Nhật báo Korea Joongang mới đây đăng tải thông tin, Tập đoàn năng lượng-viễn thông SK của Hàn Quốc cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư 30 triệu USD vào dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) của Việt Nam.
Số vốn đầu tư trên chiếm khoảng 1/3 số vốn đầu tư cho NIC, trung tâm sẽ được đặt trong một khu công nghiệp ở Hà Nội và sẽ là nơi đón khoảng 40 công ty công nghệ lớn và 150 công ty khởi nghiệp.
Theo SK, thỏa thuận trên đạt được trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm 3 ngày của Chủ tịch SK tới Hà Nội vào tuần trước. Việc xây dựng trung tâm sẽ bắt đầu trong nửa cuối năm nay và dự kiến mở cửa vào năm tới. Trung tâm dự kiến sẽ thúc đẩy 5 lĩnh vực, gồm nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, thành phố thông minh và công nghệ môi trường.
Chuyến thăm Việt Nam tuần trước của Chủ tịch SK đã thu hút nhiều chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt khi tập đoàn SK đang mở rộng sự hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Chey đã đi cùng với một số quan chức hàng đầu của SK tới Việt Nam, không lâu sau khi SK trở thành cổ đông lớn thứ hai trong tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, ông Chey đã nhấn mạnh các cơ hội hợp tác trong tương lai giữa SK và Vingroup. Theo ông Chey, SK và Vingroup giống nhau về triết lý kinh doanh, không tập trung vào việc kiếm lợi nhuận, mà chỉ tập trung vào việc tạo ra giá trị xã hội. Hai tập đoàn sẽ hợp tác trong việc tạo ra các giá trị xã hội mới.
Các quan chức hàng đầu của SK đã đến một khu kinh tế ở Hải Phòng, thành phố cách Hà Nội 90 km về phía Đông Nam. Vingroup hiện có một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh và một nhà máy sản xuất ô tô trong khu kinh tế này. Cùng ngày, ban lãnh đạo SK đã gặp ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, tập đoàn lớn thứ hai của Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch SK diễn ra sau khi SK mua 6,1% cổ phần trị giá 1 tỷ USD của Vingroup. Với thương vụ này, SK hiện là chủ sở hữu cổ phần lớn thứ hai của Vingroup. Vốn hóa thị trường của Vingroup chiếm khoảng 23% thị trường chứng khoán Việt Nam. SK cũng là chủ sở hữu cổ phần nước ngoài lớn nhất trong Masan sau khi mua 9,5% cổ phần trị giá 470 triệu USD của tập đoàn này hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo nhận định của các nhà quan sát, các động thái gần đây của SK có thể đang tạo tiền đề đưa tập đoàn này vào một vị trí thuận lợi để mua lại các công ty nhà nước Việt Nam mà một ngày nào đó có thể được tư nhân hóa. Một nhà quan sát yêu cầu giấu tên nói: “Ngay cả khi một công ty quốc doanh của Việt Nam được bán trên thị trường, thì một công ty của Hàn Quốc cũng sẽ không thể mua được mà sẽ chỉ có thể làm được việc này thông qua việc mua cổ phần của một công ty Việt Nam”.
Vào tháng 8/2018, 5 công ty con của SK, trong đó có SK Holdings, đã thành lập quỹ đầu tư SK South East Asia Investment tại Việt Nam. Các công ty con của SK đã đưa ra các chiến lược cụ thể để thâm nhập thị trường Việt Nam. Kim Jun, Giám đốc điều hành SK Innovation, ngày 25/5 vừa qua đã tổ chức họp báo, trong đó ông cho biết công ty lọc dầu này có kế hoạch tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Myanmar.
Trong khi đó, người đứng đầu SK Telecom và SK E&S cũng đã đến Việt Nam với những lý do tương tự. Viễn thông cũng là một ngành quan trọng thường được chính phủ giám sát chặt chẽ. Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực tư nhân hóa một số ngành quan trọng của đất nước, bao gồm cả viễn thông và hàng không.
Mạnh Hùng