Phát hành SDR mới: Phải chăng IMF gặp khó trong việc hỗ trợ các nước nghèo?

0
49
Ngày 30/11/2015, IMF tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế hiện bao gồm USD, Euro, Yen và bảng Anh, và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10. (Nguồn: SMCP)

Ngay từ đầu năm mới 2021, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã có tuyên bố rằng, thể chế tài chính này cần thêm nhiều nguồn tài chính để hỗ trợ các nước ngập trong nợ nần, viện dẫn triển vọng kinh tế toàn cầu khó đoán định và khoảng cách gia tăng giữa các nước giàu và nghèo.

Do đó, bà Georgieva cho rằng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là công cụ giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn quỹ của tổ chức này. Theo người đứng đầu IMF, việc thực hiện đợt phân bổ mới SDR sẽ cho phép thêm nhiều nguồn quỹ được huy động để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy các hành động tiến tới nền kinh tế số và Xanh.

Mỹ – nước đóng góp tài chính lớn nhất của IMF, lâu nay vẫn ngăn cản thực hiện phân bổ mới SDR – một động thái gần giống với việc cho phép ngân hàng trung ương in tiền, bởi theo quy định, IMF phân bổ SDR cho các quốc gia thành viên tương ứng với phần đóng góp của quốc gia đó.

Tuy nhiên, bà Georgieva cho biết trong thời gian gần đây, IMF đã dần tăng tài trợ cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, trong đó khoản tiền tài trợ này được huy động thông qua khoản đóng góp 20 tỷ USD của các nước thành viên trong SDR hiện thời. Bà cho rằng SDR sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, song công tác nguồn gây quỹ tiếp theo là cần thiết để mở rộng năng lực hỗ trợ các nước.

Trên thực tế, việc thực hiện phân bổ SDR chưa bao giờ được đưa ra thảo luận chính thức giữa các nước thành viên IMF. Bà cho biết một số nước thành viên đang tiếp tục thảo luận về SDR theo hướng khả thi thực hiện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường cung cấp tín dụng khẩn cấp cho các chính phủ có khả năng thanh toán và giúp các chính phủ vỡ nợ lấy lại tín nhiệm. Trong thời gian đại dịch, IMF đã giải ngân khoảng 107 tỷ USD cho các quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình, những nước đối mặt với thách thức kép về ngân sách do tăng trưởng bị tác động mạnh và nhu cầu chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và vắc-xin.

Các nước cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa, đặc biệt là đối với các nước nghèo nhất. Vì vậy, IMF dự kiến ngày 5/4 sẽ chuẩn bị thêm sức mạnh tài chính bằng việc phát hành “Quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) mới trị giá 650 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, IMF đang làm điều đúng đắn, nhưng với công cụ không phù hợp.

SDR thường được mô tả là tài sản hoặc tiền dự trữ, nhưng công cụ này thực sự là một khoản thấu chi khẩn cấp. Một quốc gia nắm giữ SDR có thể đổi nó sang đồng USD hoặc đồng tiền mạnh khác với tỷ giá hối đoái cố định và chỉ phải trả lãi suất thấp, hiện tại là 0,05%, đối với khoản vay này. Các nước nhận các khoản hỗ trợ không có thời hạn phải trả khoản nợ này. Tiền mặt được huy động bởi các thành viên khác, những nước mà IMF có thể buộc tham gia vào việc trao đổi này (một quyền hạn mà IMF sử dụng lần gần nhất vào năm 1987).

Sự hấp dẫn của phát hành SDR mới là việc này tương đối dễ dàng được thực hiện. Các hạn mức tín dụng mà SDR cung cấp là vô điều kiện, giúp tránh được các cuộc đàm phán tốn thời gian trước khi IMF có thể cho vay. Mọi nước đều được nhận SDR, vì vậy các quốc gia và chế độ tiếp nhận không có lý do gì để lo sợ các điều kiện có thể đi kèm khoản vay từ IMF. Và bởi vì các thành viên IMF đều tôn trọng SDR, tức là nỗ lực thanh toán khoản vay, việc phát hành chúng không làm cạn kiệt nguồn lực các chương trình của IMF.

Trở ngại chính trị thường là sự đồng ý của Chính phủ Mỹ bởi nước này vốn có đủ số phiếu để phủ quyết một đợt phát hành mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã đồng ý và đề xuất phát hành mới lần này với quy mô đủ nhỏ để tránh được việc phải bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội Mỹ.

Dù vậy, cần hiểu rõ SDR là một công cụ tương đối không rõ ràng, che khuất các chuyển nhượng cơ bản mà SDR làm cho có thể thực hiện được. Trong khi những người nắm giữ trái phiếu đòi lãi suất tương ứng với rủi ro, SDR tính với người vay một mức lãi suất cố định và thấp một cách giả tạo. Cơ chế này còn có thể trở nên phức tạp hơn nếu các nước giàu đồng ý cho những nước nghèo vay các SDR mới của mình, thực tế là cho vay quyền vay USD.

Tính phổ quát của bất kỳ đợt phát hành nào có nghĩa là các chế độ xấu sẽ được hưởng lợi, trừ khi các lệnh trừng phạt ngăn không cho các chế độ này chuyển đổi SDR.

Do đó, rào chắn đối với việc phát hành SDR trở nên ngày càng cao. Mùa Xuân năm 2020, khi một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng có khả năng xảy ra, rào chắn đó đã được dỡ bỏ nhưng Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump phản đối ý tưởng này.

Ngày nay, tình hình kinh tế và tài chính đã ổn định hơn. Việc IMF có thể cung cấp sự trợ có mục tiêu hơn sẽ là động thái đáng hoan nghênh. IMF có thể viết lại các quy định về điều kiện cho vay trong các chương trình hiện có của mình. IMF cũng có thể thành lập một quỹ cứu trợ dành riêng cho các nhu cầu liên quan đến đại dịch như chăm sóc sức khỏe và mua vaccine với mục đích giảm bớt sự phân biệt đối với việc vay nợ từ quỹ này. Các nước giàu có thể cung cấp thêm viện trợ.

Tuy nhiên, những cơ chế này có nhiều khả năng sẽ gây ra bất đồng giữa các quốc gia liên quan và giữa các chính phủ với người dân của họ. Do đó, việc phát hành SDR là một giải pháp kỹ thuật, có thể trở thành kênh hỗ trợ chính của IMF đối với nhiều nước nghèo trong cuộc khủng hoảng này. Có SDR vẫn tốt hơn là không có biện pháp nào, nhưng điều đó cho thấy IMF và thế giới giàu có đã không tìm ra cách nào tốt hơn để tăng cường hỗ trợ cho các nước nghèo chiến đấu chống lại đại dịch.

Đình Thư

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here