Nỗi lo trước mắt và mối quan tâm lâu dài của kinh tế Trung Quốc

0
81
Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây của kinh tế Trung Quốc vừa có nguyên nhân mang tính chu kỳ, vừa có nguyên nhân mang tính kết cấu sâu sắc. (Nguồn: THX)
Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây của kinh tế Trung Quốc vừa có nguyên nhân mang tính chu kỳ, vừa có nguyên nhân mang tính kết cấu sâu sắc. (Nguồn: THX)

Có thể nói 2018 là một năm đầy sóng gió đối với kinh tế Trung Quốc. Xung đột thương mại Trung-Mỹ trong thời gian chưa đến một năm đã trải qua tiến trình phức tạp, từ bùng phát đến đàm phán, tái đàm phán, mang lại nhiều bất trắc lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của hai nước Trung-Mỹ trong năm nay cũng như các năm tiếp theo. Hơn nữa, những khiếm khuyết và lỗ hổng của hệ thống thương mại toàn cầu hiện có được bộc lộ trong cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ cũng khiến toàn bộ kết cấu quản trị toàn cầu hiện có một lần nữa đối diện với thách thức và sự thay đổi mới.

Trước mắt là tác động từ xung đột thương mại

Vấn đề làm cho các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm hơn là tác động sâu rộng đối với thị trường tài chính và hệ thống tài chính toàn cầu từ cuộc xung đột thương mại dường như là diễn biến quan hệ quốc tế ở tần suất thấp và lâu dài này. Một mặt, xung đột thương mại trực tiếp mang lại tính không xác định ở mức độ cao đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như toàn cầu. Mặt khác, việc tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu chậm lại cũng đặt ra những vấn đề mới đối với một loạt chính sách kinh tế mà tiêu biểu là giảm thuế và gia tăng rào cản thương mại được Donald Trump thực hiện kể từ khi nhậm chức tổng thống, đồng thời gây nên sự xáo trộn nghiêm trọng đối với bước đi tiếp tục tăng lãi suất của Ngân hàng dự trữ liên bang (FED).

Đối với kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh môi trường thương mại đột ngột xấu đi vào năm 2018, chính sách kinh tế năm 2018 với trọng điểm là ngăn chặn rủi ro tài chính mang tính hệ thống được xác định tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương vào cuối năm 2017 đã có sự xung đột với nhau, không thể tránh được hiệu ứng chồng lặp phức tạp nảy sinh trong quá trình vận hành kinh tế năm 2018, mang lại những vấn đề mới và thách thức mới cho việc điều chỉnh chính sách kinh tế năm 2018. Việc thực hiện chính sách kinh tế trước đó với mục đích thông qua cắt giảm đòn bẩy vĩ mô, giám sát chặt chẽ tài chính để làm tan bong bóng tài sản và hạ thấp nợ quốc gia cũng đối diện với sự xáo trộn và thách thức chưa từng có.

Phản ánh trực tiếp trên thị trường vốn và lĩnh vực tài chính là kể từ mùa Xuân năm 2018 đến nay, môi trường huy động vốn của doanh nghiệp xấu đi, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù xung đột thương mại chưa lập tức gây nên những tác động ngắn hạn đối với xuất khẩu và sản xuất của doanh nghiệp tư nhân, nhưng khó khăn trong huy động vốn đã bất ngờ khiến một số doanh nghiệp từng là ngôi sao trên thị trường lâm vào tình cảnh khó khăn.

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn là cùng với thị trường vốn biến động sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc đã dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động huy động vốn bằng hình thức thế chấp cổ phiếu. Thế chấp cổ phiếu là một sự bổ sung về hình thức huy động vốn quan trọng của rất nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn huy động vốn trong hệ thống tài chính truyền thống, cung cấp kênh huy động vốn khác quan trọng cho doanh nghiệp tư nhân. Việc bùng nổ huy động vốn bằng hình thức thế chấp cổ phiếu đã trực tiếp làm cho vấn đề huy động vốn khó, huy động vốn với lãi suất cao của doanh nghiệp tư nhân nghiêm trọng hơn, đồng thời ảnh hưởng mạnh đến môi trường kinh doanh, lòng nhiệt tình kinh doanh và lòng tin của doanh nghiệp tư nhân.

Đối diện với áp lực bên trong và bên ngoài, giới hoạch định chính sách trong nước đã đưa ra nhiều ý tưởng về mối quan hệ giữa làm thế nào ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm thế nào cân bằng xung đột thương mại và kiểm soát thị trường bất động sản, ổn định tỷ lệ đòn bẩy.

Vấn đề và thách thức trong trung hạn

Một cách cụ thể, toàn xã hội, đặc biệt là ngành tài chính đã đề xuất nhiều ý kiến bảo lưu liên quan đến quy định mới về quản lý tài sản được ban hành vào mùa Xuân năm 2018. Trong quá trình ban hành quy định mới về quản lý tài sản, các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tiêu biểu đã bày tỏ sự lo lắng về những tác động của quy định mới về quản lý tài sản có thể gây nên đối với thị trường vốn, ngành tài chính, thậm chí là tăng trưởng kinh tế, đồng thời phản đối và ngăn cản việc ban hành quy định mới về quản lý tài sản. Cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của xung đột thương mại đối với lòng tin thị trường, sau khi thị trường vốn suy yếu, luồng ý kiến này đổ toàn bộ trách nhiệm của việc thị trường đi xuống và kinh tế tăng trưởng chậm lại cho việc ngăn chặn rủi ro tài chính mang tính hệ thống, cho rằng nên dừng lại, thậm chí loại bỏ quy định mới về quản lý tài sản.

Sự quan tâm này đối với tăng trưởng kinh tế ngắn hạn đáng được thấu hiểu và thông cảm, nhưng phải đặt quan điểm này trong hoàn cảnh lịch sử kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ cao trong 40 năm qua để xem xét trong môi trường cơ chế giá tài sản và mức độ nợ quốc gia đang dần mất kiểm soát.

Mặc dù rủi ro của kinh tế Trung Quốc là tốc độ tăng trưởng chậm lại và khó khăn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng xét về góc độ dài hạn, vấn đề trọng tâm trong phát triển của kinh tế Trung Quốc vẫn là không ngừng nâng cao mức năng suất lao động.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây của kinh tế Trung Quốc vừa có nguyên nhân mang tính chu kỳ, vừa có nguyên nhân mang tính kết cấu sâu sắc. Giá thành lao động tăng cao, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài và lợi tức đầu tư của ngành bất động sản dần giảm xuống, cùng với thực tế chưa hoàn toàn hình thành được tầng lớp trung lưu có thực lực mua sắm mạnh, dẫn đến xuất khẩu ngoại thương, thúc đẩy đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng – ba đầu tàu thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển trong 30, 40 năm qua đã xuất hiện những trục trặc ở các mức độ khác nhau. Do đó đánh giá như thế nào về sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng có lẽ không phải là vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong phát triển kinh tế giai đoạn này của Trung Quốc.

Xét về trung hạn, mô hình tăng trưởng kinh tế theo định hướng tập trung vào đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng trong mười mấy năm qua cũng dần đối diện với ngày càng nhiều vấn đề và thách thức. Vai trò thúc đẩy của chính sách tài chính tiền tệ tích cực đối với tăng trưởng kinh tế cận biên dần yếu đi, hơn nữa vấn đề sản xuất dư thừa do đầu tư tập trung và thiếu hài hòa gây nên, sự chuyển biến xấu một cách nhanh chóng của vấn đề nợ do lợi tức đầu tư dần suy giảm và giá thành huy động vốn xã hội tăng lên dẫn tới, và các vấn đề như phân phối của cải không đồng đều do giá nhà đất liên tục tăng cao, phân phối tài nguyên không minh bạch, tâm lý bất mãn trong xã hội gia tăng, kỳ vọng bong bóng phình to…, tất cả những vấn đề trên đều mang lại tính không xác định lớn cho việc nền kinh tế Trung Quốc có thể chuyển đổi mô hình phát triển thành công, có thể thực hiện tăng trưởng bền vững chất lượng cao trong trung hạn hay không?

Trung Quốc sẽ lặp lại kỳ tích tăng trưởng?

Nhìn xa hơn, cùng với sự già hóa của kết cấu dân số, thu nhập bình quân đầu người và mức sống người dân Trung Quốc tăng lên, lực lượng lao động giá rẻ với tư cách là động lực thúc đẩy quan trọng tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế Trung Quốc trước đó sẽ không thể hỗ trợ Trung Quốc lặp lại kỳ tích tăng trưởng kinh tế như 30, 40 năm qua. Hơn nữa, cùng với dân số già hóa, nguồn cung lực lượng lao động sẽ từng bước bị thu hẹp, áp lực trợ cấp toàn xã hội sẽ tăng dần, tiêu biểu cho vấn đề này là Nhật Bản và các nước phát triển châu Âu, hiện tượng lao động cận biên sụt giảm thường thấy ở các nước phát triển cũng rất đáng để Trung Quốc quan tâm và ngăn chặn.

Tác giả cho rằng sở dĩ các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tập trung nhấn mạnh việc phòng ngừa rủi ro mang tính hệ thống trong những năm qua là do nợ quốc gia đã tăng nhanh từ mức 160% GDP trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 lên mức 260% GDP vào năm 2016, chưa đầy 10 năm đã tăng thêm 100%, thể hiện rõ xu hướng tăng lên với tốc độ cao. Mặc dù so với các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ, mức nợ hiện nay của Trung Quốc về tổng thể vẫn nằm trong ngưỡng có thể kiểm soát, nhưng tốc độ tăng trưởng nợ của Trung Quốc khiến cho mọi người quan ngại. Nhiều nghiên cứu so sánh quốc tế về tăng trưởng kinh tế và rủi ro tài chính đã chỉ rõ tốc độ tăng trưởng tín dụng và nợ của một quốc gia luôn là chỉ tiêu quan trọng đầu tiên của việc bùng phát khủng hoảng kinh tế tài chính.

Vấn đề càng khiến mọi người lo ngại hơn là sự tăng trưởng nhanh của nợ ở mức độ nhất định tương ứng với sự kích thích của chính sách tiền tệ để cải tạo các khu nhà ở xuống cấp, giá nhà ở nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện hiện tượng tăng mạnh và nhanh trong 2, 3 năm qua, thậm chí đã xuất hiện hiện tượng kinh ngạc là mặc dù dân số đi làm ăn ở bên ngoài rất nhiều, nhưng giá nhà ở thành phố lại tăng gấp đôi.

Vấn đề cần phải chỉ rõ là bong bóng tài sản luôn là trò chơi kỳ vọng tự thực hiện dựa trên giả thiết giá tài sản tăng liên tục. Một khi ảo tưởng kỳ vọng giá nhà tăng liên tục hoặc chỉ tăng không giảm tan vỡ, giá tài sản rất có thể chuyển sang thay đổi hoặc điều chỉnh theo kiểu rơi thẳng đứng hoặc liên tục sụt giảm trong một thời gian dài do đã vượt quá giá trị cơ bản và sức mua của thị trường trong một thời gian dài trước đó. Hơn nữa nếu giá tài sản thực sự điều chỉnh thì tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô sẽ chuyển biến xấu hơn do giá tài sản sụt giảm và căng thẳng trong thanh khoản bằng tiền mặt.

Trong thời gian gần đây, một số hiện tượng mà tiêu biểu là doanh số bán xe khách chậm lại cho thấy tốc độ tiêu dùng của hộ gia đình đang từng bước suy giảm. Khía cạnh này có thể có liên quan đến hiệu ứng tài sản suy giảm do thị trường vốn suy yếu và cơn sốt tăng giá nhà lắng xuống gây nên, tuy nhiên bên cạnh đó cũng không thể loại trừ nguyên nhân giá nhà liên tục tăng cao và tài chính tiêu dùng tăng mạnh đều vượt quá năng lực tiêu dùng của hộ gia đình một cách nghiêm trọng trong thời gian trước đó. Mặc dù tổng mức nợ của cả nước trong 2 năm qua không tăng lên rõ nét, nhưng tỷ lệ đòn bẩy của hộ gia đình đã tăng thêm 10 điểm phần trăm trong 2-3 năm qua, sự tăng lên với tốc độ cao của nó tương tự với tốc độ tăng nhanh của tỷ lệ đòn bẩy cả nước vào thời điểm đó đều nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tài chính quốc tế mà tiêu biểu là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS). Thời gian tới, do một bộ phận hợp thành quan trọng trong sự chuyển đổi mô hình kinh tế Trung Quốc chính là từng bước nâng cao vai trò đóng góp của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế, do đó khi tăng trưởng tiêu dùng chậm lại cần phải quan tâm đến tác động tiềm ẩn có thể xảy ra và rủi ro có thể gây nên của bong bóng tài sản và mức nợ cao đối với sự phát triển chất lượng cao của kinh tế Trung Quốc trong trung hạn.

Hơn nữa cùng với việc Trung Quốc từng bước tiến vào xã hội già hóa dân số, những nền tảng an sinh xã hội như dưỡng lão, y tế… đều cần sự đầu tư của nguồn tài chính bổ sung. Tuy nhiên, kinh nghiệm về quy luật phát triển kinh tế của tất cả các nước phát triển cho thấy cùng với thu nhập bình quân đầu người từng bước nâng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ từng bước chậm lại. Giữa sự tăng trưởng chậm lại của thu nhập ngân sách do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại gây nên và chi ngân sách ngày càng gia tăng sẽ hình thành mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng. Đây là mâu thuẫn ngân sách mà rất nhiều quốc gia phát triển hiện nay đang phải đối mặt, cùng với kỹ thuật chữa bệnh toàn cầu được cải thiện và tuổi thọ tăng lên, có khả năng tình trạng này sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Một bài học quý giá rút ra từ những vấn đề mà các nước phát triển hiện nay đang phải đối mặt chính là phải kịp thời xem trọng vấn đề này và có sự chuẩn bị cho phù hợp. Nếu tiếp tục để cho mức nợ của khu vực công và tư nhân tiếp tục tăng trong trung hạn, rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể kịp thời chuẩn bị tốt cho việc già hóa dân số sắp xảy ra.

Trung Quốc có câu nói nổi tiếng, người không nghĩ xa ắt phải buồn gần, đảo ngược lại cũng có ý nghĩa tương tự. Người không buồn gần ắt phải có suy nghĩ sâu xa. Nền kinh tế của bất cứ một quốc gia nào cũng đều được phát triển trong vô số chu kỳ và biến động lớn, nhỏ chồng chéo. Nếu có bất kỳ sự chắc chắn nào đó trong phát triển kinh tế, e rằng đó chính là sự phát triển kinh tế nhất định sẽ biến động liên tục và vượt qua các chu kỳ. Về việc nhà hoạch định chính sách làm như thế nào để cân bằng mục tiêu chính sách ngắn hạn và dài hạn, cân bằng các ưu tiên giữa tăng trưởng và rủi ro, nắm chắc tốc độ và cường độ trong quá trình thực hiện chính sách, đây có thể là ưu tiên quan trọng nhất của việc xây dựng chính sách kinh tế và nghiên cứu khoa học kinh tế, điều này cũng lý giải tại sao hiện nay, thậm chí là mãi mãi, khoa học kinh tế không phải là một lý do khoa học theo nghĩa nghiêm túc.

(theo FTchinese.com)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here