Nhận thức đúng về chủ nghĩa tiêu dùng ở Đông Nam Á

0
3977
ASEAN đang góp phần đưa văn hóa tiêu dùng của ASEAN tiệm cận với các nước ở Châu Âu hay các thị trường mới nổi.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mức sống của con người ngày càng tăng đã làm dấy lên những quan tâm về chủ nghĩa tiêu dùng-consumerism cũng như tác động của nó đối với sự bền vững của khu vực Đông Nam Á.

Kinh tế và môi trường

Chủ nghĩa tiêu dùng là việc mua hàng hóa và dịch vụ liên tục chứ không phải là những nhu cầu như thực phẩm, nước, quần áo và nơi ở, chủ nghĩa tiêu dùng gắn liền với những thay đổi về xu hướng mới, như xu hướng về thời trang. Chủ nghĩa tiêu dùng đã trở thành một lối sống ở nhiều quốc gia và gần như là một đặc trưng của các quốc gia phát triển.

ASEAN đang góp phần đưa văn hóa tiêu dùng của ASEAN tiệm cận với các nước ở Châu Âu hay các thị trường mới nổi.

Nền kinh tế ngày càng đi lên của ASEAN đang góp phần đưa văn hóa tiêu dùng của ASEAN tiệm cận với các nước ở Châu Âu hay các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Hàn Quốc, các nền kinh tế vốn đã có văn hóa tiêu dùng sôi động trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, ASEAN đã và đang phải đánh đổi một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ. Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng cao dẫn đến sự gia tăng về sản xuất, từ đó dẫn đến gia tăng ô nhiễm môi trường, chất thải nhựa, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu… Chủ nghĩa tiêu dùng cũng có thể là nguyên nhân tiềm tàng cho các vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn trong khu vực. Hiện nay, theo Liên hợp quốc, trên thế giới đã có khoảng hai tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì.

Nếu như dân số toàn cầu đạt 9,6 tỷ người vào năm 2050, Liên hợp quốc ước tính rằng cần phải có một nguồn cung tài nguyên khổng lồ (tương đương gần ba hành tinh) mới có thể duy trì cuộc sống hiện đại. Diễn đàn của tương lai, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Vương quốc Anh, rất lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế, các hệ sinh thái khởi nghiệp mới nổi trong khu vực. Tuy nhiên, Ariel Muller, Giám đốc điều hành của Diễn đàn Tương lai Châu Á Thái Bình Dương lại cảnh báo về những hậu quả khôn lường nếu như chủ nghĩa tiêu dùng không được kiểm soát trong khu vực.

“Do đó, tăng trưởng kinh tế cần được định hướng dựa trên các nguyên tắc thông minh nhằm đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của khu vực, không chỉ là lợi nhuận kinh tế ngắn hạn”, ông Mull Muller chia sẻ với ASEAN Post. Ông Mull Muller cho rằng, khi nghĩ về nền kinh tế toàn cầu, điều đầu tiên cần nghĩ tới làm làm sao để đảm bảo con người có thể phát triển tốt nhất trong những năm tới.

Theo báo cáo thường niên của Diễn đàn tương lai châu Á – Thái Bình Dương, thay đổi chủ nghĩa tiêu dùng ở châu Á, trong đó có ASEAN là một trong 7 vấn đề quan trọng dự kiến sẽ định hình cuộc sống của chúng ta trong những năm 2020 và thậm chí còn xa hơn nữa. Chìa khóa mà Diễn đàn tương lai Châu Á – Thái Bình Dương đang theo đuổi nhằm tạo ra một tương lai bền vững hơn là dự án “Circular Leap Asia”, với mục đích giúp các công ty cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm được sản xuất không có hoặc ít chất thải. Nhờ đó, con người giảm thiểu được những tác động lớn tới môi trường.

Cái giá của tăng trưởng

Hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt với một khủng hoảng về môi trường khi nhiều nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao với lượng chất thải nhựa tồi tệ nhất thế giới. Sự tăng trưởng kinh tế và sự ngày càng lớn mạnh của tầng lớp trung lưu cũng là tác nhân tạo ra ô nhiễm môi trường. Tổng GDP của khu vực ASEAN đã tăng hơn bốn lần trong hai thập kỷ qua từ 577 tỷ USD năm 1999 đến 2,8 nghìn tỷ USD năm 2017 và dự đoán, nếu được coi như một nền kinh tế, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 sau Mỹ, Trung Quốc, và Liên minh châu Âu (EU).

ASEAN là khu vực có lực lượng lao động trẻ và trình độ học vấn ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu của ASEAN ước tính chiếm 2/3 dân số vào năm 2030, một bước nhảy vọt lớn từ 29% vào năm 2010. Công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu McKinsey hy vọng, số lượng hộ gia đình trung lưu ở ASEAN sẽ đạt 120 triệu vào năm 2025, gần gấp đôi so với năm 2010. GDP bình quân đầu người trên khối ASEAN sẽ tăng gấp ba lần từ khoảng 3.000 USD năm 2010 lên hơn 9.000 USD vào năm 2030.

Như vậy, với tiêu dùng và sản xuất bền vững là một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra, tăng cường nhận thức rõ hơn về tác động tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng đối với môi trường là việc cần phải làm, đặc biệt là với thế hệ người tiêu dùng tiếp theo. Trẻ em cần được dạy về giá trị của các quyết định tiêu dùng của chúng và cách các quyết định này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, quốc gia, khu vực và thế giới như thế nào.

Lao động và việc làm

Bên cạnh vấn đề về chủ nghĩa tiêu dùng, vấn đề liên quan tới thị trường lao động cũng đang trở thành thách thức lớn đối với các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á.

Nhờ chuyển đổi kỹ thuật số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đến năm 2028, để sản xuất ra cùng một lượng hàng hóa như hiện nay, ASEAN có thể sử dụng ít hơn hiện tại 28 triệu công nhân. Dự đoán, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot sẽ thay đổi cục diện việc làm giữa 6 nền kinh tế lớn hơn trong ASEAN (ASEAN 6) vào năm 2028. Nông nghiệp sẽ bị tác động nặng nề nhất và sẽ có khoảng 6,6 triệu lao động dư thừa vào năm 2028. Nhu cầu về lao động nông nghiệp lành nghề và lao động có tay nghề thấp sẽ giảm mạnh do có thể bị thay thế bởi công nghệ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bi quan bởi tăng năng suất từ việc áp dụng công nghệ cũng sẽ làm giảm giá thành và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó sẽ tạo ra nhu cầu mới về nguồn lao động trong các lĩnh vực khác như bán buôn, bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải. Những công việc cũng yêu cầu người lao động cần phải có những kỹ năng về công nghệ.

Rõ ràng, khi thị trường lao động phát triển, các kỹ năng cần thiết cũng sẽ thay đổi. Nghiên cứu thị trường lao động ASEAN cho thấy, 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa, thiếu hoàn toàn các kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết cho các công việc mới, gần 30% trong số đó thiếu các kỹ năng tương tác mà các vị trí tuyển dụng trong tương lai yêu cầu, chẳng hạn như đàm phán, thuyết phục và kỹ năng dịch vụ khách hàng.

Để khắc phục những vấn đề này, các nước ASEAN 6 sẽ phải thực hiện những thay đổi chính sách lớn đối với hệ thống giáo dục của họ. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và công nhân cần phải làm việc tập thể để trang bị cho công nhân các công cụ và kỹ năng cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Phạm Hằng (theo ASEAN Post)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here