Chính phủ vừa ban hành Nghị định63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghị định này quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, Nghị định quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Từ ngày 19/6/2018, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Nhà đầu tư phải sở hữu ít nhất 10 – 20% trong dự án PPP
Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP được quy định rõ, vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT; vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Đối với hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (hợp đồng BT), nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.
Trong Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (1). Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 300 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án; dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT (2).
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp (1), (2) nêu trên của bộ, ngành mình. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A không thuộc trường hợp quy định tại (2) nêu trên; dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; dự án nhóm B áp dụng loại hợp đồng BT (3). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp quy định tại (1), (2), (3) nêu trên của địa phương mình.
Loại bỏ những tồn tại
Hình thức đầu tư theo hình thức PPP đang ngày càng được quan tâm, khi gần đây hàng loạt các dự án về hạ tầng giao thông, cảng biển… thu hút được các nhà đầu tư tư nhân với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. PPP được thực hiện với các dự án có mục đích công, mở đối với hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, mở rộng hơn nhiều so với các văn bản trước đây từ kết cấu hạ tầng đến gia thông, điện, cấp thoát nước đến các dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hoá.
Với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án trong đầu tư các dự án công. PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân hàng đổ vào các dự án BOT giai đoạn 2011 – 2015 chiếm 85 – 90% tổng vốn đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Các nhà đầu tư BOT thực chất chỉ có nguồn vốn tự có rất khiêm tốn, phần lớn từ 10 – 11% tổng vốn đầu tư của dự án. Trong giai đoạn, thực tế triển khai các dự án PPP cho thấy, một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ dự án là năng lực tài chính của nhà đầu tư không bảo đảm.
Ngoài ra, với việc 85 – 90% là vốn vay, thì bất cứ rủi ro nào của dự án BOT sẽ chuyển sang cho các ngân hàng cung cấp tín dụng. Gánh nặng nợ vay cũng như rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đều bị chuyển vào hệ thống tín dụng phải gánh chịu.
Ngoài ra, cùng với việc các dự án BOT giai đoạn này đều chỉ định nhà đầu tư, thiếu cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, nhiều trường hợp nhà đầu tư được chỉ định không bảo đảm năng lực tài chính. Sau đó, trong quá trình thi công xây dựng, nhà đầu tư BOT phần lớn chỉ định nhà thầu thực hiện.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, các hợp đồng BOT trao nhiều quyền cho nhà đầu tư như có thể chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, từ đó thao túng quy trình đầu tư, hạn chế đáng kể những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có để áp dụng vào công trình… Cho nên, động cơ của nhà đầu tư sẽ nhắm nhiều vào hưởng lợi trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này.
Hình thức đầu tư theo hình thức PPP đang ngày càng được quan tâm, khi gần đây hàng loạt các dự án về hạ tầng giao thông, cảng biển… thu hút được các nhà đầu tư tư nhân với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. PPP được thực hiện với các dự án có mục đích công, mở đối với hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, mở rộng hơn nhiều so với các văn bản trước đây từ kết cấu hạ tầng đến gia thông, điện, cấp thoát nước đến các dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hoá.
Với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án trong đầu tư các dự án công. PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Tiến Minh