Tờ Nikkei ngày 10/3 có bài nhận định nhiều doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra hào hứng với cơ hội đầu tư vào Triều Tiên nếu các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng được dỡ bỏ. Đối với họ, đây là cơ hội để bước chân vào một trong những thị trường chưa phát triển cuối cùng của châu Á.
Cơ hội bước chân vào thị trường chưa phát triển
Theo bài báo, tuần trước, một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã đón tiếp những vị khách Triều Tiên trong bối cảnh Hà Nội tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Hôm 27/2, phái đoàn Triều Tiên do ông Ri Su Yong, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu đã đi thăm tổ hợp nhà máy và khu công nghệ cao của Vingroup, tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, ở Hải Phòng.
Một nhân viên Vingroup nói: “Các thành viên của phái đoàn đã thể hiện sự quan tâm đến các sản phẩm của chúng tôi, đặc biệt là rau sạch”.
Viettel, tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam, cũng đã đón tiếp các đại biểu từ Bình Nhưỡng. Theo thông cáo của Viettel, trong chuyến thăm, ông Ri Su Yong cho biết Triều Tiên rất quan tâm đến thiết bị viễn thông và các sản phẩm công nghệ thông minh, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm có cơ hội hợp tác với Viettel.
Đầu năm nay, CEO Viettel Lê Đăng Dũng cho biết tập đoàn từng tìm kiếm sự chấp thuận từ Triều Tiên để xây dựng mạng di động vào năm 2010, song hiện công ty viễn thông quân đội này đang “ngóng chờ lệnh trừng phạt Triều Tiên được dỡ bỏ và nước này mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài”.
Hai quốc gia xã hội chủ nghĩa này chuyển hướng phát triển kinh tế kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam hiện có hai thị trường chứng khoán và đang tiếp tục mở cửa cho đầu tư nước ngoài, Triều Tiên vẫn bị các lệnh trừng phạt quốc tế “xiềng xích”.
Những người bạn truyền thống
Trao đổi với Nikkei, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ủy ban chính sách phát triển Liên hợp quốc, nói: “Các công ty Việt Nam quan tâm đến việc kinh doanh ở Triều Tiên và họ đang chuẩn bị vào nước này khi Bình Nhưỡng mở cửa thị trường”.
Là cựu Chủ tịch Viện quản lý kinh tế trung ương, ông Doanh đã có cơ hội trình bày mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam khi phái đoàn Triều Tiên đến thăm Việt Nam bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông cho biết các công ty Việt Nam biết rõ sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ từ các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Những nước này cũng đang chờ khuôn khổ pháp lý rõ ràng để có cơ hội đầu tư vào Triều Tiên. Ông Doanh nói: “Nhưng điều này khó xảy ra sớm trừ phi tất cả các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng được Mỹ dỡ bỏ”.
Ông nói thêm, vì Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, Hà Nội phải tuân thủ các nghị quyết về Triều Tiên từ các cơ quan quốc tế này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng, bất động sản và du lịch, cũng như đầu tư vào các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, tạo việc làm ở Triều Tiên.
Các đảng cầm quyền của Việt Nam và Triều Tiên có lịch sử hữu nghị lâu dài. Việt Nam và Triều Tiên có chế độ chính trị và hệ tư tưởng tương đồng, từng được gọi là “các cường quốc xã hội chủ nghĩa” bên cạnh Trung Quốc.
Dù quan hệ đôi bên có những lúc thăng trầm, song Bình Nhưỡng và Hà Nội vẫn xem nhau là “những người bạn truyền thống”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa khẳng định điều này khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 1/3. Ông Kim là lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam sau ông nội ông là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Dù tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế sau vụ phóng hạt nhân và phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Hà Nội vẫn liên tục ủng hộ một giải pháp dựa trên đối thoại cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Theo thống kê của chính phủ, năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu khối lượng hàng hóa trị giá 579.000 USD sang Triều Tiên, bao gồm các sản phẩm bánh kẹo, dược phẩm và các sản phẩm gỗ. Thương mại giữa Việt Nam và Triều Tiên chủ yếu phụ thuộc vào hàng đổi hàng.
Việt Nam đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Triều Tiên vào năm 2011 (do lệnh trừng phạt của Mỹ), nhưng vẫn tiếp tục xuất khẩu hàng tiêu dùng sang nước này. Thương mại giữa hai nước đạt mức 15 triệu USD vào năm 2012.
Thu Hằng (theo Nikkei)