Quy mô kinh tế Đồng Tháp ngày càng được mở rộng và đạt trên 110.800 tỷ đồng

0
74
Thành phố Cao Lãnh. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Kinh tế của Đồng Tháp phục hồi nhanh và khá toàn diện sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt với động lực chính là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cao Lãnh. (Nguồn: Báo Đồng Tháp)

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp lần thứ 7 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp (khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026) ngày 9/12, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay đã có 19/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2023. Trong đó, có những chỉ tiêu nổi bật như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người (ước đạt 69,31 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (ước đạt 8.151 tỷ đồng), tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế (đạt 93,32%), tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 75,4%).

Kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và khá toàn diện sau đại dịch Covid-19. Quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng và đạt trên 110.800 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt với động lực chính là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, hầu hết các sản phẩm công nghiệp sản xuất ổn định và có tăng trưởng so với năm 2022.

“Thủy sản chế biến tăng 5,10%; gạo xay xát, lau bóng tăng 38,27%; chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 1,2%; sản phẩm da giày tăng 6,96%; sản phẩm may mặc tăng 5,57%; thuốc viên các loại tăng 10,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,04% kế hoạch”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xu hướng chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao tiếp tục lan rộng, truy xuất nguồn gốc được quan tâm thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, chất lượng được nâng lên. Hiện có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 5 sao. Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, Đồng Tháp cũng tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, xem đây là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế.

Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư tại địa phương như: Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland, Công ty CP Đồ hộp Hạ Long…

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Toàn tỉnh có 73 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14.348 tỷ đồng. Đến nay, có 19 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; 15 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp, tạo sự bứt phá trong tăng trưởng. Gia tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến (gạo, thủy sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, may mặc) từ các nhân tố khởi nghiệp, các nhà máy hoạt động chưa hết công suất và các dự án đầu tư mới.

Phấn đấu tăng trưởng GRDP khu vực công nghiệp đạt 9,98% (năm 2023 đạt 6,10%); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP chiếm 17,58% (tăng 0,31% so với năm 2023).

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sớm triển khai các dự án trên địa bàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức vừa làm vừa học; mạnh dạn khai thác các mô hình mới.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here