Home Sự kiện Tin tức & Sự kiện Nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19, đầu tư tại Malaysia...

Nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19, đầu tư tại Malaysia tăng mạnh

0
481

“Khát vọng đầu tư quốc gia” (NIA)-khung chính sách tăng trưởng hướng tới tương lai, đã được Chính phủ Malaysia thông qua trong giai đoạn thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19, làm nền tảng cho những thay đổi về chính sách đầu tư.

trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, Malaysia đã phê duyệt 3.037 dự án với tổng giá trị đầu tư là 177,8 tỷ RM (42,3 tỷ USD), tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại (MITI) Azmin Ali, mục tiêu của NIA là nhằm thu hút đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, qua đó, Malaysia có thể đào tạo nhân lực đáp ứng các nhu cầu của ngành này cũng như tạo ra những việc làm có thu nhập cao. Thu hút đầu tư chất lượng cao phù hợp với khát vọng của Malaysia trở thành một nước có thu nhập cao, một nền kinh tế cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài.

Số liệu mới nhất do Cục Phát triển đầu tư Malaysia (MIDA) công bố cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, Malaysia đã phê duyệt 3.037 dự án với tổng giá trị đầu tư là 177,8 tỷ RM (42,3 tỷ USD), tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là khoảng thời gian dịch bệnh gia tăng mạnh ở Malaysia, đỉnh điểm vào ngày 26/8 phát hiện 24.599 ca nhiễm COVID-19 mới.

Theo MIDA, nếu chia theo lĩnh vực, ngành chế tạo thu hút đầu tư nhiều nhất với 522 dự án, được rót tổng cộng 103,9 tỷ RM, chiếm 58,4%, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái (64,8 tỷ RM). Trong ngành chế tạo, công nghiệp điện tử thu hút nhiều đầu tư nhất với 64,3 tỷ RM, cao hơn nhiều so với công nghiệp sản xuất sản phẩm hợp kim đứng thứ hai với 14 tỷ RM.

Tiếp đó là lĩnh vực dịch vụ với 2.473 dự án, nhưng chỉ thu hút được 57,8 tỷ RM, chiếm 32,5%. Trong đó, 81,1% vốn đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, hay 46,9 tỷ RM, đến từ các nhà đầu tư trong nước và bất động sản vẫn là ngành được đầu tư nhiều nhất với 20,1 tỷ RM.

Đứng cuối cùng là lĩnh vực trồng trọt và tiêu dùng, đạt 16,1 tỷ RM, tuy chỉ chiếm 9,1%, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái lại tăng tới 8,3 lần. Vốn rót vào lĩnh vực này chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước với 12,6 tỷ RM, chiếm 78,3%.

Nếu chia theo phạm vi trong và ngoài nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị đầu tư Malaysia đạt được trong giai đoạn trên với 106,1 tỷ RM, chiếm gần 60%. Singapore, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản và Hà Lan là năm nguồn FDI lớn nhất của Malaysia, đóng góp 85,3% hay 90,6 tỷ RM. FDI vào Malaysia chủ yếu rót vào lĩnh vực sản xuất. Đầu tư trong nước đạt 71,7 tỷ RM, tương đương 40,3%, chủ yếu rót vào ngành dịch vụ, trồng trọt và tiêu dùng.

Các địa phương thu hút đầu tư nhiều nhất trong giai đoạn từ tháng 1-9 năm nay là Kedah, Sarawak, Kuala Lumpur, Selangor và Pahang với tổng giá trị thu hút đầu tư đạt 134,8 tỷ RM, chiếm 75,8%.

Chính phủ Malaysia đã đặt ra những mục tiêu cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và cần có các biện pháp thúc đẩy phục hồi nhanh chóng.

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, Malaysia vẫn là điểm đến lựa chọn của các nhà đầu tư và lập kỷ lục với tổng số tiền đầu tư 164 tỷ ringgit được thông qua cho 4.599 dự án trong các lĩnh vực chế tạo, dịch vụ và các ngành cơ bản. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong quý I/2020 ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á thời điểm này chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 3,6% trong quý trước đó. Các biện pháp phong tỏa khiến các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và người dân ở nhà, đã làm nền kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 63 tỷ ringgit (khoảng 14,5 tỷ USD).

Theo chiến lược đầu tư mới, trong tương lai, Malaysia sẽ áp dụng một cách tiếp cận toàn diện để phục hồi hệ sinh thái đầu tư và đáp ứng đầy đủ với các xu hướng mới nổi, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng Azmin Ali cho rằng Malaysia cần phải tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tài năng, cơ sở hạ tầng đến cơ chế pháp lý, quy định, thủ tục và thể chế liên quan tới đầu tư. Bộ trưởng Azmin Ali cho biết, trên cơ sở NIA, tất cả các văn bản và sáng kiến chính sách quốc gia liên quan đến đầu tư đều có sự gắn kết và liên quan chặt chẽ, bao gồm cả Quy hoạch tổng thể công nghiệp lần thứ 4 và Kế hoạch Malaysia lần thứ 12.

Để đạt mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế và liên doanh trong các ngành phức tạp hơn, Bộ trưởng Azmin Ali khuyến nghị Malaysia cần tập trung thúc đẩy chế độ ưu đãi và thuế mạnh mẽ, năng động; xây dựng đội ngũ nhân tài cùng sự hợp tác chặt chẽ với các ngành liên quan, cải thiện khuôn khổ cấp phép và quy định, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hải quan. NIA cũng xác định các chiến lược xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng trong thu hút các khoản đầu tư có chất lượng.

Hà Ngọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here