Quyết tâm ‘gõ’ từng ‘cánh cửa’ hợp tác trên ‘đất vàng’ Singapore

0
59
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. (Ảnh: QT)

Xác định thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Singapore là nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu, ngay khi nhận nhiệm vụ, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng đã đặt ra nhiều mục tiêu để chinh phục và kiên trì thực hiện để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. (Ảnh: QT)

Thưa Đại sứ, ngày 10/8/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Với cá nhân Đại sứ, Chỉ thị đã “truyền cảm hứng” như thế nào trong công tác đối ngoại tại địa bàn?

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước thực tế đã là một hướng công tác quan trọng của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều năm qua.

Từ khi được cử làm Đại sứ Việt Nam tại Singapore, tôi đã luôn xác định thúc đẩy hợp tác kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác của mình và lập kế hoạch để triển khai nhiệm vụ đó. Sau khi đặt chân tới Singapore tháng 6/2021, tôi luôn kiên trì thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế đang phát triển rất tốt đẹp giữa hai nước.

Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 như một động lực mới, cho thấy tính nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc coi trọng lĩnh vực ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Chỉ thị đã tái khẳng định những nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ và đường lối cơ bản trong hoạt động ngoại giao kinh tế, cụ thể hóa các biện pháp cần triển khai tại từng khu vực địa bàn, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ Ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.

Singapore là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hai nước đã và đang có những tham vọng lớn hơn trong hợp tác kinh tế, Đại sứ đánh giá như thế nào về những cơ hội hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh hiện nay?

Việt Nam và Singapore hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng và nâng cao hợp tác kinh tế song phương. Hai nước hiện có lòng tin chính trị cao, hiểu biết sâu về văn hóa và con người của nhau và đặc biệt có nền tảng hợp tác kinh tế vững chắc.

Như đã biết, tính theo năm, từ năm 2020, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tính cộng gộp thì Singapore cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai. Nhiều dự án đầu tư của Singapore đã phát huy hiệu quả cao, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư, vừa tạo lập những giá trị kinh tế-xã hội lớn cho đất nước ta. Điển hình là mô hình các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) với các dự án quy mô đặt tại các tỉnh thành dọc trên cả nước. Từ khu công nghiệp VSIP đầu tiên thành lập năm 1996 tại Bình Dương, hiện trên cả nước đã có 11 khu công nghiệp như vậy, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn không chỉ của Singapore vào đầu tư, hoạt động. Hai bên đang tiếp tục nghiên cứu khả năng xây dựng các khu công nghiệp VSIP mới trong thời gian tới.

Về cơ cấu và thế mạnh, nền kinh tế hai nước có nhiều điểm hỗ trợ cho nhau. Việt Nam có nguồn nhân công chất lượng cao và cả nguồn lao động phổ thông dồi dào, có không gian và điều kiện tự nhiên phù hợp cho nhiều ngành kinh tế mà Singapore có nhu cầu như năng lượngtái tạo, năng lượng sạch, lương thực-thực phẩm…

Trong khi đó Singapore có thế mạnh về vốn, công nghệ và các ngành kinh tế mũi nhọn mới dựa vào chất xám. Trong chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 2 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Singapore Halimah Yacob vào tháng 10, Nguyên thủ của hai nước đã nhất trí mở thêm hai hướng hợp tác mới là chuyển đổi số và năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đây là hai lĩnh vực mà Singapore đã đi tiên phong trong khu vực và có rất nhiều kinh nghiệm, còn Việt Nam đang có nhu cầu để phát triển hai lĩnh vực này và có rất nhiều tiềm năng. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Mô hình các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là điển hình trong hợp tác kinh tế Việt Nam-Singapore. (Nguồn: vsip.com.vn)

Điều Đại sứ trăn trở và mong muốn thúc đẩy nhất trong hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới?

Các hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Singapore thời gian qua cơ bản phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư của Singapore vào Việt Nam còn dựa vào các nguồn tài nguyên tự nhiên như đất đai và nhân công giá rẻ, ít hàm lượng chất xám. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để hợp tác kinh tế Việt Nam – Singapore có hàm lượng chất xám cao hơn nữa, hướng tới những lĩnh vực kinh tế tương lai.

Hai nước cần thúc đẩy việc xây dựng các thoả thuận kinh tế số và kinh tế xanh, như cách Singapore đã có với một số đối tác quan trọng của mình. Các thoả thuận đó sẽ là những khung pháp lý quan trọng góp phần giảm thiểu các thủ tục và chi phí, đồng thời gia tăng mức độ tin cậy trong giao dịch thương mại và kinh doanh của doanh nghiệp, giúp việc lưu chuyển dữ liệu an toàn hơn và xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Tôi muốn mời gọi được nhiều doanh nghiệp Singapore đem những thành tựu khoa học kỹ thuật cao đến làm ăn ở Việt Nam, cùng có lợi và cùng chia sẻ sự thịnh vượng chung. Tôi cũng mong thấy nhiều hơn nữa doanh nghiệp Việt Nam và người Việt Nam mở văn phòng và làm ăn ở Singapore.

Ngoài ra việc điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần ổn định và rõ ràng để làm yên lòng các nhà đầu tư Singapore và quốc tế.

Chỉ thị 15-CT/TW có nói rất rõ về vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, với địa bàn Singapore, điều này có dễ dàng thực hiện hay không, thưa Đại sứ?

Với một nước còn trong giai đoạn đang phát triển như nước ta, việc huy động các nguồn lực bên ngoài, từ vốn tới công nghệ, kỹ năng và con người là yếu tố quan trọng góp phần đánh thức các tiềm năng cho tăng trưởng và phát triển. Singapore không chỉ dồi dào trong các nguồn lực của chính họ mà còn có là nơi nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế lớn đặt văn phòng, trụ sở, rất phù hợp cho việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế.

Nhưng bất kỳ nhà đầu tư nào cũng quan tâm đến tính hiệu quả trong các dự án đầu tư của mình. Do vậy, để thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng vào Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp toàn diện giữa trong nước và ngoài nước. Ngoài sự nỗ lực vận động tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, cần hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của việc hoàn thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, trong đó có thể chế và hành lang pháp lý, chiến lược phát triển các ngành kinh tế, chính sách thương mại và thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng số… Sự phát triển mạnh và vững vàng của các doanh nghiệp nội địa để trở thành những đối tác tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố đặc biệt quan trọng.

Ở cương vị đại diện cho đất nước tại Cộng hoà Singapore, cá nhân tôi và tập thể Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore luôn nỗ lực ở mức cao nhất qua nhiều kênh, nhiều biện pháp để giới thiệu, kết nối doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Singapore để tìm hiểu các cơ hội và hướng tới ký kết các thoả thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số; mở ra cơ hội và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước làm ăn với nhau.

Ở cấp vi mô, Đại sứ quán luôn cung cấp thông tin và tìm cách giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong từng dự án cụ thể, giúp các doanh nghiệp của Singapore kinh doanh thuận lợi và hưởng lợi chính đáng trong các hoạt động đầu tư ở Việt Nam.

Hà Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here