Quan hệ Mỹ – Trung, xu hướng chính sách thương mại toàn cầu và quan hệ quốc tế

0
238
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại Diễn đàn về Chính sách công cựu sinh viên Đại học Havard tại Trung Quốc và Hội thảo của CCG ngày 09/3/2019, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cựu Chủ tịch Đại học Havard đã đưa ra 04 luận điểm chính về đánh giá quan hệ Mỹ – Trung, xu hướng chính sách thương mại toàn cầu và quan hệ quốc tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, lịch sử thế giới trong nửa đầu thế kỷ 21 gắn liền với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Từ một quốc gia nghèo khó, đóng cửa trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, quốc gia sử dụng mạng internet lớn nhất thế giới, sự phát triển nhanh chóng và những tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực có sức ảnh hưởng và thay đổi đối với thế giới tương tự hay thậm chí còn lớn hơn Cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ đang diễn ra trong thế kỷ 21. Nếu lịch sử nhìn nhận đây là giai đoạn phát triển tích cực và ôn hòa đối với nhân loại, thì Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong đó. Còn nếu lịch sử thế kỷ 21 được nhìn nhận là thảm kịch, thì lịch sử này sẽ bao hàm cả những xung đột và căng thẳng từ sự thay đổi chóng mặt, sự khó khăn của Trung Quốc và cả thế giới để thích nghi với sự trỗi dậy này, tương tự như sự trỗi dậy của nước Đức và sự suy tàn của Anh vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Thứ hai, có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhận thức về Trung Quốc không chỉ tại Mỹ mà trên toàn cầu trong 30 tháng qua. Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng đây đơn thuần là kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi và phản ánh ưu tiên chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Thay vào đó, chính sách đối ngoại của Mỹ đã trở nên ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trên mọi khía cạnh. Ngay cả trong cộng đồng doanh nghiệp, là nhóm ủng hộ Trung Quốc mạnh nhất từ trước tới nay, sự ủng hộ này cũng dần xói mòn với các cáo buộc về môi trường thương mại – đầu tư không thân thiện và ít cởi mở, sự gia tăng các vi phạm về nhân quyền, sự hung hăng và chủ nghĩa dân tộc. Các hành động quân sự và bồi lấp đất tại khu vực Thái Bình Dương, sự xâm lấn về kinh tế dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc có xu hướng vi phạm luật pháp quốc tế và hướng đến sự độc đoán, chuyên quyền của một nhóm người đứng đầu Đảng Cộng sản. Tất cả cho thấy một cảm nhận rằng sự chung sống ôn hòa, hợp tác cùng phát triển kinh tế và giải quyết mâu thuẫn thông qua chính sách ngoại giao mềm dẻo truyền thống là chưa đủ cho một chiến lược của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ cần thận trọng hơn trong cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Nếu như trước đây, quan điểm cho rằng Trung Quốc và sự phát triển của Trung Quốc đe dọa tới các lợi ích cốt lõi của Mỹ, thì theo ông Summers, điều này đang bị cường điệu hóa; đồng thời, việc đổ lỗi Trung Quốc là tác nhân gây suy giảm công nghiệp hóa của nền kinh tế Mỹ là thiếu chính xác và không khách quan khi chưa tính đến những điểm tích cực trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Thay vào đó, các quyết định sai lầm về chính sách kinh tế của Mỹ chính là nguyên nhân chính dẫn đến các thất bại của nền kinh tế. Tương tự, các cáo buộc về đánh cắp sở hữu trí tuệ hay việc Trung Quốc ép hình thành các liên doanh hợp tác không phải là nguyên nhân chính đem lại sự tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc thời gian quan, mà đến từ sự phổ biến rộng rãi về thông tin trong thế giới hiện đại. Việc có thể bảo mật thông tin và duy trì sự đi đầu về công nghệ trong thời gian dài là rất khó, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Trước đây, Mỹ cũng chỉ có thể duy trì được lợi thế 3 năm đi trước trong cạnh tranh công nghệ về vũ khí hạt nhân với Liên Xô dù hai quốc gia không có bất kỳ mối quan hệ tương tác qua lại hay sự chia sẻ về thông tin.

Do đó, Mỹ cần xác định rõ các chính sách kinh tế – thương mại với Trung Quốc, chẳng hạn như việc giảm thiểu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế, việc từ chối tiếp cận thị trường thép giá rẻ hay nguồn vốn của Trung Quốc trong đầu tư rõ ràng đi ngược lại với các lợi ích của Mỹ. Nếu các chính sách này tiếp tục được thúc đẩy, đi ngược lại với các cam kết về cải cách về kinh tế và xu thế cởi mở chính trị sẽ làm căng thẳng thêm sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc, dẫn đến các nguy cơ về xung đột và căng thẳng mà hai bên đều muốn tránh.

Thứ tư, cũng như Mỹ, Trung Quốc cần phải xác định rõ ưu tiên của mình. Với vị thế của một cường quốc đang lên, Trung Quốc có trách nhiệm đưa ra sự trấn an chiến lược với thế giới. Trung Quốc có quyền đòi hỏi chính đáng không bị kiềm tỏa trong các lĩnh vực phát triển tiên tiến, được tham gia vào các thể chế và tiến trình hoạch định chính sách toàn cầu thay vì với tư cách thành viên đơn thuần như trước đây; tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần phải tuân thủ và thích ứng với các quy định mới, như trong các lĩnh vực SHTT, chính sách trợ cấp và tín dụng.

Theo ông Lawrence, việc Trung Quốc mong muốn trở thành một trong những đầu tàu lãnh đạo thế giới hoàn toàn khác với việc Trung Quốc mong muốn thay thế vai trò lãnh đạo của các cường quốc hiện nay tại khu vực Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Trung Quốc, trong hai năm qua, đã hưởng lợi từ sự bất ổn và phần nào sự thiếu khôn khéo trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Những mâu thuẫn và chia rẽ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã dẫn đến sự thất bại của việc hình thành một hình thái liên minh toàn cầu chia sẻ quan ngại chung về Trung Quốc. Tuy nhiên về lâu dài, việc Trung Quốc thay đổi, điều chỉnh lại các cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại sẽ đem lại lợi ích hơn cho nước này. Ông Summers cho rằng, mối quan hệ hợp tác và tôn trọng lẫn nhau cùng tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đạt được những tiến bộ chưa từng có của nhân loại mà Cuộc Cách mạng khoa học công nghệ và thông tin hiện nay mang lại./.

Nguồn: Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Geneve.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here