Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đã đạt được tiến bộ gì ở Nam Á?

0
1596
Tham vọng hồi sinh Con đường Tơ lụa của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường thế kỷ 21. (Nguồn: Reuters)
Tham vọng hồi sinh Con đường Tơ lụa của Trung Quốc thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường thế kỷ 21. (Nguồn: Reuters)

Trung Quốc đã nhận thức một cách rõ ràng những rủi ro liên quan đến việc thực hiện BRI ở Nam Á. Các thách thức gặp phải cho đến nay rất đa dạng, bao gồm sự bất ổn chính trị và những chính sách không bền vững của chính phủ các nước; mối đe dọa và tấn công từ lực lượng cực đoan bạo lực; cạnh tranh địa chính trị; tích lũy nợ; ràng buộc trong các vấn đề như môi trường, văn hóa, tôn giáo và quản trị. Tuy nhiên, người ta cho rằng những thách thức này là một “hiện tượng bình thường” trên con đường trỗi dậy của Trung Quốc. Những khó khăn này được đánh đồng với mức “học phí” nhỏ mà Trung Quốc cần phải trả để thực hiện thành công “Giấc mộng Trung Hoa” tại Nam Á.

Khi Trung Quốc kỷ niệm 5 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), khu vực Nam Á đã nổi lên như một “khu vực ưu tiên hàng đầu” trong các đề án của nước này, đặc biệt, với mật độ cao nhất các dự án đã sớm hoàn thiện. Với vị trí chiến lược của Nam Á, nơi nằm tại điểm giao giữa Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 do Trung Quốc đề xuất, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh cho rằng việc có chỗ đứng ở Nam Á hoặc đảm bảo hội nhập kinh tế với khu vực này không chỉ quan trọng để củng cố sự hiện diện chiến lược của Trung Quốc tại vùng nội địa Á-Âu, mà còn nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực trong tương lai đến từ những đối thủ muốn kìm hãm Trung Quốc ở Đông Á. Do đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc vẫn kiên định thực hiện tầm nhìn đối với BRI ở Nam Á.

Vậy chính xác tầm nhìn đó là gì? Một báo cáo có tiêu đề “Cơ hội và thách thức đối với BRI ở Nam Á” được công bố bởi một nhóm nghiên cứu có thẩm quyền ở Trung Quốc đã đưa ra những tính toán về tầm nhìn dài hạn của nước này trong việc mở cửa Nam Á thông qua BRI và theo dõi quá trình triển khai cho đến nay. Theo báo cáo này, BRI của Trung Quốc tại Nam Á bao gồm các tiểu dự án là: Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIM) và Hành lang xuyên Hymalaya kết nối với hành lang Trung Quốc – Bangladesh, Sri Lanka, Maldives dưới tên gọi Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC)

Trong các tiểu dự án trên của Trung Quốc, CPEC với trị giá 62 tỷ USD được coi là dự án ưu tiên hàng đầu, với tốc độ triển khai nhanh chóng. Để thực hiện CPEC, Trung Quốc và Pakistan năm 2013 đã xây dựng Ủy ban hợp tác chung (JCC) và thành lập cấu trúc hợp tác “1+4” (tức 1 hành lang kinh tế trung tâm và 4 lĩnh vực hợp tác là cảng Gwadar, năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghiệp). Hiện tại, CPEC đã báo cáo hoàn thành sớm so với kế hoạch hơn 20 trên tổng số 30 dự án được triển khai. Các dự án quan trọng như cảng Gwadar đã được đưa vào hoạt động giúp hàng hóa từ Trung Quốc vận chuyển đến Trung Đông và châu Phi.

Mạng lưới giao thông thuộc CPEC mà Trung Quốc đang xây dựng sẽ kết nối Kashgar ở Trung Quốc với Islamabad và Lahore thuộc Pakistan thông qua đường cao tốc Karakoram (đang triển khai giai đoạn I và II), đi tới Multan qua tuyến M4 và đi tới Karachi qua tuyến M5. Ngoài ra, còn có 16 dự án năng lượng được đề xuất ưu tiên triển khai, chiếm 76% tổng vốn đầu tư vào hành lang kinh tế trung tâm, hầu hết các dự án này đang được triển khai với dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Bên cạnh đó, trong số 29 khu công nghiệp được quy hoạch, khu vực thương mại tự do cảng Gwadar đã được Pakistan bàn giao 30% quyền sử dụng đất (gần 280 ha) cho Công ty trách nhiệm hữu hạn China Overseas Port Holdings, với thời hạn thuê 43 năm, hiện đã đi vào hoạt động trong khi khu công nghiệp Haier-Ruba đang lên kế hoạch mở rộng và tăng vốn đầu tư. Về phía Trung Quốc, các tỉnh Tân Cương, Tứ Xuyên và Quảng Tây đang chuẩn bị để hội nhập kinh tế với Pakistan.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang muốn mở rộng phạm vi của CPEC ngoài Pakistan để kết nối với các nước chủ chốt khác thuộc khu vực này. Tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc là xây dựng Hành lang Trung Quốc – Pakistan – Ấn Độ – Iran – Afghanistan – Kazakhstan – một dự án kết nối đa quốc gia sẽ thống trị vùng trung tâm của Trung và Nam Á, thậm chí cả lục địa Á-Âu. Thật ngạc nhiên khi Ấn Độ – một quốc gia luôn chỉ trích gay gắt CPEC, song vẫn tiếp tục được định hướng trong tầm nhìn CPEC.

Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM) 

Nằm trong tiểu dự án BCIM, Trung Quốc được cho đang phát triển Ba tuyến đường sắt và Ba tuyến đường cao tốc ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam nước này. Tuyến đường sắt nối Trung Quốc-Myanmar (tuyến phía Tây của Đường sắt xuyên Á) dự kiến sẽ được hoàn thành và mở cửa vào năm 2020.

Trung Quốc có tầm nhìn lớn đối với hành lang BCIM. Bắc Kinh muốn kết nối và hội nhập nền kinh tế của ba khu vực địa chính trị là Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á. Tuy nhiên, không bằng lòng với tốc độ phát triển khá chậm các khu vực của BCIM, Trung Quốc gần đây đã đề xuất thêm Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC). Hành lang này sẽ bắt đầu từ tỉnh Vân Nam và kéo dài đến trung tâm thành phố Mandalay của Myanmar, tiếp tục kéo dài về phía Đông đến Yangon và phía Tây đến Đặc khu kinh tế Kyaukpyu. CMEC sau đó có thể được tích hợp vào BCIM, song ngay ở hiện tại CMEC cũng có thể giúp thúc đẩy nhanh thương mại của Trung Quốc với các khu vực ngoài Myanmar, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh và thậm chí cả các quốc gia Trung Đông thông qua đường biển. Đây cũng là cách giúp Bắc Kinh tiếp cận vịnh Bengal.

Hành lang xuyên Hymalaya kết nối với hành lang Trung Quốc – Bangladesh, Sri Lanka, Maldives

Về dự án hành lang xuyên Hymalaya, kể từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nepal K.P.Oli vào tháng 3/2016, Trung Quốc và Nepal đã tăng cường hợp tác trong khuôn khổ BRI, tăng cường kết nối thông qua thương mại, vận tải, viễn thông. Những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc triển khai các dự án trọng điểm như dự án cầu đường cao tốc đi qua sông Karnali tại Hilsa, Pulan/cảng Yari, các dự án tái thiết Kathmandu với đường vành đai và ba hành lang kinh tế: Koshi, Gandaki, Karnali. Trung Quốc và Nepal cũng ký thỏa thuận về vận tải. Theo đó, hai bên đã đồng ý tăng số lượng tuyến vận tải hàng hóa đường bộ quốc tế song phương từ 3 tuyến hiện có lên 12 tuyến. Ngoài ra, các dịch vụ vận tải đường bộ và đường sắt mới nối Quảng Đông, Tây Tạng với Nepal đã chính thức mở cửa và hàng hóa đang được vận chuyển đi – đến từ Trung Quốc dọc theo tuyến đường này. Hai quốc gia còn lên kế hoạch nghiên cứu khả năng thiết lập khu vực thương mại tự do Trung Quốc – Nepal.

Tầm nhìn rộng hơn của Trung Quốc đối với Hành lang xuyên Hymalaya là khai thác nền kinh tế Ấn Độ qua Nepal, như một lối đi trực tiếp trên đất liền. Theo kế hoạch của Trung Quốc, Hành lang xuyên Hymalaya bắt đầu từ Thành Đô, Tứ Xuyên, nơi có đường cao tốc và đường sắt Tứ Xuyên – Tây Tạng, sau đó mở rộng thêm từ Tây Tạng đến Kathmandu, Nepal, qua Ya’an, Qamdo, Lhasa và Shigatse, rồi đến Ấn Độ, nơi sẽ tiếp tục được kết nối với mạng lưới đường sắt Ấn Độ. Từ đó hình thành một tuyến đường bộ lớn nối Trung Quốc, Ấn Độ xuyên qua dãy Hymalaya.

Phía Trung Quốc hy vọng rằng một khi hoàn thành, Hành lang xuyên Hymalaya, cùng với Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan và Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar, sẽ mở hoàn toàn khu vực Nam Á, kết nối 10 quốc gia ở cả hai bên dãy núi Himalaya. Với sự kết nối này, phía Trung Quốc tin rằng sẽ thực sự giải phóng tiềm năng của một khu vực tăng trưởng kinh tế xuyên Hymalaya.

Không kém phần quan trọng là hợp tác giữa Trung Quốc với Bangladesh, Sri Lanka và Maldives trên Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, Trung Quốc coi Bangladesh là một trung tâm hàng hải quan trọng, điểm kết nối Ấn Độ Dương với các tỉnh không giáp biển nằm phía Tây Nam của Trung Quốc như tỉnh Vân Nam. Bangladesh tham gia vào cả Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Do đó với Trung Quốc, Bangladesh là quốc gia rất quan trọng.

Sau chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bangladesh năm 2016, hàng tỷ USD hỗ trợ tài chính của Trung Quốc đổ vào quốc gia ven Ấn Độ Dương này. Đáp lại, Bangladesh là quốc gia Nam Á đầu tiên chính thức tán thành BRI. Gần đây đã có báo cáo về việc Trung Quốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trị giá lên tới 10 tỷ USD ở Bangladesh, bao gồm khu kinh tế và công nghiệp Trung Quốc, nhà máy điện Payra, cầu hữu nghị Trung Quốc – Bangladesh thứ 8 và trung tâm triển lãm quốc tế. Hai dự án khác tại Bangladesh thuộc BRI là dự án Đường hầm sông Karnaphuli và dự án liên kết cầu đường sắt Padma, hiện đang được xây dựng. Trong khi đó, trên phương diện kinh tế và thương mại, các cuộc đàm phán về việc thành lập khu vực thương mại tự do Trung Quốc-Bangladesh đang được thúc đẩy. Trung Quốc lập luận rằng khu vực thương mại tự do này sẽ giúp giảm 15 tỷ USD thâm hụt thương mại của Bangladesh.

Nằm giữa Dubai và Singapore, là nơi có mối liên kết kinh tế, văn hóa sâu sắc với Ấn Độ, Trung Quốc đánh giá cao tiềm năng của Sri Lanka – điểm trung chuyển hàng hải với chi phí thấp và quan trọng nhìn từ góc độ an ninh. Các dự án tại Sri Lanka thuộc BRI được Trung Quốc triển khai là nhà máy điện Norocholai, đường cao tốc tới sân bay Colombo, cảng container quốc tế Colombo (CICT) và dự án Moragahakanda. Ngoài ra, hai dự án lớn khác đang nổ ra tranh luận gay gắt về bẫy nợ của Trung Quốc đối với Sri Lanka là dự án thành phố cảng Colombo và dự án khu công nghiệp – cảng biển Hambantota, hiện đang được xây dựng. Phía Trung Quốc cũng lạc quan về việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại tự do và thành lập Trung tâm nghiên cứu, phát triển biển và ven biển chung giữa Trung Quốc, Sri Lanka.

Một quốc gia khác là Maldives, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm Ấn Độ Dương, với khả năng tiếp cận thị trường với hầu hết các quốc gia Nam Á bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka, được coi là một “nút tự nhiên” thuộc Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc. Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc gia này vào tháng 9/2014, quan hệ Trung Quốc-Maldives ngày càng được củng cố. Trung Quốc đã tích cực tham gia xây dựng và nâng cấp một loạt cơ sở hạ tầng ở Maldives. Trong đó có cây cầu lớn nhất Maldives, mang tính biểu tượng là Cầu Hữu nghị Trung Quốc-Maldives, được khởi công vào năm 2015 và thông xe ngày 30/8/2018. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng khác là đường kết nối Laamu với Atoll, sân bay quốc tế Male, sân bay quốc tế Ibrahim Nasir, nhà ở phúc lợi công cộng ở Hulhumalé… Tháng 12/2017, Trung Quốc và Maldives đã ký một hiệp định thương mại tự do song phương. Hiệp định đã gây ra nhiều tranh cãi trên toàn cầu và có tác động rất lớn tới chính trị Maldives, cũng như quan hệ của Trung Quốc với quốc gia này.

Thành Hữu (theo The Diplomat)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here