Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam tạo ấn tượng với truyền thông quốc tế

0
54
Nhìn dài hạn, chúng ta sẽ thấy mọi chương trình tiêm vaccine đều có mẫu số chung: tốn kém lớn, thậm chí ở mức chưa từng có trong lịch sử y tế loài người.

Báo chí Anh đồng loạt đưa tin về chương trình của chính phủ Việt Nam kêu gọi xã hội, doanh nghiệp đóng góp vào quỹ mua vaccine.

Trang Sky News cho hay chính phủ Việt Nam sẽ gửi tin nhắn kêu gọi “đóng góp vào quỹ 770 triệu bảng Anh (trên 1 tỷ USD) sau khi nước này ghi nhận gần 6.000 ca lây nhiễm chỉ trong một tháng qua”.

Việc báo chí Anh quan tâm đến Quỹ vaccine của Việt Nam là do dịch COVID-19 là vấn đề toàn cầu. Truyền thông Anh đăng tải hàng ngày danh sách các quốc gia cho phép công dân của họ đi du lịch, với các mức độ kiểm soát COVID-19 khác nhau. Mới nhất, trong danh sách các nước Đông Nam Á được bay vào Anh không cần cách ly có thêm Thái Lan, sau Singapore, nhưng không có Việt Nam.

Việt Nam từ thành công của cách làm đặc thù là “dập dịch” để duy trì kinh tế, đã bị chậm trong việc đặt mua vaccine từ nguồn quốc tế, nên trở thành ví dụ của quốc gia bị động. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận các bước chuyển mạnh và linh hoạt của chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ quyết định cho đa dạng hóa nguồn vaccine, gồm cả đầu tư bào chế vaccine Việt Nam, tới chính sách xã hội hóa để đẩy nhanh tiêm chủng. Đây là các quyết định xoay chuyển kịp thời trong bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng như trước mắt, và có thể có lợi ích lâu hơn, tới năm 2022, 2023 và về sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã “yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác”.

Việt Nam cũng cho rút ngắn thời gian cách ly với khách từ bên ngoài đã được tiêm chủng, gần như công nhận giá trị của hộ chiếu vaccine.

Việt Nam cũng chính thức đặt vấn đề nhập vaccine từ Trung Quốc, điều mà một số nước Châu Âu như Hungary, Serbia đã làm, và tại Đông Nam Á có Malaysia, Indonesia, Thái Lan cũng đã làm. Trên thực tế, đây là một nguồn vaccine chính thức được thế giới sử dụng. Trong thời gian tới, quy chế thông hành bằng hộ chiếu vaccine sẽ chấp nhận tất cả các loại vaccine được cấp phép.

Kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc vào nguồn nhân lực chuyên gia, nguồn vốn từ bên ngoài rất cao, không thể đóng cửa chờ tất cả các nước tiêm xong cho dân họ, mà cần có chương trình như “Danh sách Trắng” (White list countries) của Liên minh châu Âu (EU) sắp tung ra, để mở các hành lang “không COVID-19”. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc làm hàng xuất khẩu nên sẽ cần các khu vực công nghiệp “sạch COVID-19” để không bị rớt ra ngoài chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Nhìn dài hạn, chúng ta sẽ thấy mọi chương trình tiêm vaccine đều có mẫu số chung: tốn kém lớn, thậm chí ở mức chưa từng có trong lịch sử y tế loài người.

Tại Anh, Mỹ, EU và các quốc gia phát triển, không nên nhầm tưởng được tiêm vaccine “miễn phí” vì các chi phí thực ra đã có ngân sách gánh chịu.

Thứ nhất, đầu tư có sẵn của cả xã hội, gồm tiền đóng bảo hiểm xã hội, như ở Anh là 12% lương tháng cho y tế công. Nhờ vậy, Anh có ngân sách y tế tương đương 184 tỷ USD/năm, nhiều hơn GDP của một số quốc gia nhỏ ở châu Âu.

Thứ hai, nền tảng cho các nghiên cứu y tế, khoa học, từ lâm sàng đến hóa sinh, qua các đại học hàng đầu thế giới, đều có giá trị bằng nhiều tỷ USD. Vào đầu 2021, Cục Kiểm toán Anh quốc (National Audit Office) đã nêu con số 11,7 tỷ bảng Anh (16,6 tỷ USD) mà nước này chi ra cho chương trình vaccine. Thế nhưng, tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak phải chi thêm 1,6 tỷ bảng (2,2 tỷ USD) để đẩy nhanh tiêm chủng.

Trên 70% người Anh trên 18 tuổi đã được tiêm vaccine, số tử vong giảm, có những ngày trên cả nước không có người tử vong, nhưng các khoản tiền đó không tự nhiên mà có. Chính phủ vay tiền trên thị trường tài chính quốc tế để chống dịch, điều đó có nghĩa là toàn dân sẽ phải chịu thuế cao để trả nợ nhiều năm về sau.

Có tiền chưa chắc đã làm tốt nếu thiếu nhạy bén chính trị. Rõ ràng, chống COVID-19 là việc khó, kể cả với Anh, Mỹ, EU. So với Anh, y tế công của Việt Nam còn rất nghèo. Số liệu của Statista cho hay chi tiêu y tế tính trung bình đầu dân ở Anh là 3.220 USD/người/năm, còn Việt Nam là 151 USD.

Y tế chia tuyến của Việt Nam thường xuyên bị quá tải ở mọi cấp, có nhiều bất cập mang tính hệ thống từ lâu, lại bị tham nhũng tàn phá, nên còn bị thách thức rất nhiều so với các nước Phương Tây trong đợt chống COVID-19 này. Nếu không tái bố trí nhân lực và đầu tư đúng, kể cả đầu tư tiêm vaccine, hệ thống hoàn toàn có thể sụp đổ.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 là dấu hiệu cho thấy ông ý thức được tầm quan trọng chính trị của công cuộc chống dịch. Cách làm tốt nhất cho toàn xã hội vẫn là nhanh chóng đầu tư vào công nghệ số để nhân đợt tiêm phòng COVID-19 này mà tiến hành hiện đại hóa y tế Việt Nam. Các đợt dịch bệnh tiếp theo sẽ còn xảy ra, cùng với biến đổi khí hậu, độ tan chảy của băng ở các cực. Số hóa và thu thập dữ liệu y tế của công dân nếu làm tốt, tôn trọng quyền riêng tư, chế độ bảo mật văn minh bằng luật sẽ là vũ khí tự vệ cho sức khoẻ toàn dân và cú hích tốt cho kinh tế.

Tương tự như vậy, việc bào chế vaccine của riêng Việt Nam là đầu tư lâu dài có lãi. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính việc đầu tư 50 tỷ USD vào chương trình vaccine toàn cầu sẽ đem lại lợi nhuận tính bằng tăng trưởng kinh tế tương đương 9.000 tỷ USD, một tỷ lệ lãi khổng lồ./.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here