Nhiều triển vọng đột phá trong hợp tác Thương mại công nghiệp Việt Nam – Ấn Độ

0
329

Ấn Độ hiện trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ.

Các đối tác hàng đầu

Xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đã có môi trường pháp lý thuận lợi khi Ấn Độ chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 10/2009 sau nhiều nỗ lực vận động của phía Việt Nam. Điều này đã góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Ấn Độ nơi có nhiều hàng rào bảo hộ cũng như thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 2,74 tỷ USD năm 2010 lên 5,4 tỷ USD năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 2,7 tỷ USD, tăng 8,8% và nhập khẩu đạt trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm 2015. Cán cân thương mại tiếp tục được thu hẹp theo hướng cân bằng hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về thời gian (Ấn Độ tính năm tài khóa từ ngày 1/4 và kết thúc vào 31/3 hàng năm), cũng như về phương pháp, giá thống kê, giao dịch qua nước thứ ba, cách thức phân loại hàng hóa…, hiện nay, số liệu thống kê giữa hai nước có sự chênh lệch lớn. Theo thống kê từ phía Ấn Độ, trong năm tài chính 2015 – 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,9 tỷ USD, trong đó, Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt  2,6 tỷ USD.

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực, từ hàng nông sản, nguyên liệu phục vụ sản xuất sang hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, cao su, hóa chất, cà phê, hạt tiêu, sợi… Hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và chăn nuôi trong nước với các mặt hàng chính hiện nay là hàng hải sản, máy móc thiết bị, tân dược, bông, sắt thép, thức ăn gia súc…

Về hợp tác dầu khí, hai Bên đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm thăm dò, chế biến dầu khí, hóa dầu và dịch vụ. Đặc biệt, nhiều hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí đã được Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) thực hiện thông qua ký kết các hợp đồng phân chia sản phẩm tại một số lô khai thác ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, ONGC và PVEP đã ký Biên bản ghi nhớ và đang tích cực triển khai hợp tác trong các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ ba. Bên cạnh đó, một số công ty khác của Ấn Độ như International Manpower Resources, Larsen & Turbo Ltd, Thermax Babcock & Wilcox, Ion Exchange, Godnej & Boyce… cũng bày tỏ mong muốn hợp tác trong việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật, quản lý & chuyên gia, thiết bị cho ngành công nghiệp dầu khí.

Trong lĩnh vực sản xuất điện, tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Tập đoàn Tata Power của Ấn Độ làm chủ đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 với công suất 2×600 MW tại tỉnh Sóc Trăng theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng trên 2 tỷ USD. Cuối năm 2015, Bộ Công Thương Việt Nam đã phê duyệt bản nghiên cứu tiền khả thi đẩy nhanh thời điểm vận hành thương mại của dự án vào năm 2021 và 2022. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Công ty TNHH Tata Motors đã ký với Công ty Cổ phần ô tô TMT hợp đồng hợp tác về việc phân phối chuyển giao công nghệ các sản phẩm xe thương mại của Tata Motors.

Chủ động tận dụng, khai thác tốt các ưu đãi của AIFTA

 Với vị trí của trung tâm trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam là đối tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung. Với dân số trên 1,2 tỷ dân, có sức mua lớn, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nền kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp với thị trường này, Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý và tận dụng được các vấn đề sau:

Việc Ấn Độ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ và sẽ không áp dụng đoạn 255 của Báo cáo Ban Công tác về Việt Nam gia nhập WTO sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Ấn Độ được đối xử một cách bình đẳng như các thành viên WTO khác. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ trong bối cảnh nước này hay sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, việc môi trường đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện sẽ có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ Ấn Độ trong thời gian tới. Ấn Độ có nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo, dược phẩm… – những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Ấn Độ (AIFTA), hai nước sẽ có thêm nhiều động lực hợp tác, không chỉ trong thương mại mà còn có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản…

Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tính chủ động; tận dụng, khai thác tốt các ưu đãi của AIFTA; xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp; chú trọng phát triển ngành hàng xuất khẩu phù hợp; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường Ấn Độ; tăng vai trò của hiệp hội, ngành hàng cũng như sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn không ngừng tiến triển và đạt được nhiều thành quả to lớn. Với đà phát triển như vậy, quan hệ kinh tế thương mại song phương trong tương lai chắc chắn sẽ có những bước đột phá quan trọng, xứng tầm với mối quan hệ đối tác chiến lược, đáp ứng mong mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here