Tờ báo The Wall Street ngày 11/10 có bài viết về đề xuất tính cả yếu tố tài sản mà một quốc gia sở hữu trong cách tính tỷ lệ nợ công/GDP, với một số nội dung chính như sau:
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế – Ngân hàng Thế giới ở In-đô-nê-xi-a, Giám đốc Vụ Nghiên cứu chính sách Thuế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ông Vitor Gaspar cho rằng, phương pháp tính nợ công trên GDP hiện tại không phản ánh toàn bộ bức tranh của nền kinh tế do chưa tính đến tài sản mà chính phủ đó đang nắm giữ. Ông nói: “Không chỉ là những gì bạn đang phải trả và cần phải cân nhắc cả những gì bạn đang sở hữu”.
Các phương pháp tính nợ công hiện chưa được phân tích sâu và nhiều quốc gia không đưa các tài sản quốc gia vào trong phần đánh giá nợ công của một quốc gia. Theo dữ liệu IMF mới công bố tại In-đô-nê-xi-a, hiện có 31 quốc gia có tỷ lệ nợ công trên GDP vượt quá 61%. Nếu đưa cả tài sản quốc gia vào các thành tố tính nợ công, bức tranh sẽ hoàn toàn khác. Ví dụ, Nhật Bản hiện đang có mức nợ công cao nhất thế giới với tỷ lệ nợ công/GDP trên 316%. Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ Nhật Bản được coi là một trong những trái phiếu an toàn nhất, không chỉ vì chính phủ nước này có thể in thêm đồng Yên để trả nợ mà vì tổng tài sản chính phủ Nhật Bản đang nắm giữ ước đạt 311% GDP. Như vậy, (tổng nợ công trừ tổng tài sản)/GDP của Nhật Bản có kết quả là -5%. Mỹ cũng đang sở hữu rất nhiều tài sản, ví dụ cổ phần và tài sản tại các tập đoàn tài chính như Fannie Mae và Freddie Mac, chưa kể đến tài nguyên thiên nhiên và các quỹ lương hưu. Nếu cộng các khoản này, tổng giá trị tài sản chính phủ Mỹ đang nắm giữ lên tới 175% GDP, và tỷ lệ (nợ công-tổng tài sản)/GDP chỉ là -17%.
Nếu cách tính này đưa ra một bức tranh tích cực hơn về tình trạng nợ công ở Mỹ hay Nhật Bản, thì điều này không hoàn toàn đúng với châu Âu. Theo cách tính mới, tỷ lệ nợ công/GDP của một số nước EU như sau: Bồ Đào Nha (-135% GDP), Anh (-125% GDP), Pháp và Áo (-40%). Ngược lại, các quốc gia như Na Uy, Nga, Ốt-xtrây-li-a, là các nước giàu tài nguyên thiên nhiên và có quỹ an sinh xã hội dồi dào, có tỷ lệ nợ công/GDP theo mức tính mới là +200%.
Cách tính mới này cũng giúp quốc gia đánh giá mức độ rủi ro của nền kinh tế: quỹ an sinh xã hội của Na Uy chịu rủi ro từ thị trường tài chính, Nga hứng chịu rủi ro từ giá dầu trong khi tổng tài sản của Mỹ chịu ảnh hưởng lớn từ giá nhà đất. Theo ông Gaspar, cách tính mới này giúp các quốc gia hiểu rõ hơn về mình, và không nên đặt quá nặng mục tiêu vào cân bằng ngân sách mà nên tính đến quản lý tài sản một cách tốt hơn. Hiện mới chỉ có 4 nước là Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Anh và U-ru-goay công bố báo cáo tài chính hợp nhất, tức là bao gồm cả tổng tài sản mà quốc gia đó đang nắm giữ. Các quốc gia khác cũng có dữ liệu, nhưng thường được đưa vào một báo cáo riêng.
Cuối cùng, phương pháp tính nợ công này cũng giúp đánh giá liệu một quốc gia có khả năng về ngân sách, hay còn được gọi là dư địa chính sách tài khoá, để đối mặt với tình hình khó khăn của nền kinh tế trong tương lai hay không.
Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến