởng GDP Quý I: Đạt hay không đạt?

0
74

Phúc Phan

 

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt 5,1%, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây (quý I/2015 là 6,12%; quý I/2016 là 5,48%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với tăng trưởng GDP của quý I các năm 2012-2014. Tăng trưởng quý I/2017 thấp hơn so với mức dự báo 5,8% của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và 5,61% của Công ty Nghiên cứu thị trường Market Intello. Một số nhận định cho rằng tăng trưởng GDP Quý I/2017 như thế là không đạt và sẽ đặt áp lực rất lớn cho các Quý còn lại để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đánh giá GDP đạt hay chưa đạt cần đặt trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới có tính tới chính sách tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta.

 

Bối cảnh kinh tế thế giới quý I/2017

Mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, khó lường với nhiều rủi ro đan xen lẫn nhau, trong đó nổi lên là sự điều chỉnh chính sách khó lường của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, tác động khó dự báo của tiến trình Brexit, một số liên kết kinh tế khu vực gặp nhiều khó khăn do gia tăng chủ nghĩa bảo hộ vị kỷ, dân tộc, dân túy…

Trong môi trường kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận, các kết quả kinh tế – xã hội từ đầu năm 2017 đến nay là đáng ghi nhận. Tuy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển (khoảng 4,5%). Theo một khảo sát các nền kinh tế trong khu vực, trong quý I/2017 có 11 nước tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2016, số còn lại (9 nước) tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Myanmar, Brunei và Philippines.

Nguyễn nhân tăng trưởng Qúy I/2017 thấp

Trong cơ cấu tăng trưởng GDP Quý I/2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17% đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm… Hoạt động sản xuất kinh doanh của đất nước trong quý I/2017 cho thấy, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại do hậu quả của biến đổi khí hậu, đổi mới cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng tăng trưởng quý I/2017 thấp là do 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 tiếp tục ảnh hưởng kết quả trồng trọt quý I/2017, thể hiện rõ nhất là lúa mùa của Đồng bằng sông Cửu Long bị giảm diện tích 55.000ha, vụ Đông Xuân giảm 17.000 ha, cả 2 vụ này làm trồng lúa quý I/2017 giảm 73.000 ha. Tác động này làm sản lượng lúa mùa, lúa Đông xuân tiếp tục giảm, dẫn đến kết quả trồng trọt chung của cả nước giảm xuống.

Thứ hai là ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với quý I/2016, chủ yếu tập trung vào chế biến, chế tạo. Quý I/2017 tăng trưởng 8,3% trong khi đó quý I/2016 tăng cao hơn. Sản xuất sản phẩm điện tử tăng trưởng -1% trong khi đó quý I/2016 là hơn 11%.

Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nên mục tiêu tăng trưởng dựa vào tài nguyên được điều chỉnh, ảnh hưởng ngành khai khoáng. Quý I/2017 khai khoáng dầu, khí, than đều tăng trưởng âm so với quý I/2016. Điều này khiến toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%, tức -10%.

Do đó, mặc dù tăng trưởng thấp nhưng có nhiều yếu tố tích cực thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế như chỉ số sản xuất các ngành khai khoáng giảm mạnh, song các ngành chế biến – chế tạo vẫn tăng 8,3%, trong đó có nhiều ngành chế biến quan trọng tăng cao như thép cán, phân bón, chế biến hải sản, ô tô, điện và dệt may…; dịch vụ tăng nhanh, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP; xuất nhập khẩu đều tăng cao hơn mục tiêu mặc dù yếu tố bảo hộ trong môi trường thương mại quốc tế tăng lên; đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư…

Triển vọng

Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có chững lại nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là duy trì tăng trưởng và chú trọng chất lượng tăng trưởng do đó nhận định khá lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)[1] dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2017 và 6,7% năm 2018; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng có thể đạt 6,3% năm 2017 và 6,4% năm 2018[2]. Theo ADB[3], trong ASEAN (không tính Lào, Campuchia, Myanmar), Việt Nam chỉ đứng sau Philippines về tăng trưởng[4].

Các tổ chức quốc tế cho rằng động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là lĩnh vực chế tạo – chế biến xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài. Vốn FDI vào Việt Nam dự báo tiếp tục tăng nhờ thị trường trong nước đang mở rộng, lực lượng lao động có chi phí cạnh tranh và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ[5]. ADB dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng bình quân 10%/năm trong hai năm tới. Sức mua thị trường trong nước đang tăng nhanh; dự báo đến năm 2020, tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi, giúp hạn chế tác động của các cú sốc kinh tế bên ngoài[6]… Các rào cản chính đối với tăng trưởng trong năm 2017 cũng như trong trung hạn vẫn là các điểm yếu lâu nay chậm khắc phục của kinh tế Việt Nam như năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp; cơ sở hạ tầng chậm cải thiện; tài chính tiềm ẩn rủi ro do nợ công tăng nhanh, tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm…

Để duy trì tốt tăng trưởng, các tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam: (i) Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu để duy trì tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh cải cách để tiến đến mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả; (ii) Củng cố tài khóa, tăng cường quản lý tài chính công, nhất là nợ công; phòng ngừa rủi ro lạm phát nhập khẩu do đồng USD mạnh, phục hồi giá hàng hóa thế giới; (ii) Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước nhằm giảm sức ép nợ công, tạo dư địa cho khu vực tư nhân phát triển; (iii) Hỗ trợ tiêu dùng trong nước, song cần thận trọng kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh tăng rủi ro lạm phát tăng trở lại; (iv) Đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tăng năng suất và sức cạnh tranh; (v) Cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Đáng lưu ý, ADB cho rằng nông nghiệp là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. ADB khuyến nghị cần xử lý tốt: (i) Cơ cấu lại thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp; tăng cường thu hút khu vực tư nhân đầu tư phát triển nông nghiệp; (ii) Phát triển hạ tầng nông thôn; Nhà nước cần đầu tư nhiều cho thủy lợi, giao thông nông thôn, chế biến nông sản, phổ biến công nghệ thân thiện với môi trường; (iii) Quản lý hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là đất đai và nước; thúc đẩy tích tụ đất để sản xuất quy mô lớn; chống ô nhiễm nguồn nước; đầu tư nhiều hơn cho chống biến đổi khí hậu./.

[1] Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2017của ADB công bố ngày 10/4/2017.

[2] Tại Báo cáo về tình hình kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương của WB công bố tại 13/4/2017.

[3] Báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2017của ADB công bố ngày 10/4/2017.

[4] Trong quý I/2017, Thái Lan tăng trưởng 3,1%, Indonesia tăng 5,1%, Singapore giảm 1,9%, Philippines tăng gần 7%…

[5] Khảo sát gần đây của công ty kiểm toán PwC (Anh) cho thấy hơn 2/3 doanh nghiệp FDI của các nền kinh tế APEC cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017, cao hơn mức trung bình 53% ở cả khu vực APEC.

[6] Đánh giá của tạp chí Forbes tháng 01/2017.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here