Nhật Bản và Ngân hàng phát triển Hồi giáo hỗ trợ tài chính cho Bangladesh

0
163
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bản Thỏa thuận được ký hồi tuần trước giữa Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Quan hệ kinh tế Bangladesh, trong năm tài chính 2017-18, Nhật Bản sẽ cung cấp 1,59 tỷ USD vốn vay cho 6 dự án của Bangladesh, chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và sản xuất điện. Tuy nhiên, do Bangladesh đã trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức thấp nên lãi suất cho vay sẽ tăng và thời hạn trả nợ sẽ bị rút ngắn. Cụ thể, mức lãi suất cho vay mới là 0,7% và thời hạn trả nợ là 30 năm với 10 năm ân hạn. Trước đây, mức lãi suất chỉ là 0,01% và thời hạn trả nợ là 40 năm với 10 năm ân hạn. Tuy nhiên, mức lãi suất này của Nhật Bản vẫn thấp hơn so với WB và ADB. Bangladesh đã trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức thấp theo tiêu chí của WB vào năm 2014 khi thu nhập bình quân đầu người đạt 1.080 USD, cao hơn so mức chuẩn là 1.046 USD. Trong năm tài chính 2016-2017, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh đã vượt qua mức 1.600 USD.

Nhật Bản, nước tài trợ song phương lớn nhất của Bangladesh đã cung cấp mỗi năm hơn 1,5 tỷ USD vốn viện trợ phát triển, chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng của Bangladesh. JICA cam kết tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Bangladesh nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông và hệ thống cung cấp điện, đồng thời giúp nước này đối phó hiệu quả với thiên tai.

Cũng trong tuần này, Ngân hàng phát triển Hồi giáo (IDB) cho biết 1DB sẽ cung cấp vốn vay trị giá 33,2 triệu USD nhằm giúp Chính phủ Bangladesh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại khu vực Rangpur. Khoản vốn cho vay vay của IDB có mức lãi suất là 1,5%, thời hạn trả nợ là 25 năm với 7 năm ân hạn. Đây là khoản cho vay dành cho Dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn tại khu vực Rangpur với mục tiêu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua việc nâng cấp hệ thống tưới tiêu; phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kết nối nông dân với chuỗi giá trị; tạo thêm việc làm cho người dân tại khu vực. Rangpur từng là một trong những vùng nghèo đói nhất cả nước. Trong một vài thập niên gần đây, Rangpur đã có sự phát triển đáng kể nhờ những cải thiện về nông nghiệp và giao thông liên lạc. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu của người dân tại khu vực này.

(Nguồn: ĐSQ VN tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here