Tăng cường xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Cộng hòa Séc

0
105
  1. Tình hình chung

Sau khi hội nhập EU, nhiều sản phẩm từ vùng nhiệt đới có điều kiện thâm nhập vào Séc. Bên cạnh các nước mạnh về sản phẩm nông nghiệp của châu Âu và khá gần với Séc về địa lý như Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…, các nước Nam Mỹ cũng là nhà cung cấp lớn cho Séc. Thị trường nhập khẩu nông sản chủ yếu của Séc là từ các nước thuộc Liên minh châu Âu EU (tỷ trọng khoảng 77,9%), châu Mỹ (tỷ trọng khoảng 10,5%), châu Á (tỷ trọng khoảng 6,9%), châu Phi (tỷ trọng khoảng 4,7%). (Bảng 1)

  1. Chính sách quản lý nhập khẩu nông sản của Séc

Về cơ bản, các luật và tiêu chuẩn của Séc liên quan đến quy định về xuất nhập khẩu, kinh doanh nông sản nằm trong tổng thể các quy định liên quan đến mặt hàng thực phẩm của EU. Gạo, lúa mỳ là một trong những mặt hàng nông sản thuộc diện EU quản lý bằng chế độ hạn ngạch nhập khẩu, thuế hạn ngạch và thuế tuyệt đối. Hạn ngạch nhập khẩu được phân làm 2 loại khác nhau:

+ Loại thứ nhất: Được xác định theo các Hiệp định ký với một số đối tác (hạn ngạch đã được cấp cố định cho 1 nước với mức thuế nhập khẩu ưu đãi và thay đổi theo từng mức hạn ngạch đã quy định. Cho đến nay, EU mới ký hiệp định về hạn ngạch nhập khẩu gạo với 4 nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới: Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan);

+ Loại thứ hai: được áp dụng cho tất cả các nước xuất khẩu khác (việc đăng ký sử dụng hạn ngạch được thực hiện thông qua mạng điện tử và theo nguyên tắc “đăng ký trước được hưởng trước” và chỉ cấp giấy phép trong phạm vi hạn ngạch).

Ngoài những rào cản về thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu, EU còn xây dựng một hệ thống rào cản kỹ thuật khác được biết đến như những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, quy tắc xuất xứ, quy định về biến đổi gen, quy định về sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… (Bảng 2)

  1. Tình hình nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Cộng hòa Séc

3.1. Số liệu thống kê

Theo số liệu do Cục Thống kê Séc công bố, nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Séc năm 2016 có trị giá gần 22,5 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 2,75% trong tổng số kim ngạch hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Séc (818,1 triệu USD). Trong 9 tháng đầu năm 2017, con số này là 17,8 triệu USD và bằng 2,6% (678.301 triệu USD).

Các mặt hàng nông sản chính Séc nhập từ Việt Nam gồm: Gạo, rau, củ quả tươi, ướp lạnh hoặc sấy khô; trái cây tươi các loại; cơm dừa sấy khô; hạt điều; cà phê các loại, chưa hoặc đã rang xay; chè; một số loại gia vị (tiêu, ớt khô đã xay, quế, hồi, gừng, hành tỏi…). (Bảng 3)

3.2. Nhận xét

– Các loại nông sản như gạo, rau, quả, trái cây, gia vị… Việt Nam xuất khẩu sang Séc hiện chỉ chiếm một giá trị nhỏ trong cơ cấu hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Séc. Một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả trên là do nông sản của Việt Nam không có tính ổn định về chất lượng, giao hàng không đúng cam kết.

– Mặc dù Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Séc nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, nhưng giá trị tuyệt đối còn nhỏ so với kỳ vọng từ tiềm năng của ta. Trong 5 năm gần đây, giá trị nhóm hàng này xuất khẩu sang Séc giao động trong khoảng dưới 25 triệu USD, chiếm tỷ trọng không đều, khoảng dưới 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu vào Séc. Sự trồi sụt về giá trị và tỷ trọng này cũng phản ánh tương tự với tình hình xuất khẩu nhóm hàng trên của Việt Nam vào thị trường EU nói chung.

– Kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Séc chỉ chiếm 12% trị giá xuất khẩu nông sản của châu Á vào Séc và bằng 0,6% kim ngạch xuất khẩu nông sản của thế giới vào thị trường Séc. Như vậy, khả năng thâm nhập thị trường Séc của nông sản Việt Nam vẫn còn rất lớn.

3.3. Kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam – Cộng hòa Séc

Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc chủ yếu là các hàng hóa trong nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU như giày dép, sản phẩm may mặc, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, máy tính và linh phụ kiện, điện thoại di động và một số hàng hóa thích hợp với nền công nghiệp hướng xuất khẩu của Séc như gia công máy móc, trang thiết bị, phụ tùng, phụ kiện lĩnh vực cơ khí, năng lượng, khai khoáng… Song các loại nông sản tiêu biểu của Việt Nam như trái cây, gạo, chè, cao su, hạt tiêu, điều, đồ gỗ… vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Séc. Nguyên nhân là do chu kỳ/thủ tục của việc nhập khẩu hàng hóa (gồm đặt hàng và nhận hàng) từ Việt Nam đến Séc là quá lâu, trong khi đó, giá cả, nhu cầu về chủng loại hàng hóa trên thị trường lại biến động từng ngày; chất lượng nông thủy sản (và sự ổn định chất lượng) cũng là vấn đề cần nâng cao chú ý. (Bảng 4)

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện… Nhìn chung, mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Séc tuy không cao so với các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng luôn có vị trí quan trọng, là bàn đạp thích hợp vào thị trường Visegrad-V4 Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slovakia, Cộng hòa Ba Lan và Hungary).

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép…

Cộng hòa Séc hiện là bạn hàng lớn của Việt Nam tại Đông Âu. Những năm qua, kim ngạch XNK hai chiều vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng kinh tế của EU, thể hiện sự cố gắng chung của hai bên. Nhìn chung Việt Nam vẫn xuất siêu sang Séc khá lớn.

  1. Những khó khăn, thuận lợi khi thâm nhập thị trường Séc

Nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới của Séc có tính ổn định và ngày càng gia tăng do yếu tố gia tăng dân số và mức sống ngày càng được nâng cao. Nếu giải quyết được bài toán về chất lượng ổn định, giao hàng đúng cam kết và giá cả hợp lý thì Séc là thị trường có tiềm năng của nông sản Việt Nam.

4.1. Khó khăn

Séc là thành viên EU nên về cơ bản, phải tuân thủ những quy định mà EU đề ra. Những quy định đó thường mang tính bảo hộ mậu dịch một cách tinh vi và tập trung vào những vấn đề chính sau:

  1. Yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào EU, trong đó yêu cầu rất nhiều loại giấy tờ chứng nhận, thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa hoặc nguồn gốc sản phẩm…
  2. Áp dụng nhiều loại thuế, trong đó thuế suất nhập khẩu cao (nếu như sản phẩm không được áp dụng cơ chế ưu đãi hoặc thỏa thuận riêng).
  3. Khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Séc khá xa so với nhiều nước khác, Séc lại không có cảng biển nên chi phí vận tải giao nhận chiếm một tỷ trọng cao trong cơ cấu giá hàng hóa.
  4. Các thương hiệu gạo đang được ưa chuộng trên thị trường Séc được nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia. Một số ít được nhập từ Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Gạo nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam rất ít, không có thương hiệu.

4.2. Thuận lợi

  1. Giá cả của thị trường Séc khá hấp dẫn so với thị trường trong nước. Người Séc không quá cầu kỳ, khó tính trong việc tiêu dùng sản phẩm nhiệt đới.
  2. Séc chưa phải là nước thành viên đồng Euro (Eurozone) nên quyền chủ động trong chính sách tài chính tín dụng linh hoạt hơn nhiều nước khác. Séc đang chủ trương tăng cường xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp xe hơi, vốn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế Séc. Như vậy, thặng dư ngoại thương sẽ cho phép tăng nhu cầu chi tiêu, trong đó có việc nhập khẩu nông sản nhiệt đới nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
  3. Hệ thống các đại siêu thị, trung tâm đầu mối giao dịch hàng hóa lớn của Séc có nhu cầu nhập khẩu nông sản nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
  4. Người Việt Nam tại Séc đông (khoảng trên 65.000 người) đa phần là kinh doanh buôn bán nhỏ, hàng tạp hóa nên cũng là một kênh phân phối và tiêu thụ nông sản đáng kể.

4.3. Cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt Nam

  1. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu ổn định về chất lượng, thời hạn giao hàng, giá cạnh tranh, sự cam kết thực hiện hợp đồng trong trường hợp có biến động giá…
  2. Cần đặc biệt đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần phải xử lý an toàn thực phẩm nông sản từ gốc, tại tất cả các khâu từ trồng, mua bán, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển, xuất khẩu.
  3. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm các đối tác Séc nhập khẩu trực tiếp nông sản để ký hợp đồng, tiết kiệm được đáng kể chi phí so với việc xuất khẩu thông qua nước EU khác. Bên cạnh đó, có thể hợp tác để nhận chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản theo tiêu chuẩn EU.

5. Kiến nghị

Muốn xâm nhập và phát triển thị trường mặt hàng nông sản Việt Nam tại thị trường Cộng hòa Séc (và các nước Visegrad -V4: Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slovakia, Cộng hòa Ba Lan và Hungary) cần có những điều kiện chính như sau:

Một là: Cần có chiến lược phát triển thị trường phù hợp với đặc thù của thị trường này. Cụ thể là: (i) Nâng cao và ổn định chất lượng nông sản theo hướng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng sở tại. (ii) Trong giai đoạn đầu, không nên đặt mục tiêu lợi nhuận là trọng tâm mà cần quan tâm đến mục tiêu chính là đặt chân vào thị trường rồi sau đó mới phát triển, mở rộng thị trường. Cần xác định việc mở thị trường phải đi từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều. Vì thế, không nên bỏ qua các giao dịch thương vụ nhỏ, điều mà các doanh nghiệp thường không để ý.

Hai là: Cần xây dựng chính sách phù hợp nhằm cạnh tranh với các nhà xuất khẩu Thái Lan, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ (hiện đang chiếm thị phần gần như tuyệt đối tại địa bàn này) với một số biện pháp như sau: (i) Tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định; (ii) Tập trung vào phân khúc mặt hàng chất lượng cao mà Việt Nam có lợi thế như gạo đặc sản, thanh long ruột đỏ, ruột vàng, nhãn lồng, vải thiều, xoài cát Hòa lộc, dừa… (iii) Thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ nhà xuất khẩu để có thể cạnh tranh về giá mà không vi phạm quy định của WTO (giảm giá phân bón, giảm phí chiếu xạ, giảm cước phí vận tải, thanh toán chậm, lãi suất ưu đãi…); (iv) Thường xuyên thực hiện các hoạt động marketing để từng bước làm thay đổi quan niệm và lòng tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm, với nhà cung cấp Việt Nam.

Ba là: Về lâu dài nên có các hoạt động nghiên cứu và tổ chức thực hiện việc xây dựng và vận hành nhà máy xay xát gạo tại Séc, tạo ra những chủ động trong việc bảo quản, chế biến, hạ giá thành… từ đó, gạo Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn, mặt hàng gạo và sản phẩm từ gạo (bún, bánh phở…) sẽ đa dạng hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh hơn so với hiện tại.

Đối các mặt hàng trái cây, hoa quả… nên tính đến việc lập kho lạnh để bảo quản được lâu mà không làm giảm chất lượng sản phẩm.

Để làm được các việc trên, cần sớm tổ chức các đoàn khảo sát về xuất khẩu nông sản, gạo, hoa quả… chung cho thị trường Séc và Visegrad, trên cơ sở đó lập dự án đầu tư hoặc liên doanh để xây dựng và vận hành nhà máy xay xát hoặc kho lạnh tại Cộng hòa Séc. Cần chú ý khai thác lợi thế của Séc về cơ khí chế tạo máy móc trang thiết bị công nghiệp chế biến, chất lượng tốt, giá cạnh tranh./.

Trần Đình Hiệp (Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here