Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0

0
356

1. Định nghĩa CN 4.0

Theo Klaus Schwab, người sáng lập đồng thời là chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 có lịch sử hình thành vô cùng ấn tượng:

“Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai điễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đã và đang dần hình thành từ cuộc cách mạng lần ba. Nó là sự kết hợp của các công nghệ và cũng đồng thời làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực: Vật lý, Kỹ thuật số và Công nghệ sinh học.

Lĩnh vực Vật lý gồm robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, vật liệu mới và công nghệ Nano.

Lĩnh vực Kỹ thuật số bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (Internet of things -IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Lĩnh vực Công nghệ sinh học gồm: Nông nghiệp, Thủy sản, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.

2. Quá trình phát triển của Cách mạng khoa học kỹ thuật, nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin đến cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động của nó với kinh tế, xã hội con người
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, khoa học và công nghệ – nhất là sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo – đã tác động rất sâu sắc và mạnh mẽ đến đời sống xã hội con người.
Lịch sử nhân loại đang chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, từ nền kinh tế dựa vào tài nguyên và máy móc sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào dữ liệu, thông tin và tri thức. Đây là một bước ngoặt lịch sử rất quan trọng.
Vậy dữ liệu, thông tin và tri thức có mối liên hệ gì với nhau? Dữ liệu là những số liệu, dữ kiện rời rạc. Khi dữ liệu được hệ thống hóa sẽ trở thành thông tin. Thông tin được con người tiếp nhận, xử lý nhận thức sẽ trở thành tri thức, nhờ có tri thức mà kỹ năng, óc sáng tạo con người phát triển. Khi tri thức được viết ra, in ấn hay đưa lên mạng thông tin điện tử để quảng bá cho nhiều người thu nhận sử dụng thì đó chính là tri thức đã được mã hóa. Vậy lúc bấy giờ tri thức cũng được gọi là thông tin. Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thông tin cho ra tri thức và truyền bá nhanh tri thức, tri thức bùng nổ, chúng ta có cách mạnh thông tin và cách mạng tri thức. Quá trình đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tri thức, thông tin và xử lý thông tin trở thành yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay và tương lai, công nghiệp 4.0 được xác định là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Công nghiệp 4.0 không chỉ thay thế lao động chân tay mà còn giúp con người trong lao động trí óc. Bên cạnh đó, những khái niệm về cuộc sống và tư duy của con người cũng đang dần thay đổi.
Sự biến động đó không chỉ xảy ra trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế mà còn trên tất cả các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội. Ngoài ra, ta còn thấy được dấu ấn của nó qua cách giao tiếp, làm việc, lối sống…, không lĩnh vực nào mà không chịu tác động to lớn và sâu sắc từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cách mạng thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0.
3. Kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 – Động lực mạnh mẽ nhất đang làm thay đổi xã hội con người
Để có thể đưa ra quyết định và hành động hiệu quả con người cần dựa vào số lượng và chất lượng xử lý thông tin. Công nghiệp 4.0 là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện kỹ thuật dùng để thu thập, xử lý, lưu giữ và khai thác thông tin một cách tự động nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của xã hội. Hơn nữa, công nghệ thông tin làm cho thông tin trở thành tri thức và quảng bá nhanh tri thức cho mọi người, trong đó, tri thức chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành công cho cuộc cách mạng công nhiệp 4.0. Do đó, kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0 được xem là động lực quan trọng nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống.
Xã hội mạng hình thành, nền kinh tế số hóa và tự động hóa ngày càng phát triển chính là yếu tố then chốt của sự chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0. Nó thay đổi tận gốc cách sản xuất, tiêu thụ, cách sống, làm việc, cách tổ chức quản lý và tất nhiên giáo dục cũng thay đổi, nhất là giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học.
Đặc thù của công nghiệp 4.0 là xuất hiện trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa, vật liệu mới và công nghệ sinh học. Đây chính là các lĩnh vực phát triển rất nhanh của nền kinh tế và sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai. Nó làm thay đổi căn bản lực lượng lao động của xã hội loài người và cũng chính nó làm cho các ngành công nghiệp khác phát triển theo hướng ngày càng thông minh hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn.
4. Nhiệm vụ của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0
Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, để giải quyết được nhiệm vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, ta phải giải quyết được các vấn đề sau:
Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta có thể rút ngắn thời gian nếu chúng ta sẵn sàng và chủ động hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và lan tỏa mạnh mẽ. Phát triển những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ tiên tiến, đặc biệt công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và tự động hóa (trí tuệ nhân tạo), tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức độ cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phải nắm bắt thời cơ, khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển kinh tế, từng bước tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghiệp hóa ở nước ta phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cơ bản: chuyển từ kinh tế nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0. Hai nhiệm vụ đó phải phát triển đồng thời, lồng ghép vào nhau, hỗ trợ cho nhau, bổ sung cho nhau. Để làm được nhiệm vụ đó, tri thức và công nghệ mới của thời đại phải được áp dụng triệt để, các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa vào tri thức cũng cần đẩy mạnh phát triển.
Chủ động hội nhập quốc tế kết hợp với năng lực nội sinh của dân tộc. Yếu tố quyết định đối với năng lực nội sinh là văn hóa, giáo dục, khoa học, cũng tức là sức mạnh tinh thần và trí tuệ dân tộc. Đặc biệt đổi mới tư duy kinh tế theo kịp sự phát triển của thời đại. Phát triển kinh tế phải lấy hiệu quả làm đầu, sản xuất những gì có hiệu quả cao nhất do có lợi thế so sánh để đổi mới và sẵn sàng thay đổi để hội nhập. Phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố tài nguyên, con người với tri thức và công nghệ hiện đại để chọn những ngành, những sản phẩm có nhiều lợi thế cạnh tranh, đem lại hiệu quả cao nhất. Công nghiệp hóa là sử dụng tri thức và khoa học công nghệ mới nhất để hiện đại hóa nền kinh tế, chuyển nền kinh tế từ chất lượng, hiệu quả thấp sang nền kinh tế chất lượng, hiệu quả cao và trên cơ sở tiếp cận với công nghiệp 4.0. Vì vậy, công nghiệp hóa phải đi liền với hiện đại hóa. Công nghiệp hóa ngày nay phải là công nghiệp hóa dựa vào tri thức và từng bước thực hiện cuộc cách mạng công nhiệp 4.0.
Nhanh chóng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành mạng xa lộ thông tin quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực, phát triển công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm và tự động hóa (trí tuệ nhân tạo) để phát triển tất cả các lĩnh vực, dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế. Công nghệ thông tin là chìa khóa để đi vào kinh tế tri thức và công nghiệp 4.0.
Tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới vào nước ta phải chọn lọc và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của nước nhà, nhằm đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Phải có bước đi thích hợp, đi nhanh nhưng thận trọng, vừa có nhảy vọt vừa có tuần tự, cân nhắc kỹ nhảy vọt, phát triển tuần tự, tận dụng công nghệ truyền thống một cách tối ưu, để có thể phát triển chung cả mạng lưới các ngành, hiện đại nhưng phải đồng bộ, hài hòa nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển.
Quá trình thu hút vốn FDI phải đi đôi với quá trình chuyển giao công nghệ và nhanh chóng nội địa hóa công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư và đồng thời phát triển công nghệ trong nước. Trường hợp Samsung là một điển hình, doanh nghiệp trong nước phải tranh thủ đáp ứng những đòi hỏi của Samsung để trở thành nhà cung cấp linh kiện cấp 1 cho tập đoàn. Chúng ta phải nhanh chóng thay đổi, học hỏi, tiếp thu công nghệ, làm chủ công nghệ cuối cùng là sáng tạo công nghệ.
Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nội địa hóa các sản phẩm hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Tranh thủ thu hút lực lượng khoa học công nghệ việt kiều từ các nước tiên tiến phục vụ công cuộc đổi mới đất nước. Điển hình như Tập đoàn Vingroup tận dụng công nghệ và thu hút các nhân sự am hiểu công nghệ của nước ngoài để rút ngắn thời gian tiếp cận công nghệ mới của thế giới trong dự án Vinfast.
Kết hợp tốt việc tăng năng lực nội sinh về khoa học công nghệ với tiếp thu tri thức, công nghệ của thế giới là hết sức cần thiết. Không đủ năng lực khoa học trong nước thì không thể tiếp thu làm chủ công nghệ nhập từ ngoài, hơn nữa do điều kiện đặc thù của mỗi nước, có những công nghệ nhập từ nước ngoài nếu không cải tiến thì sẽ không phù hợp, thậm chí gây lãng phí.
Các chương trình nghiên cứu khoa học phải tập trung vào những vấn đề cơ bản và có tính đặc thù của Việt Nam để có thể tiếp thu nhanh và làm chủ các công nghệ nhập. Công nghệ thông tin cần được áp dụng triệt để trong tất các lĩnh vực. Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý ngành.
Chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng để nâng cao trình độ công nghệ trong nước, vì vậy việc chuyển giao cần được tổ chức thật tốt, có phương pháp, đảm bảo hiệu quả cao. Chuyển giao công nghệ phải đạt được mục tiêu là nắm vững công nghệ, làm chủ được công nghệ, biến thành công nghệ của mình. Tức là phải nắm được nguyên lý công nghệ, phương pháp, trình tự, qui trình thực hiện công nghệ, cách xử lý các vấn đề phát sinh, các bí quyết công nghệ. Chuyển giao công nghệ phải được thực hiện nghiêm túc đi đôi với hợp tác đầu tư, có hợp đồng chuyển giao công nghệ rõ ràng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Không làm tốt việc này thì sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ. Đó là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao trình độ công nghệ ở nước ta trong quá trình thực hiện công ngiệp hóa hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
5. Những nguy cơ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Không đủ tri thức, không đủ năng lực nội sinh về khoa học công nghệ thì hội nhập sẽ phải chịu thua thiệt, bị bóc lột, chèn ép và trở thành bãi thải công nghệ của các nước khác.
Phải mạnh dạn đổi mới cơ chế và chính sách để thực sự giải phóng mọi nguồn lực, mọi khả năng sáng tạo nhằm hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới tránh được tụt hậu so với thế giới.
Ngày nay khoa học công nghệ của thế giới đang ở trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển nhanh chóng của nó làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Trí tuệ nhân tạo được thay thế cho sức người và máy móng thô sơ. Điều này cũng là nguy cơ lớn làm nảy sinh nạn thất nghiệp, nhất là những nền kinh tế còn thâm dụng lực lượng lao động như chúng ta.
6. Nhiệm vụ của mỗi người trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước ta trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0
Nếu muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần xem xét lại cách tư duy, cách hoạt động của cơ quan, tổ chức mình bằng cái nhìn không hài lòng nhằm tìm cách cải thiện, sửa đổi nó với sự trợ giúp của công nghệ mới. Chúng ta cần sẵn sàng tiến hành áp dụng công nghệ mới cần thiết để thay đổi nhằm giúp cơ quan, tổ chức mình thành công.
Rất cần sự đồng lòng, đóng góp sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới của mọi người để cùng phát triển trong thế giới mà công nghệ có thể làm thay đổi mọi mặt nhanh chóng trong một môi trường có tính cạnh tranh cao như ngày nay.
Ta thử hỏi làm thế nào một quốc gia có thể tranh thủ tiếp thu công nghệ hiện có, rồi sau đó chuyển sang dẫn đầu trong việc đổi mới công nghệ như một số nước lân cận chúng ta như: Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc, nơi sản sinh ra nhiều sáng kiến và đổi mới. Tất cả đã cho thấy sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, thể chế, doanh nghiệp và thị trường. Mặc dù không có một công thức duy nhất rút ra từ kinh nghiệm của các nước này, nhưng những yếu tố trên cũng đã giúp các quốc gia đó thành công, trở thành bài học kinh nghiệm quí báu cho công cuộc công nghiệp, hóa hiện đại hóa đất nước của chúng ta.
Tôi tin rằng, chúng ta có thể thay đổi nhiều thứ xung quanh ta trở nên thông minh hơn nhờ vào công nghệ mới hay nói cụ thể hơn là áp dụng triệt để công nghiệp 4.0 như: Thành phố thông minh, tổ chức thông minh hay căn hộ thông minh từ sự thay đổi trong tư duy về việc ứng dụng công nghệ mới hay công nghiệp 4.0 vào công việc của mỗi chúng ta./.

TS. Trần Văn Thiện (Đại học Văn Lang)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here