Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai

0
198
Ký kết thỏa ước tài trợ (ROD) Chương trình Hạnh phúc tại Lào Cai.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (Đề án 2214) theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vùng dân tộc và miền núi ở Lào Cai đã có thêm những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư

Đề án 2214 xác định sự kết hợp giữa các nguồn lực ở trong nước với các nguồn lực của nước ngoài để tạo bước tiến mạnh mẽ trong việc thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi; là một trong những chính sách quan trọng trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn mới.

Lào Cai là một tỉnh miền núi, biên giới với các dân tộc thiểu số chiếm 66% dân số toàn tỉnh. Do đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai hết sức chú trọng triển khai thực hiện các nội dung, yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả công tác hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo Quyết định 2214. Trong 5 năm qua, Lào Cai đã duy trì, củng cố, xây dựng và phát triển các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Cùng với sự tập trung công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đoàn thể và sự cố gắng nỗ lực của người dân và cộng đồng trong thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS; trong 5 năm qua Lào Cai đã nhận được sự hỗ trợ của 55 tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động đầu tư hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lào Cai thông qua 81 chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã huy động được trên 1.800 tỷ đồng.

Các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ được mở rộng về đối tượng, tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và hưởng lợi. Các chương trình, dự án ODA được vận động, triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các chương trình, dự án NGO đã triển khai thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, hiệu quả việc thực hiện các dự án NGO được nâng lên rõ rệt, có ý nghĩa thiết thực phục vụ nhân dân địa phương được hưởng lợi từ dự án. Điển hình là dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn vốn ODA giai đoạn 2015-2018 có vốn tài trợ gần 500 tỷ đồng cho 60 xã của 6 huyện trên địa bàn; dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai, thảm họa vốn NGO của Hội Chữ thập đỏ Na-uy giai đoạn 2014-2016 tài trợ trên 3,6 tỷ đồng…

Thông qua các chương trình dự án hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp – thương mại, dịch vụ của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm; đời sống văn hóa, giáo dục, y tế… của nhân dân các dân tộc không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ đói nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3-5%/năm; cơ sở hạ tầng dần được đầu tư hoàn chỉnh; nhận thức của người dân cũng như năng lực của cán bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh có chuyển biến tích cực; an ninh trật tự được đảm bảo; khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc được thu hẹp; người nghèo có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận các dịch vụ xã hội,khoa học kỹ thuật, kiến thức mới; đồng bào các DTTS tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Để giảm nghèo bền vững

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đường giao thông không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, luôn tiềm ẩn thiên tai nên nguy cơ tái nghèo ở mức cao, hiệu quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững. Đặc biệt, trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều, một số người còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách của nhà nước và chưa có ý thức tự vươn lên. Bên cạnh đó,  hoạt động tài trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các đối tượng nghèo, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, phạm vi hoạt động hẹp. Do đó,  để phát huy hiệu quả của các chương trình, dự án từ nguồn vốn hợp tác quốc tế; thời gian tới địa phương cần xác định các chỉ tiêu trọng tâm phù hợp để tập trung lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phấn đấu đạt được mục tiêu, góp phần phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

Cụ thể, cần bám sát các chỉ tiêu về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực với tiêu chí bình quân tiếp tục giảm 3-4%/năm tỷ lệ hộ nghèo DTTS, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi thấp hơn 14%. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích hộ nghèo, hộ nghèo đồng bào DTTS tăng cường phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; nâng cao nhận thức của thôn, bản, người có uy tín và đồng bào DTTS về vai trò, vị trí, tầm quan trong của hội nhập quốc tế.

Tập trung vào phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công giúp người dân nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế bền vững.

Cần rà soát tất cả các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số hiện hành của địa phương, từ đó hạn chế những chính sách cho không, khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách trên các địa bàn nghèo. Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để vận động tài trợ vốn ODA huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng; đồng thời  tăng cường hợp tác với các cơ quan Trung ương, các tổ chức nước ngoài nhằm giới thiệu, điều phối các chương trình, dự án NGO về địa phương; đa dạng hóa các kênh kêu gọi viện trợ, trong đó tập trung kêu gọi viện trợ vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, phù hợp với định hướng, quy định, lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh đang kêu gọi tài trợ gắn với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.