Trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Nam Phi, Viện Brenthurst Foundation gần đây có bài nghiên cứu chuyên đề “Làm thế nào để biến khủng hoảng thành cơ hội” với một số nội dung chính như sau:
1. Tác động của Covid-19 đối với kinh tế thế giới và khu vực châu Phi: Theo IMF, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020, mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930. Nếu kinh tế thế giới phục hồi được vào năm 2021 thì tổng GDP toàn cầu có thế mất đi khoảng 9 nghìn tỉ USD, lớn hơn cả GDP của Nhật Bản và Đức cộng lại. Đặc điểm nổi bật của khủng hoảng lần này là lần đầu tiên tất cả các nước phát triển, mới nổi và đang phát triển đều rơi vào khủng hoảng. Các nền kinh tế mới nổi còn đối mặt thêm thách thức về sự đảo chiều đột ngột của các dòng vốn đầu tư, áp lực về tỷ giá, đồng thời với đó là tình trạng yếu kém của hệ thống y tế và không có nhiều nguồn lực tài chính.
Đối với châu Phi, trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế – xã hội của châu lục này được dự báo bị tác động lớn bởi nhiều nguyên nhân nội tại. Thứ nhất, việc thiếu gói kích thích tài chính phù hợp khiến kinh tế châu Phi có thể sụt giảm từ 3-8% tăng trưởng GDP, tương đương 200 tỷ USD. Đó là chưa kể tới tác động của việc mất giá đồng nội tệ, áp lực lạm phát và sụt giảm xếp hạng uy tín có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thứ hai, dân số tăng ngày càng nhanh[1], trong khi tình trạng thất nghiệp ở mức cao. Một nửa trong số những người dưới 25 tuổi ở các quốc gia thuộc tiểu vùng Sahara bị thất nghiệp, chiếm 60% tỉ lệ thất nghiệp của toàn khu vực. Trước khi đại dịch xảy ra, IMF dự tính châu Phi mỗi năm cần phải tạo ra gần 20 triệu việc làm có giá trị cao mới có thể đáp ứng được số thanh niên tham gia vào thị trường lao động. Thứ ba, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, thâm hụt tài chính lớn. Năm 2018, FDI vào lục địa đen đạt 50 tỉ USD, chỉ chiếm 3,5% tổng số FDI toàn cầu (FDI toàn cầu 2019 đạt 1,3 nghìn tỉ USD); trong khi đó, FDI của châu Á đạt 512 tỉ USD, tương đương gần 40% tổng số FDI toàn cầu. Thứ tư, nợ công cao, nhiều nước đã ở mức báo động. Năm 2019, 38/47 nước thuộc tiểu vùng Sahara bị thâm hụt tài khoá, trong đó 13 nước bị thâm hụt hơn 5%. Rất khó cho các nước đang phát triển đủ nguồn lực để phục hồi kinh tế khi mà vẫn còn phải phụ thuộc vào nguồn vay bên ngoài để tăng trưởng; một số nước châu Phi chuyên sản xuất dầu mỏ như Angola, Nigeria, Algeria và Libya còn bị tác động bởi sự sụt giảm giá dầu và một vài quốc gia như Zimbawe còn cạn kiệt tiền mặt[2].
Covid-19 đang đặt ra những vấn đề cho châu Phi: Một là, các dòng người tị nạn có thể sẽ tăng lên, làm trầm trọng hơn những căng thẳng tình hình di cư châu Phi sang châu Âu. Hai là, ngân sách quốc gia sẽ gánh thêm quá mức các khoản chi phí nợ và nhu cầu mua các trang thiết bị y tế. Ba là, các mô hình tài chính và nguồn nợ cũ sẽ cơ cấu lại. Bốn là, hội nhập khu vực sâu rộng hơn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc hồi phục nhanh chóng thời kỳ hậu Covid. Năm là, một số chính phủ sẽ gặp thách thức trong việc trở thành quốc gia chuyên chế và lợi dụng tình hình để gia tăng đàn áp chính trị; suy thoái kinh tế tất yếu sẽ đưa đến khủng hoảng chính trị – xã hội. Sáu là, châu Phi có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Trung Quốc. Đại dịch đã mang đến cơ hội cho Trung Quốc tạo dựng hình ảnh một đồng minh nhân đạo của lục địa đen thông qua cứu trợ y tế, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và những ưu thế của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Vai trò này sẽ ngày càng tăng lên khi Mỹ không còn sẵn sàng với vai trò lãnh đạo thế giới và châu Âu không có ý định hoặc không có khả năng đảm nhiệm. Bảy là, trong khi các nền kinh tế phát triển có thể vay với lãi suất đặc biệt thấp để kích thích tăng trưởng thì châu Phi không có được điều này, họ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa vay nợ lãi suất cao với rủi ro của đồng ngoại tệ và áp lực thị trường nợ trong nước. Tám là, các nước châu Phi sẽ phải tìm kiếm một mô hình phát triển mới phù hợp cho thế giới hậu Covid-19. Chín là, đại dịch Covid-19 mang đến cho các nước châu Phi cả cơ hội và nguy cơ lún sâu hơn vào suy thoái; điều này phụ thuộc nhiều vào cách thức thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, mức độ giảm thiểu rủi ro đối với các khoản đầu tư và tận dụng được vị thế trong một trật tư kinh tế mới như thế nào.
2. Tác động của Covid-19 đối với Nam Phi
Ngày cả trước khi Covid-19 bùng phát, Nam Phi đã phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Kể từ năm 1994, GDP theo đầu người của Nam Phi liên tục giảm so với mức trung bình của thế giới, từ 78% năm 2008 xuống còn 68% năm 2019, trong khi chi tiêu chính phủ tăng mạnh, chiếm 14% GDP trong 10 năm qua[3]. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 chỉ đạt 0,7%. Tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp trở nên tồi tệ với tỉ lệ người thất nghiệp đạt 40%, trong đó hơn 50% thanh niên không có việc làm. Tăng trưởng thụt lùi có nguyên nhân chính từ những thất bại trong quản trị nhà nước, chi tiêu hoang phí, lũng đoạn nhà nước, tham ô và tham nhũng; tác động trực tiếp tới môi trường kinh doanh và năng lực triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư và tăng năng suất.
Về tác động kinh tế của Covid-19, kinh tế Nam Phi sẽ rơi vào suy thoái là điều dễ dự đoán. Suy thoái có thể làm sụt giảm từ 5-7% tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của IMF, kinh tế Nam Phi sẽ giảm xuống -5,8% trong năm 2020. Hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế của Nam Phi đều đang bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19, nhất là những ngành nghề phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài và tác động của việc đóng cửa xuất khẩu, như xuất khẩu ô tô (đóng góp 6,9% GDP cho Nam Phi), đóng tàu, sản xuất rượu vang, du lịch… Về mặt xã hội, dịch bệnh và việc áp dụng lệnh phong toả toàn quốc đã và đang làm sâu sắc thêm tính dễ bị tổn thương cũng như khả năng phục hồi và cơ hội quay trở lại mức sống như trước dịch bệnh của người nghèo ở Nam Phi; làm bộc lộ sự khác biệt lớn giữa các trường bán công và trường tư dành cho người giàu so với các trường công dành cho người nghèo[4]. Dự kiến đến cuối tháng 6 sẽ có thêm 1,6 triệu việc làm bị mất, đưa tỉ lệ thất nghiệp ở Nam Phi lên mức gần 50% làm tồi tệ hơn tình cảnh của những người không đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp xã hội nhưng lại có nhu cầu quá thấp để trang trải cuộc sống[5]. Suy thoái kinh tế và khủng hoảng dịch bệnh đang làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng vốn đã sâu sắc trong xã hội Nam Phi.
3. Một số khuyến nghị chính sách cho Nam Phi
Nam Phi đã thất bại trong phát triển kinh tế xã hội trong suốt 2 thập kỉ vừa qua, bỏ qua các chỉ dẫn về tài chính khi vay mượn vô độ và chi tiêu tràn lan để duy trì một nhà nước “quá khổ” cùng số đông doanh nghiệp “trôi nổi”. Nền kinh tế có vấn đề về mặt cơ cấu nhưng nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ vấn đề của hệ thống chính trị; nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh trở thành cổ máy bảo trợ, cản trở tăng năng suất lao động. Điều mà Chính phủ cần triển khai ngay bây giờ là tìm ra chiến lược phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Để biến khủng hoảng dịch bệnh thành cơ hội cho phát triển, giới lãnh đạo Nam phi cần phải hành động quyết đoán và thực hiện cải cách kinh tế triệt để, theo đó việc làm và tăng trưởng phải được đặt lên trước ý thức hệ và lợi ích đảng phái; chủ nghĩa tư bản tiến bộ không nằm ở vấn đề nhà nước sẽ kiểm soát nhiều hay ít mà là một nhà nước có năng lực, hoạt động hiệu quả và không tham nhũng.
Một số lựa chọn đặt ra cho Nam Phi: Một là lựa chọn giữa tiếp tục hành động không có mục tiêu và cái giá phải trả để tiến hành cải cách sâu rộng kinh tế vĩ mô, ngăn đà mất uy tín với thị trường tài chính toàn cầu. Hai là lựa chọn giữa chính sách suông với hành động thiết thực đối với doanh nghiệp nhỏ (mặc dù thành lập một Bộ chuyên trách[6] và liên tục khẳng định doanh nghiệp nhỏ là động lực tạo ra việc làm nhưng thực tế cho thấy không như vậy). Ba là lựa chọn giữa việc tiếp tục đổ tiền cứu trợ và cổ phần hoá đối với hơn 700 doanh nghiệp nhà nước[7]. Bốn là lựa chọn giữa một nhà nước “suy tàn” hay nhà nước mang lại tăng trưởng, trở thành đối tác trong phát triển khu vực tư nhân với tọng tâm là tạo việc làm.
Với những thách thức đặt ra như trên. Chính phủ Nam Phi cần triển khai ngay 15 nhiệm vụ: Một là, triển khai hệ thống mạng 5G và cấp phép xây dựng thêm hạ tầng mạng để tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn trong lĩnh vực viễn thông. Hai là, triển khai dự luật cắt giảm lương trong khu vực công như đã công bố trong phát biểu về ngân sách quốc gia trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Ba là, thông qua đạo luật cho phép chính phủ và các doanh nghiệp quốc gia huỷ bỏ hợp đồng ký kết trong thời gian lũng đoạn nhà nước. Bốn là, siết chặt chi tiêu công. Năm là, khởi động các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vốn bị trì hoãn từ lâu nhằm thu hút đầu tư khu vực tư nhân. Sáu là, cổ phần hoá một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả để tăng thu ngân sách, góp phần phục hồi kinh tế. Bảy là, sử đổi các quy định về ngân sách địa phương nhằm khuyến khích hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa sự lãng phí và bội chi. Tám là, sửa đổi những bất cập về pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư, loại bỏ hạn chế về quyền sở hữu đất đai có yếu tố nước ngoài. Chín là, tăng cường vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xác định đây là đối tác chứ không phải đối thủ trong phát triển kinh tế. Mười là, thành lập một cơ quan xúc tiến đầu tư quốc gia được vận hành độc lập và do tư nhân quản lý. Mười một là, cho phép doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được giữ lại nguồn thuế phải nộp để tái đầu tư cho các chương trình dạy nghề. Mười hai là, xây dựng theo lộ trình một chiến lược có tính liên kết và phát triển để đưa Nam Phi hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Mười ba là, ưu tiên xuất khẩu dịch vụ sang các nước châu Phi và thế giới, từ dịch vụ tài chính cho tới dịch vụ y tế, chăm sóc người già. Mười bốn là, giải phóng nền kinh tế số bằng cách giảm thuế đối với các đầu tư mạo hiểm. Mười lăm là, bỏ yêu cầu về giấy phép làm việc đối với tất cả các công dân châu Phi có chuyên môn sau đại học hoặc cao học.
[1] Chỉ trong 30 năm tới, dân số của Nigeria sẽ tăng hơn 40 triệu dân, trong khi dân số Tanzania sẽ tăng từ 53 triệu người ở thời điểm hiện tại lên 137 triệu người, bằng dân số của Nga. Dân số Kenya sẽ tăng gấp đôi lên 95 triệu người trong khi Uganda sẽ tăng từ 43 triệu người lên 106 triệu người.
[2] IMF tuyên bố gói tài chính trị giá 1 nghìn tỉ USD để giúp ứng phó toàn cầu với dịch Covid-19 trong đó 100 tỉ USD dành cho các nước mới nổi và thu nhập thấp; cho vay không lãi suất với các nước thu nhập thấp như Rwanda, Senegal và Madagasca. WB sẵn sàng cung cấp 160 tỉ USD trong 15 tháng tới. Ngân hàng phát triển châu Á cũng cung cấp một nguồn vốn đáng kể bao gồm trái phiếu xã hội trị giá 3 tỉ USD.
[3] Mức chi tiêu tương đương hoặc lớn hơn tăng trưởng GDP trong vòng 8/10 năm qua gộp lại.
[4] Trường dành cho người nghèo chiếm 75% trong hệ thống trường tại Nam Phi.
[5] 49% dân số Nam Phi sống dưới mức nghèo đối nhưng chỉ 27% đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp xã hội.
[6] Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ là một trong 28 bộ ngành của Nam Phi.
[7] Tập đoàn điện lực Eskom, hãng hàng không quốc gia SA Airways và tập đoàn đường sắt Reansnet là các tập đoàn quốc doanh trịu trách nhiệm lớn cho việc tạo ra lỗ hổng kinh tế của nhà nước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)