Tầm nhìn kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới như thế nào?

0
97
(minh hoạ)

Khi hàng nghìn nhà lập pháp và cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc chuẩn bị tụ họp tại Bắc Kinh vào cuối tuần này cho hai phiên họp (kỳ họp lưỡng hội) thường niên, họ có nhiệm vụ xem xét và thảo luận những ưu tiên chính sách khác nhau cùng các kế hoạch phát triển sâu rộng được thiết kế để nâng đất nước lên những cột mốc mới trong 15 năm tới.

Cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035 là khả năng tạo được những đột phá trong các công nghệ cốt lõi để đạt được sự độc lập về công nghệ, trong bối cảnh Mỹ đang leo thang một cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. (Nguồn: INAA)

Các phiên họp tư vấn chính trị và lập pháp hàng năm thường là cửa sổ mở ra chương trình nghị sự chính sách cùng những mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội khác nhau trong năm. Tuy nhiên, diễn ra vào một thời điểm quan trọng khi Trung Quốc chuyển sang kế hoạch 5 năm mới và tầm nhìn phát triển dài hơn, kỳ họp lưỡng hội năm nay cũng sẽ cung cấp một định hướng rõ ràng và kế hoạch chi tiết về vị trí mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng đến, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh và gia tăng những rủi ro cả trong và ngoài nước. Kỳ họp lưỡng hội sẽ diễn ra theo một tiền lệ được đặt ra vào năm 2020, khi Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ không đặt ra một mục tiêu cụ thể.

Trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, một số chuyên gia phân tích cho biết, một trong những nội dung được theo dõi chặt chẽ nhất trong chương trình nghị sự là mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức của Trung Quốc. Nhưng để phù hợp với việc Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang hướng chất lượng hơn số lượng và phản ánh những bất ổn đang gia tăng, một mục tiêu GDP bằng con số cụ thể trong năm nay có thể không được công bố tại hai phiên họp và thay vào đó, tập trung nhiều hơn vào việc làm, giá cả tiêu dùng, các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như lo ngại rủi ro.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lưu ý rằng một số kiểu tăng trưởng nhất định, ví dụ như phạm vi hoặc mức tăng trưởng sàn 6%, có khả năng được thông qua để điều phối chính sách tốt hơn, đồng thời đưa ra định hướng cũng như một mục tiêu dài hạn để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2035 có thể hàm ý tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5% trong 15 năm tới.

Mục tiêu tăng trưởng

Các mục tiêu tăng trưởng và những ưu tiên chính sách khác được đưa vào Báo cáo Công tác của chính phủ, được công bố tại phiên khai mạc cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC – Nhân Đại hay Quốc hội), cơ quan lập pháp hàng đầu, diễn ra vào ngày 5/3. Các đại biểu NPC và các thành viên của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC – Chính Hiệp) sẽ thảo luận và xem xét báo cáo này trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.

Được trông đợi trong báo cáo do Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố là một loạt mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, thường bao gồm tăng trưởng GDP, tỷ lệ lạm phát, tạo việc làm mới, thất nghiệp và thâm hụt ngân sách. Vẫn chưa rõ liệu mục tiêu tăng trưởng GDP có được công bố trong báo cáo hay không, nhưng một số chuyên gia kinh tế và tổ chức cho rằng một con số cụ thể khó có thể được đưa ra do sự thay đổi trọng tâm trong ưu tiên chính sách và những bất ổn gia tăng.

Quan Đào, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Công ty chứng khoán Quốc tế của Ngân hàng Trung Quốc (BoC) và là cựu quan chức cấp cao của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng: “Có nhiều quan điểm khác nhau về việc đặt ra một mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng nhiều khả năng mục tiêu đó sẽ không được đặt ra”. Chuyên gia này nói thêm rằng việc đặt ra một mục tiêu cụ thể sẽ làm gia tăng sự căng thẳng về tốc độ tăng trưởng, trong khi Trung Quốc hướng tới tăng trưởng chất lượng cao.

Đối mặt với những bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra, Trung Quốc đã bỏ qua việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bằng con số trong năm 2020. Trung Quốc cũng đã áp dụng một phạm vi mục tiêu thay vì một phạm vi cụ thể trong vài năm qua trong bối cảnh những rủi ro từ bên ngoài.

Theo chuyên gia Tô Kiện – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, vì nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 đã có được một sự phục hồi đáng kể từ đại dịch, với mức tăng trưởng 2,3% – sự tăng trưởng duy nhất trong số các nền kinh tế lớn – và sự phục hồi dự kiến sẽ tiếp tục tăng tốc hơn nữa, nên không cần thiết phải đặt ra một mục tiêu. Chuyên gia Tô Kiện nhận xét: “Vì tăng trưởng trong năm nay sẽ rất cao nên không cần thiết phải đặt ra một mục tiêu như vậy”. Chuyên gia này nói thêm rằng trọng tâm của các chính sách vĩ mô là bảo vệ việc làm và ngăn ngừa những rủi ro.

Các chuyên gia kinh tế và nhiều tổ chức đã dự đoán rằng kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng trên 8% trong năm 2021, nhờ nền tảng (tăng trưởng) thấp trong năm 2020 và đà phục mạnh hồi hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần có một chỉ số để Trung Quốc theo đuổi trong các mục tiêu phát triển dài hạn. Theo hãng thông tấn Trung Tân, ông Dương Vĩ Dân, thành viên Chính Hiệp khóa 13 và là nhà kinh tế học nổi tiếng, nói rằng “từ quan điểm để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia hiện đại hóa trong tương lai, vẫn cần đặt ra một mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng trong năm nay”. Ông Dương Vĩ Dân không nói Trung Quốc nên đặt ra mục tiêu gì.

Điền Vân, Phó Giám đốc Hiệp hội Hoạt động Kinh tế Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng: “Cho dù một con số có được công bố công khai hay không, nhưng chắc chắn có những mục tiêu cho chính phủ để điều phối các chính sách khác nhau, bao gồm đầu tư, nợ và thâm hụt”. Tuy nhiên, xu hướng chung là trọng tâm sẽ được chuyển sang các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân, với việc làm, giá cả tiêu dùng và các vấn đề khác đang thu hút nhiều sự chú ý.

Các chuyên gia phân tích cho biết, phù hợp với truyền thống, Trung Quốc có thể sẽ đặt ra những mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực này tại kỳ họp lưỡng hội. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 2/3 cho biết, năm ngoái Trung Quốc đặt mục tiêu tạo việc làm mới ở mức 9 triệu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,5% và tỷ lệ thâm hụt khoảng 3,6% – tất cả các mục tiêu đều đạt được. Theo các chuyên gia phân tích, những mục tiêu này có thể sẽ được cải thiện hơn nữa trong năm nay nhờ các điều kiện kinh tế tốt hơn.

Những mục tiêu táo bạo

Trong khi các mục tiêu và ưu tiên chính sách cho năm 2021 đang được chú ý, cũng có những mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội dài hạn rộng lớn hơn và táo bạo hơn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ được theo dõi trong thời gian diễn ra lưỡng hội.

Đứng đầu chương trình nghị sự của kỳ họp lưỡng hội năm nay là các cuộc thảo luận về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và những mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Những đề xuất ban đầu cho kế hoạch này đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang hướng tới việc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng gấp đôi mức GDP của năm 2020 vào năm 2035. Theo một số tính toán, điều đó sẽ đòi hỏi tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 4,7% đến 5% trong 15 năm tới.

Giáo sư Tào Hòa Bình thuộc Trường Kinh tế của Đại học Bắc Kinh nhận định: “Mặc dù kế hoạch phát triển không bao gồm các mục tiêu cụ thể về mặt con số, nhưng có nhiều mục tiêu cụ thể đã được ngụ ý để chúng tôi có thể theo dõi công việc và các chính sách của mình”. Chuyên gia này lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức trung bình 5% cho đến năm 2035 là “hợp lý”.

Ngoài ra, cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035 là khả năng tạo được những đột phá trong các công nghệ cốt lõi để đạt được sự độc lập về công nghệ, trong bối cảnh Mỹ đang leo thang một cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. Các cuộc thảo luận về việc phá vỡ “nút cổ chai” công nghệ đã trở thành chủ đề nóng trước lưỡng hội, với việc các chuyên gia phân tích và các thị trường mong đợi những kế hoạch phát triển và hỗ trợ chính sách lớn sau lưỡng hội. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc hôm 1/3 cho biết họ đang soạn thảo một kế hoạch để giải quyết các lĩnh vực còn những thiếu sót và yếu kém.

Cũng nằm trong trọng tâm của lưỡng hội năm nay là một chiến dịch chống độc quyền và điều mà các quan chức gọi là “bành trướng vốn một cách mất trật tự”, vì những quy định đã được thắt chặt đối với các lĩnh vực tài chính trực tuyến và công nghệ tài chính trong những tháng gần đây.

Chuyên gia Quan Đào cho biết: “Tăng trưởng GDP vẫn là một chủ đề nóng, nhưng (một chủ đề khác) của lưỡng hội là hạn chế những rủi ro, bao gồm trong lĩnh vực tài chính, thị trường nhà ở, ngân hàng và tác động bên ngoài”.

Trong một buổi duyệt trước những cuộc thảo luận về giảm thiểu rủi ro tài chính tại lưỡng hội, ông Quách Thụ Thanh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Giám sát Bảo hiểm Ngân hàng Trung Quốc, đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về những bong bóng trong thị trường tài chính và nhà ở của Trung Quốc cũng như các thị trường nước ngoài./.

Tiến Trung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here