Trước tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ áp mức thuế 10% lên tổng giá trị 300 tỉ USD hàng Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/9/2019. Trung Quốc trả đũa bằng cách để cho tỷ giá đồng NDT/USD trượt xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua và ngừng mua nông sản của Mỹ.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: liệu có dấu hiệu kết thúc cuộc chiến này không? Sau 18 tháng leo thang căng thẳng, có bên nào chiến thắng không và liệu có nhân nhượng nào bù đắp nổi những thiệt hại kinh tế mà cả hai bên đã phải gánh chịu?
Thiệt hại cho Trung Quốc
Trước tiên, ngày càng thấy rõ cuộc chiến thương mại đang làm tổn hại cho kinh tế của cả hai nước. Không bên nào bước ra khỏi cuộc chiến mà không có thương tích. 18 tháng vừa qua không cho thấy rõ bên nào chiến thắng, tức là bên nào chịu thiệt hại ít hơn và có thể trụ được lâu hơn.
Nhìn vào nền kinh tế Trung Quốc, trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, nước này đã phải đối mặt với hàng loạt các thách thức, trước hết là làm thể nào để chuyển đổi từ một nước phụ thuộc vào gia công hàng giá rẻ thành một nước sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.
Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại xuống mức thấp nhất 6,2% trong 27 năm. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty từ Mỹ và các nước khác đang tìm kiếm những điểm đến mới cho đầu vào, sản xuất và phân phối ở các nơi khác ngoài Trung Quốc.
Tất nhiên, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn bảo đảm cho nước này nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, vì thế sự giảm tốc hiện nay không thể gọi là khủng hoảng. Và việc quay lưng lại với Trung Quốc, kiềm chế nước này bắt đầu từ trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại, đã bùng nổ bởi các vấn đề về tăng giá, đánh cắp sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác.
Không hẳn là Mỹ được
Vấn đề của Mỹ là người dân Mỹ ngày càng cảm thấy bị tác động bởi chiến tranh thương mại, rõ nhất là những người nông dân, mà nhiều trong số đó vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng Thống Trump và bắt đầu mệt mỏi vì những hy sinh dành cho lập trường không khoan nhượng của ông. Với đòn trả đũa mà Trung Quốc dọa sẽ đáp trả, có lẽ sự quyết tâm của những người nông dân sẽ bị thử thách mạnh hơn.
Để giữ mặt trận nông nghiệp, chính quyền của Tổng Thống Trump đã bơm hàng tỷ USD trợ cấp cho những người bị tác động bởi chính sách thương mại. Nhưng cách tiếp cận này cũng phải trả giá về chính trị với việc ngày càng nhiều những người bảo thủ về chính sách tài khóa phàn nàn về giá cả.
Trên phạm vi rộng hơn, các nghiên cứu gần đây cho thấy tuyên bố của Tổng Thống Trump về việc công ty Trung Quốc phải trả thuế là không chính xác, mà thực tế, rất nhiều chi phí đang bị chuyển sang cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ, và thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trước đe dọa mới nhất của Trump.
Nhìn chung, kinh tế Mỹ vẫn đang tốt, việc làm tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng dù chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức 2,1%. Tuy nhiên, Trung Quốc có một thế chiến lược có thể tạo ra một sự khác biệt căn bản: Trung Quốc có thể chờ tới khi Trump rời khỏi ghế Tổng thống.
Nếu cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Trump thể hiện sự đồng thuận giữa hai đảng, Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép cho Trung Quốc về dài hạn. Chính sách kiềm chế trong thời Chiến tranh lạnh là một ví dụ cổ điển về một sự đồng thuận được duy trì qua nhiều chính quyền.
Tuy nhiên, do việc áp thuế gắn với tính cách cá nhân của ông Trump, vì thế, Trung Quốc có thể chịu đựng và chờ đợi đến đời Tổng thống mới. Nếu Đảng Dân chủ thắng trong bầu cử 2020, Tổng thống mới chắc chắn sẽ duy trì chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc so với trước thời Trump, nhưng chắc sẽ không đi theo hướng áp đặt thuế cao theo kiểu trừng phạt, và về mặt nào đó, khi đó, vị thế đàm phán của Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại bởi nền chính trị phân cực.
Nói cách khác: chưa có dấu hiệu kết thúc cuộc chiến
Trung Quốc có thể sẽ là phải chịu thiệt nhiều nhất trong căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, vị thế đàm phán của Mỹ lại mong manh hơn về mặt chính trị. Trung Quốc đã tuyên bố chắc chắn rằng việc lùi bước trước áp lực từ phía Mỹ là không thể chấp nhận được.
Nhiều nghiên cứu về các cuộc chiến tranh cho thấy các bên sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi ngã ngũ ai sẽ là người chiến thắng. Điều này chắc chắn đúng cho cả các cuộc chiến thương mại.
Khi mà chưa phân định rõ kẻ thắng người thua, chúng ta chắc chắn chưa thể thấy hồi kết của cuộc chiến này.
(ĐSQVN tại Hoa Kỳ)