Sức nóng cải cách môi trường kinh doanh

0
45
(Đ.T)
(Đ.T)

Sẽ có Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02

Dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gần như hoàn tất, đợi các bước thủ tục hành chính cuối cùng để được ban hành.

Tổ công tác sẽ do Thứ trưởng Trần Duy Đông làm Tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, trong danh sách thành viên Tổ công tác có tên của 3 chuyên gia kinh tế. Đó là Tiến sĩ. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); Tiến sĩ. Nguyễn Bá Ân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (CIEM), người đang được đề xuất là Thư ký Tổ công tác cho biết, trong quá trình hoạt động của Tổ công tác, tùy từng vấn đề, sẽ có thêm sự tham gia của các chuyên gia, các công chức, viên chức trong và ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổ công tác đang được đề xuất có chức năng tổ chức tham vấn, đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị giải pháp tương ứng.

Lý do là, theo Dự thảo Quyết định, nhiệm vụ của Tổ là giúp lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đánh giá tình hình và đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/2022/NQ-CP; báo cáo lãnh đạo bộ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Các vấn đề cần cải cách được đặt ra trong Nghị quyết 02/2022/NQ-CP ở nhiều ngành, lĩnh vực, đòi hỏi sự kết nối, trao đổi thông tin giữa Tổ công tác với các bên liên quan, với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi cũng đề xuất bộ phận trường trực của Tổ công tác cũng được chủ động trao đổi, tham vấn các bộ, cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các bên có liên quan khác và cả báo chí về tình hình, kết quả, vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết, cũng như tham vấn các bên về nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tôi tin đây sẽ là hoạt động duy trì sức nóng của Nghị quyết 02/2022/NQ-CP”, bà Thảo thông tin thêm.

Tăng nhiệt cải cách

Tiến sĩ. Nguyễn Đình Cung cũng tin rằng, khi sức nóng cải cách môi trường kinh doanh đang gia tăng ngay chính nơi chắp bút cho Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết theo yêu cầu của Chính phủ chắc chắn sẽ rất nóng.

Chỉ 9 ngày sau khi Nghị quyết 02/2022/NQ-CP được Chính phủ ban hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký Quyết định số 44/QĐ-BKHĐT về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện nghị quyết này.

Mục tiêu của Kế hoạch hành động không chỉ là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh…, mà còn là tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Đáng nói là, theo ông Cung, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được xác định chi tiết công việc cần làm và hướng thực hiện. Ví dụ, trong nhóm nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng yêu cầu rõ các phương án kiến nghị sẽ bao gồm thu hẹp phạm vi một số ngành, nghề; đưa ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý hiệu quả hơn; đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng.

Cùng với đó là phương án kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.

Nhiệm vụ tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng được xác định rõ là do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Hay như nhiệm vụ tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh phải gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát…

“Điều này cũng có nghĩa là, công việc sẽ khó khăn, thách thức khi các phương án, đề xuất đòi hỏi nghiên cứu thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá tác động chuyên sâu giữa các văn bản, quy định liên quan, nên rất có thể sẽ có sự “va chạm” với các bộ quản lý chuyên ngành. Vì vậy, việc có Tổ công tác theo dõi, phát hiện vấn đề, kết nối với doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu độc lập trong các lĩnh vực và không bị chi phối bởi cách làm việc hành chính là vô cùng quan trọng”, ông Cung nhấn mạnh.

Thực tế, đây là kinh nghiệm mà ông Cung cũng như các chuyên gia rút ra từ việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp năm 1999, năm 2005 và năm 2015. Trong những năm đó, các đề xuất cải cách liên quan đến cắt giảm giấy phép con, điều kiện kinh doanh… đều xuất phát từ Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Khi đó, các cuộc đối thoại, tham vấn giữa Tổ công tác với các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia được tổ chức thường xuyên làm nên dấu ấu của Tổ công tác cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò tiên phong cải cách.

“Lúc này, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cũng cần vai trò tiên phong của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Cung kỳ vọng.

(Khánh An/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here