Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất Qũy tiền tệ Quốc tế Gita Gopinath cảnh báo nguy cơ GDP toàn cầu sẽ giảm sút 7%*

0
41
Ảnh minh họa

WASHINGTON, ngày 11 tháng 12 (Reuters) – Quan chức số 2 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng sự phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu và sự thay đổi rõ rệt trong nền móng thương mại song phương có thể dẫn đến một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” do xung đột ở Ukraine và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội Kinh tế Quốc tế tại Medellin, Colombia, vào thứ Hai, Phó tổng giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath đã cảnh báo rằng nếu nền kinh tế thế giới phân mảnh thành hai khối, phía Tây do Hoa Kỳ và châu Âu lãnh đạo, và phía Đông do Trung Quốc cùng Nga dẫn đầu, thì tổn thất có thể lên tới mức từ 2.5% đến 7% GDP toàn cầu.

Bà Gopinath phát biểu: “Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia có xu hướng đồng loạt rút lui khỏi sự toàn cầu hoá (xu hướng rút lui trên diện rộng khỏi sự toàn cầu hóa), nhưng những ranh giới vô hình ngày càng rõ nét trong hoàn cảnh sự phân mảnh địa kinh tế đang dần trở thành hiện thực. Nếu sự phân mảnh tiếp tục diễn tiến, chúng ta có thể rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

Tác động của đại dịch COVID-19, làm cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng của việc Nga xâm lược Ukraine, khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt, đã khiến các chính phủ chuyển đổi trọng tâm, tập trung bảo vệ bản thân bằng cách sản xuất nhiều hơn trong nước hoặc “kết bạn” với các quốc gia mà họ có mối quan hệ ổn định hơn.

Sau nhiều năm căng thẳng thương mại gia tăng và thuế quan tăng cao, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, thay vào đó, Mexico đang đảm nhận vai trò này. Thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm xuống 13% trong nửa đầu năm 2023 từ mức 22% vào năm 2018.

Khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại đã được áp dụng trên phạm vi toàn cầu trong năm ngoái – gần gấp ba lần số lượng được áp dụng vào năm 2019.

Sự phân mảnh như vậy tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, có thể nặng nề hơn cả khả năng phục hồi và an ninh kinh tế trong nước – bà Gopinath cho biết.

Bà nói thêm: “Nếu không được quản lý hợp lý, những tổn thất gây ra có thể lớn hơn cả các tác động tích cực, và có khả năng dẫn đến sự đảo ngược những nỗ lực gần ba thập kỷ nhằm gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hội nhập và phát triển, mà nhờ đó đã giúp cho hàng tỷ người thoát nghèo”.

Bà Gopinath lưu ý rằng sự phân mảnh toàn cầu sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu. Bà kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp mang tính “thực tế” để bảo vệ lợi thế thương mại tự do đến mức cao nhất.

Bà cho biết, một thỏa thuận “hành lang xanh” có thể đảm bảo dòng chảy quốc tế của các loại khoáng sản đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, đồng thời, thỏa thuận tương tự đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và vật tư y tế có thể đảm bảo khả năng vận chuyển xuyên biên giới tối thiểu trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn.

Bà Gopinath phát biểu: “Những thỏa thuận như vậy sẽ đảm bảo các mục tiêu toàn cầu là ngăn chặn sự tàn phá của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thảm họa nhân đạo liên quan đến đại dịch”.

Bà cho biết mọi biện pháp hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia nên được thu hẹp, và các quốc gia nên xem xét sử dụng nguồn cung từ các khu vực ít rủi ro hơn trước khi quyết định tự sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với các công nghệ phổ biến như chất bán dẫn./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here