Tái cấu trúc ngành thủy sản phải “song hành” với sinh kế của ngư dân

0
42
Cùng với việc cắt giảm tàu cá để bảo vệ nguồn lợi, các địa phương cần quan tâm đến đời sống sinh kế của ngư dân.
Cùng với việc cắt giảm tàu cá để bảo vệ nguồn lợi, các địa phương cần quan tâm đến đời sống sinh kế của ngư dân.
Chiều tối 22/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ven biển tổ chức tọa đàm “Vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”.
NGUỒN LỢI THỦY SẢN SUY GIẢM
Phát biểu tai tọa đàm, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Việt Nam tự hào là một quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến năm 2022, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đat 3,8 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, đạt 11 tỷ USD trong năm 2022; tạo việc làm cho trên 4 triệu người.
Hiện biển của Việt Nam (Vùng Đặc quyền kinh tế) có 1.385 loài thủy sản (614 giống, 237 họ, 47 bộ), trong đó có 25 loài thủy sản thuộc diện nguy cấp, quý hiếm, do khai thác nhiều nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh.
Việt Nam là quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng lợi thế từ biển, tuy nhiên biến đổi khí hậu đã tác động và thách thức lớn sự phát triển của ngành thủy sản. Hiệu quả kinh tế các chuyến đi biển ngày càng giảm, tác động tới đời sống của ngư dân.
“Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, chúng ta cần cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt là các tàu khai thác ven bờ. Cùng với việc cắt giảm tàu cá để bảo vệ nguồn lợi, các địa phương cần quan tâm đến đời sống sinh kế của ngư dân theo hướng hỗ trợ nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng…”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Theo ông Luân, thống kê số tàu cá hiện nay Việt Nam có khoảng 86.820 chiếc, 83 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão, 7.500 cơ sở nuôi biển. Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, suy thoái về môi trường và hệ sinh thái, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu…
Trong thời gian tới, để phát triển ngành thủy sản bền vững, theo ông Luân phải cấu trúc lại ngành thủy sản, chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.
Ngành thủy sản cũng đang gặp khó khăn trong việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác rất ít được quan tâm, hoạt động rời rạc. Vì vậy, ông Luân cho rằng các địa phương phải cần quan tâm nhiều hơn nữa.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho hay chống khai thác bất hợp pháp (IUU) cũng là một trong những nội dung để phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là đối với ngành khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tái cấu trúc lại ngành thủy sản, tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay.
“Những thách thức lớn hiện nay ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Việt Nam là nguồn lợi thủy sản suy giảm, chất lượng khai thác suy giảm, đặc biệt đối với các loài cá có giá trị kinh tế; số lượng tàu cá lớn; nghề cá quy mô nhỏ, ven bờ chiếm số lượng lớn”, ông Hùng lưu ý…
KỊP THỜI ĐIỀU CHỈNH CÁCH QUẢN LÝ
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Chu Hồi – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng để ngành thủy sản phát triển xanh và bền vững thì phải “xem mình đang đứng ở đâu”. Thủy sản là ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc điểm của thủy sản là kinh tế hàng hóa, phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, đó là thị trường và môi trường.
Việt Nam xuất phát từ nghề cá nhỏ, manh mún và đã tiến lên trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay chính sách vẫn còn “nhiều bất cập”. Ông Hồi lấy ví dụ từ Nghị định 67, “từ ngư dân lái thuyền thúng được vay đóng tàu to theo quy định nhưng lại không quen lái tàu to, định vị vệ tinh là gì?. Đây là một bài học…”.
Theo ông Hồi, về thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc. Do đó, chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể.
Chủ trì tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, chúng ta cần giảm khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng thời tập trung đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi nuôi trồng, khai thác, sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị.
Về vấn đề chống khai thác IUU, Bộ trưởng khẳng định đây là việc hết sức quan trọng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân. Do đó, để ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được thẻ vàng của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương.
Thông qua tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội của các địa phương ven biển tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngư dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyên vọng, từ đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời điều chỉnh cách quản lý, “ứng xử với ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường”.
(Chu Khôi)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here