Singapore thúc đẩy sử dụng điện năng từ năng lượng mặt trời

0
38

Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030 năng lực sản xuất điện năng từ năng lượng Mặt Trời sẽ tăng gấp hơn 7 lần so với mức hiện tại, từ công suất đỉnh 260 megawatt-peak (MWp) lên 2 gigawatt-peak (GWp).

Công suất này sẽ đáp ứng được nhu cầu điện năng hàng năm của khoảng 350.000 hộ gia đình tại Singapore, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay trên cả nước.

Đây là mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Chan Chun Sing đưa ra ngày 29/10 tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands Expo.

Hiện tại, năng lượng Mặt Trời đóng góp chưa đến 1% tổng nhu cầu năng lượng của Singapore. Hơn 95% lượng điện năng của Singapore được sản xuất từ khí tự nhiên. Các nguồn sản xuất điện năng khác gồm dầu và than đá.

Theo ông Chan, tương tự như việc xử lý và giải quyết vấn đề nguồn nước, Singapore cũng phải đi đầu trong vấn đề sản xuất điện năng.

Singapore đã bắt đầu tập trung về lĩnh vực này từ đầu những năm 2000 với việc chuyển từ dầu sang khí tự nhiên để sản xuất điện năng. Ông Chan khẳng định bước đi tiếp theo sẽ là gia tăng việc sử dụng năng lượng Mặt Trời tại nước này.

Về lâu dài, Singapore có thể được kết nối vào mạng lưới điện khu vực, điều này sẽ giúp đảm bảo tăng cường an ninh năng lượng của Singapore. Để đạt được mục tiêu 2GWp nói trên, ông Chan cho hay Chính phủ Singapore đang xem xét một số biện pháp.

Thứ nhất là sẽ tối đa hóa việc lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên các bề mặt có sẵn (bao gồm nóc nhà, các hồ dự trữ nước, các khoảng không ngoài khơi bờ biển và trên những bề mặt thẳng đứng của các tòa nhà…)

Theo chương trình SolarNova đang được triển khai, các tấm pin Mặt Trời hiện lắp đặt ngoài các mái nhà tại các căn hộ HDB (các căn hộ thu nhập thấp). Thời gian tới, các tấm pin Mặt Trời cũng sẽ được lắp đặt tại 30 trường học và 13 địa điểm khác thuộc Bộ Quốc phòng.

Thứ hai là Singapore cũng sẽ đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển các hệ thống lưu trữ năng lượng.

Hệ thống lưu trữ này hoạt động tương tự như các viên pin và sẽ được kết nối với các hệ thống năng lượng Mặt Trời, giúp giải quyết vấn đề ánh sáng Mặt Trời bị gián đoạn (mưa, trời tối…)

Các chuyên gia cho hay mục tiêu 2GWp của Singapore vào năm 2030 là tham vọng nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu một số điều kiện được đáp ứng.

Giáo sư Subodh Mhaisalkar, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang (NTU), cho rằng với việc diện tích đất đai rất hạn chế, Singapore cần tận dụng và khai thác tối đa các khoảng không để có thể lắp đặt các tấm pin Mặt Trời ở quy mô lớn hơn.

Ngoài các khu nhà ở HDB, các khoảng không khác tại các tòa nhà ở và khu công nghiệp, các đoạn đường đi bộ, các hồ chứa nước, mặt biển… cũng cần tính đến.

Ngoài ra, theo tiến sỹ Thomas Reindl, thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Singapore tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), mục tiêu này muốn đạt được cần phải duy trì làm sao để giá cả của dầu và khí tự nhiên không được xuống thấp hơn nhiều so với mức giá hiện tại./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here