Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

0
168
(VETMEDIA
(VETMEDIA

Sau đợt sụt giảm tăng trưởng nặng nề vào năm ngoái kinh tế toàn cầu đang có xu hướng phục hồi khá rõ rệt. Tuy nhiên, mức độ bất định vẫn còn cao. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được phục hồi đầy đủ do nhiều nơi làn sóng mới của đại dịch bùng phát trở lại. Nhiều vùng và lãnh thổ trên thế giới vẫn còn chưa tiêm đủ vắc xin và do đó nền kinh tế chưa thể trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch Covid.

(VETMEDIA)

Tổ chức IMF mới đây dự báo nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm vào năm 2021 so với dự báo của họ hồi tháng 7. Trong đó, các trung tâm kinh tế lớn có mức tăng trưởng khá cao như Mỹ là 6,0%, khu vực đồng Euro là 5%, các nền kinh tế mới nổi tăng 6,4%. Các nước châu Á lớn như Ấn Độ dự báo tăng đến hơn 9%, Trung Quốc tăng 8%, Nhật tăng 2,4%. Trong khi đó, sau nhiều năm dẫn đầu về tăng trưởng, khu vực ASEAN đang có mức tăng trưởng thấp, nhóm ASEAN-5 dự báo tăng trưởng chỉ còn khoảng 2,9% năm 2021. Sự bùng phát dịch bệnh gần đây ở các nước ASEAN đã làm cho nhóm này bị ảnh hưởng nặng nề.

Như vậy các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế Đông Á là có sự phục hồi kinh tế khả quan. Các khối này có mức tăng trưởng âm của năm ngoái thì đương nhiên nếu năm nay có phục hồi thì tốc độ tăng trưởng sẽ trở nên cao và rất cao. Trên thực tế, đúng là các gói kích thích tài khóa có quy mô đã phát huy tác dụng. Ví dụ như Mỹ có gói 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden được thông qua vào tháng 3/2021 đã góp phần tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng của khu vực hộ gia đình, giúp Mỹ có khả năng có mức tăng trưởng dự báo là 6%, tức là rất cao so với các giai đoạn trước đây của Mỹ.

Cách tiếp cận trong việc xây dựng chính sách phục hồi kinh tế của các quốc gia là như thế nào, thưa ông?

Có hai cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Nhóm 1, đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trước khi khôi phục lại các hoạt động kinh tế – xã hội nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế hay thường được gọi là cách tiếp cận zero covid.

Nhóm 2, tiếp cận theo hướng vừa khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội vừa kiểm soát dịch bệnh.

Nhóm 1 bao gồm một số ít nước và nền kinh tế như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Úc, New Zealand. Tuy nhiên, trong nhóm này Úc, New Zealand đã bắt đầu chuyển dần sang nhóm 2 trong thời gian gần đây.

Nhóm 2 là đa số các nước trên thế giới. Bản thân trong nhóm 2 cũng có nhiều thái cực ví dụ như Brazin có cách tiếp cận mở cửa mạnh theo kiểu để tự do, Thụy Điển chấp nhận mở cửa sớm để phục hồi kinh tế và để có miễn dịch cộng đồng. Nhiều nước khác mở cửa vẫn phải có điều kiện tùy vào tình hình cụ thể.

Dù là nhóm nào, các nước vẫn đều phải có can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Chỉ có khác là lộ trình, trọng tâm và các mục tiêu trung gian là khác nhau thôi.

Tôi cho rằng nên xác định rõ mục tiêu ở đây là về lâu dài cần phải xây dựng được năng lực chống chịu của nền kinh tế. Giống như cơ thể con người, xây dựng được năng lực chống chịu tốt thì có đi ra gió hay bị viêm nhiễm từ virus bên ngoài thì cơ thể vẫn có thể có năng lực chống chịu và thích nghi. Chứ còn gió với virut ngoài kia thì lúc nào cũng có, hết đợt này sẽ có đợt khác. Mình mà khỏe thì đi ra ngoài không đáng ngại.

Hãng Bloomberg đã xây dựng một bộ chỉ số gọi là chỉ số chống chịu Covid (Covid Resilience) để qua đó xây dựng được bảng xếp hạng các nước lớn trên thế giới về năng lực chống chịu. Các chiều cạnh để xây dựng chỉ số này là khả năng ngăn chặn virus, chất lượng chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ tiêm chủng, tỷ lệ tử vong nói chung, tiến trình bắt đầu lại du lịch và nới lỏng biên giới. Bảng xếp hạng cho biết nền kinh tế nào trong số 53 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phản ứng tốt nhất và tệ nhất.

Theo danh sách của bảng xếp hạng này, đứng đầu là các nước phát triển ở châu Âu đã mở cửa như Ai-len, Tây Ban Nha, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch…tức đều là các nước có cách tiếp cận mở cửa sớm. Trung Quốc nằm ở nhóm giữa của bảng xếp hạng, các nước Đông Nam Á ở nhóm cuối về năng lực chống chịu. Việt Nam được xếp hạng 52, sau Malaysia thứ 51 và trên Philippine đứng thứ 53. Như vậy, có thể nói các nước Đông Nam Á có năng lực chống chịu là còn yếu. Không biết có phải vì thế mà tăng trưởng kinh tế của nhóm này năm 2021 bị thấp không, nền kinh tế bị phục hồi vì thế mà muộn không.

Dù có cách tiếp cận mở cửa khác nhau, các quốc gia đều có những gói can thiệp vào nền kinh tế để khôi phục sản xuất và cuộc sống của người dân. Có thể nhìn nhận kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ của các quốc gia là như thế nào, thưa ông?

Theo tôi có mấy nội dung chính của các gói hỗ trợ gồm:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ người dân. Tất cả các quốc gia đều có chính sách này. Nhiều quốc gia còn dành những khoản kinh phí khổng lồ để hỗ trợ người dân. Ví dụ như ngay đầu năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai gói cứu trợ 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4,7% GDP) với các biện pháp tài khóa cụ thể nhằm tăng cường chi tiêu chống dịch và kiểm soát sự lây lan của virus; sản xuất các thiết bị y tế; đẩy nhanh giải ngân bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mở rộng cho lao động nhập cư; miễn, giảm thuế và nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội; tăng cường chi tiêu công.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua các gói kích thích và phục hồi kinh tế để đối phó với các tác động của đại dịch từ nửa đầu năm 2020. Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt gói giải cứu kinh tế khẩn cấp trị giá 117,1 nghìn tỷ yên (tương đương 20,9% GDP năm 2019) bên cạnh gói kích cầu kinh tế (hiệu lực từ tháng 1/2020) và hai gói ứng phó dịch bệnh đã triển khai trước đó.

Các gói kích thích kinh tế khổng lồ này được xây dựng dựa trên 5 mục tiêu, gồm: Xây dựng các phương án phòng và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị bệnh cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.

Các giải pháp chủ yếu là trợ cấp tiền mặt cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, miễn, giảm thuế và nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, mở rộng các cơ chế vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính công và tư nhân. Sau đó, chính phủ tiếp tục mở rộng các khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ cho vay thông qua các tổ chức tài chính công, trợ cấp các khoản chi phí thuê cơ sở vật chất của doanh nghiệp.

Đến tháng 12/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ kinh tế tổng thể để bảo đảm cuộc sống và sinh kế của người dân trị giá 73,6 nghìn tỷ yên (tương đương 13,1% GDP năm 2019) với những cải tổ về mặt cấu trúc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Chính phủ Thái Lan ngày sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã thông qua gói cứu trợ kinh tế giai đoạn 1, 2 và 3 quy mô tương đương 9,6% GDP (khoảng 1,5 nghìn tỷ bath). Mục đích chi cho các vấn đề liên quan đến y tế công cộng và sức khỏe người dân; hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp thông qua các khoản vay ưu đãi và miễn, giảm thuế; giảm hóa đơn điện nước và phí bảo hiểm xã hội phải đóng; triển khai các biện pháp hỗ trợ du lịch địa phương với 22 tỷ bath trợ cấp cho khách du lịch và 100 tỷ bath trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dưới dạng các khoản vay ưu đãi.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đợt bùng dịch thứ 2 và thứ 3 vừa qua, Thái Lan đã thông qua các gói hỗ trợ bằng tiền mặt (mỗi người được nhận 3.500 bath/tháng trong thời gian 2 tháng với đợt dịch thứ 2 và 3.000 bath/tháng trong thời gian 6 tháng với đợt dịch thứ 3).

Thái Lan cũng phê duyệt gói cứu trợ kinh tế trị giá 500 tỷ bath để giảm thiểu các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch và gói kích cầu kinh tế mới trị giá 140 tỷ bath với các hình thức trợ cấp tiền mặt, tiêu dùng chung (co-payment) và phiếu ưu đãi (e-voucher). Hộ gia đình cũng có thể tiếp cận các khoản vay tiêu dùng mà không bị đánh giá xấu về tín dụng hoặc bị áp mức lãi suất cao.

Hay như Israel, tháng 8/2020, Quốc hội nước này đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 80 tỷ NIS (tương ứng 6,1% GDP của năm 2020), trong đó có 11 tỷ NIS được chi cho các vấn đề về y tế và sức khỏe cộng đồng; 20 tỷ chi cho việc duy trì lưới an sinh xã hội, hỗ trợ việc nới lỏng các quy định về trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp cho người lao động tự do. Các giải pháp này được gia hạn và tiếp tục áp dụng cho tới hiện tại.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trung Quốc đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để gia tăng thanh khoản thông qua cơ chế thị trường mở; mở rộng các cơ chế cho vay lại hoặc tái chiết khấu khoản vay, cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp; ban hành các công cụ mới để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, bao gồm cả chương trình lãi suất 0 đồng (chính phủ cấp tiền cho ngân hàng để ngân hàng cho doanh nghiệp vay lại)…

Trung Quốc còn nới lỏng những quy định về điều kiện tài chính cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình và khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch và gặp khó khăn trong việc trả nợ; nới lỏng các điều kiện cho vay ràng buộc với hình thức vay trực tuyến và mở rộng hỗ trợ tín dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ gia đình đủ điều kiện; tạm hoãn các khoản nợ xấu và cắt giảm các điều kiện quy định nợ xấu; hỗ trợ các tổ chức tài chính phát hành trái phiếu doanh nghiệp để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn trong dân thông qua việc nới lỏng các điều kiện bảo đảm đầu tư của bên phát hành, “bơm” thêm tiền vào các chương trình bảo lãnh tín dụng…

Nhật Bản đưa ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động số hóa và ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi. Về chính sách tiền tệ, Nhật Bản áp dụng các giải pháp nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt của thị trường tài chính và tạo thêm cơ chế khuyến khích để các tổ chức tài chính mở rộng hoạt động cung ứng tín dụng. Các giải pháp chính gồm bơm tiền vào hệ thống tài chính thông qua việc mở rộng quy mô và thời hạn trái phiếu chính phủ, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cho vay của các tổ chức này.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với các khoản vay không lãi suất và không cần tài sản bảo đảm, giảm bớt các điều kiện ràng buộc và yêu cầu ngân hàng cho phép doanh nghiệp giãn nợ trong một số trường hợp.

Chính phủ Thái Lan tập trung hỗ trợ cho ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và du lịch khách sạn để duy trì chuỗi cung ứng trong nước – vốn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nước này. Triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời các chính sách cũng bám sát các giai đoạn và diễn biến của dịch bệnh trong năm 2020, bao gồm: Các gói kích thích ngắn hạn, bao gồm hỗ trợ tài chính gián tiếp và hỗ trợ trực tiếp; các biện pháp hỗ trợ trung hạn, bao gồm các khoản vay ưu đãi, các khoản khấu trừ thuế, tiền thuê nhà và các khoản thanh toán khác…; các biện pháp dài hạn như các chương trình nâng cao năng lực, các biện pháp thị trường.

Thứ ba, chính sách hỗ trợ ngành dịch vụ du lịch. Nhiều quốc gia đã có các chính sách hỗ trợ ngành dịch vụ du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19.

Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp khuyến khích du lịch nội địa, như đặt lịch hẹn, chuyển tải cao điểm, hạn chế luồng đi lại và tổ chức có trật tự hơn, ban hành các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và các tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng chi tiết dành cho lĩnh vực du lịch và lữ hành…

Chính phủ giảm thuế và hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp du lịch trên khắp đất nước vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, chính phủ cũng thực hiện ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 (hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, ăn uống, lưu trú, du lịch). Theo đó, những doanh nghiệp này được phép chuyển khoản lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong năm 2020 sang 8 năm tiếp theo, thay vì mức chuẩn trước đó là 5 năm.

Còn ở cấp độ vi mô, các giải pháp bao gồm: (1) bảo đảm khoảng cách và tăng cường giữ gìn vệ sinh phòng, chống dịch. Các địa điểm du lịch giảm bớt sự đông đúc bằng cách giới hạn số lượng người vào cửa, ví dụ chỉ bằng 30% đến 50% so với mức trước đó; (2) tích cực khuyến mại về giá vận tải hành khách; và (3) sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hướng vào phân khúc khách hàng trẻ tuổi.

Chính phủ Nhật Bản phản ứng khá nhanh với các diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới với một loạt các gói chính sách nhằm bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội nói chung và thúc đẩy du lịch trong nước nói riêng. Để kích thích du lịch trong nước sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, chính phủ và các địa phương đã thực hiện một số trợ cấp du lịch. Tháng 7/2020, Chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch “Go To Travel” với ngân sách lên tới 1,7 nghìn tỷ Yên tức là khoảng 15,5 tỷ USD.

Thái Lan đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, như Cục Du lịch Thái Lan trực thuộc Bộ Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và Bộ Tài chính để đề ra các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành của Thái Lan như: Một là ban hành chỉ thị y tế, trong đó đặc biệt ưu tiên đến bảo đảm sức khỏe và an toàn của khách du lịch và người dân địa phương. Hai là ưu đãi thuế và thực hiện các chương trình cho vay. Đối với các doanh nghiệp hàng không, Thái Lan áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhiên liệu máy bay. Đối với các doanh nghiệp du lịch và lữ hành, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ thông qua ưu đãi thuế và chương trình cho vay trị giá 4,8 tỷ USD. Ngân hàng Thái Lan cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khoản vay trị giá 15,9 tỷ USD, trong đó có 317,5 triệu USD cho các doanh nghiệp liên quan đến du lịch. Chính phủ Thái Lan cũng dành khoảng 12,7 tỷ USD cho các dự án phục hồi kinh tế và xã hội, bao gồm các dự án có liên quan đến ngành công nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng và phục hồi các điểm đến du lịch, tăng cường an ninh và y tế cho các khách du lịch, dịch vụ công nghệ cao, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Ba là áp dụng các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ lao động thất nghiệp, bao gồm lao động trong ngành hàng không, du lịch.

Tại Mỹ, Chính phủ nước này cũng áp dụng gói hỗ trợ khẩn cấp để phát triển du lịch nội địa, dựa trên thực tế một số bang, như New York, Washington có một lượng du khách “nội địa” hùng hậu. Hộ chiếu vaccine hiện vẫn là biện pháp khả thi nhất đối với các cơ quan chức năng ở New York khi đón hàng triệu lượt du khách đến từ phía bên kia hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhờ vào chiến dịch tiêm chủng đại trà, thành phố New York đã nhanh chóng phục hồi được lòng tin của khách du lịch.

Từ kinh nghiệm và thực tiễn trên thế giới, theo ông bài học xây dựng chính sách phục hồi kinh tế cho Việt Nam là như thế nào?

Có thể có nhiều bài học ở đây nếu có thời gian suy ngẫm, nhưng ít nhất là có một số bài học có thể rút ra được ngay là:

Thứ nhấtvề định hướng cần phải tập trung vào xây dựng và nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế. Định hướng này có tính căn cơ, và là gốc. Khi nền kinh tế có năng lực chống chịu cao thì các cú sốc bên ngoài sẽ được đối phó hiệu quả và tác động của các cú sốc này sẽ không lớn và không làm các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Như vậy, phải xây dựng các cơ chế giảm sốc tốt, chống chịu va đập tốt. Năng lực này thực chất có liên quan chặt chẽ đến năng lực cạnh tranh là cái quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài. Mà trong điều kiện mới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định.

Thứ hai, tiêm chủng vaccine là biện pháp quan trọng nhất để chống các các cú sốc về y tế như thế này. Tăng tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine là điều kiện cần và quan trọng bậc nhất của quá trình phục hồi nền kinh tế. Gia tăng nguồn cung vaccine giúp các quốc gia có cơ hội lớn hơn trong việc tiêm chủng cho người dân. Ngưỡng 75% đến 85% dân số được tiêm phòng vaccine 2 mũi là điều kiện để kiểm soát dịch bệnh và chuyển đổi sang giai đoạn phát triển kinh tế trong bối cảnh thích ứng với dịch bệnh. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất vaccine và thuốc điều trị bệnh trong nước cũng là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho việc nâng cao năng lực chống chịu và thích ứng.

Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, nền kinh tế không chạm. Khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để thay đổi cơ bản về nhận thức, tư duy về thế giới ở bối cảnh mới và có bứt phá về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Để phát triển kinh tế số thì các giải pháp về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn là những giải pháp cơ bản nhất. Bên cạnh đó cần phải thay đổi hành vi, thói quen của nền kinh tế truyền thống trong đó có sử dụng tiền mặt. Cần phải có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số để nhanh chóng thiết lập được các mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Gần đây Báo cáo Thế hệ Kỹ thuật số ASEAN có một cuộc khảo sát với gần 90.000 người trả lời từ sáu quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về tác động của đại dịch và thực trạng của quá trình số hóa đang diễn ra đã mang lại lợi ích như thế nào cho cuộc sống của con người và xã hội thì những người được hỏi trả lời rất thống nhất rằng công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế của chính họ cũng như nền kinh tế nói chung. Còn khi được hỏi họ nghĩ gì về các kỹ năng quan trọng nhất đối với thế giới sau đại dịch thì câu trả lời đứng đầu bảng là khả năng sử dụng công nghệ, sau đó là các kỹ năng mềm, chẳng hạn như đổi mới và sáng tạo, kỷ luật tự giác, khả năng thích ứng. Như vậy, thay đổi để thích ứng đó là xu hướng ngày càng mạnh mẽ và rất phù hợp với thế giới ở bối cảnh mới luôn thay đổi.

Thứ tư, triển khai nhanh, kịp thời và đủ qui mô các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế. Các quốc gia trên thế giới thường thiết kế các gói hỗ trợ nhanh, kịp thời và đủ qui mô, tập trung vào mấy điểm:

(1) Sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như giảm, miễn thuế, phí, giảm lãi vay, thúc đẩy cấu trúc lại các doanh nghiệp, hỗ trợ nguồn lực nhằm khôi phục vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp gặp khó khăn, khuyến khích các giải pháp cấu trúc lại nợ, nâng cao hiệu quả của các thủ tục thanh lý, phá sản nhằm phân bổ lại nguồn lực hiệu quả từ các doanh nghiệp kém hiệu quả sang các doanh nghiệp hiệu quả hơn. Phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kích thích và phục hồi tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

(2) Xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng chính sách và thiết kế chính sách theo hướng dễ dàng thực thi, đưa ra các gói hỗ trợ nhanh và kịp thời, đủ qui mô, nhắm đúng đối tượng là những doanh nghiệp và nhóm người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, những người lao động thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội. Chú trọng hỗ trợ bằng cả hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, chú trọng đến khâu thực thi thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả. Về lâu dài hơn, phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng nâng cao năng lực chống chịu tốt hơn, có cơ chế tự vận hành trong tình huống khủng hoảng tốt hơn để tránh hoặc giảm thiểu tình trạng bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra.

(3) Thông tin về chính sách cần kịp thời và rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận được đầy đủ các chính sách và như vậy chính sách có tác dụng ngay và sớm. Như vậy sẽ tạo ra sự cộng hưởng của người ra chính sách và người thực thi chính sách. Các công cụ chính sách vì thế sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và các gói can thiệp sẽ có tác dụng ngay và kịp thời.

(4) Thúc đẩy sự phổ biến, ứng dụng công nghệ và thích ứng với các quá trình chuyển đổi ở kỷ nguyên công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, bảo đảm rằng lợi ích của chuyển đổi số và các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến được các doanh nghiệp và người lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong quá trình chuyển đổi sang công việc, việc làm mới, nâng cao năng lực của họ để thích ứng với quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thời kỳ hậu Covid-19 là rất quan trọng.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam/Thực hiện: Thuỷ Diệu/Đồ hoạ:VETMEDIA)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here