Home Công tác NGKT Tài liệu tham khảo khác Ngoại giao phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất...

Ngoại giao phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước

0
75
(Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn)
(daihoi13.dangcongsan.vn)
Ngày 27/01/2021, với tham luận “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước”, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao đã làm rõ những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại của nước ta trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Theo đồng chí Bùi Thanh Sơn, lời khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là một thực tế đã được thế giới thừa nhận. Từ một nền kinh tế lạc hậu, xếp hạng cuối trong số các quốc gia Đông Nam Á, nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN với GDP ở mức hơn 340 tỷ USD, giá trị thương hiệu quốc gia hiện đứng ở vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới[1], chỉ số ảnh hưởng ngoại giao đứng thứ 9/26 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong Đông Nam Á[2].

Trong những thành tựu đó, đối ngoại Việt Nam, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã có những đóng góp quan trọng. Nhiệm kỳ qua, mặc dù đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, gần đây là đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh nổi lên phức tạp, đối ngoại đã phát huy bản lĩnh vượt khó, triển khai linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XII. Cụ thể, đối ngoại đã góp phần quan trọng vào duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững an ninh quốc gia. Công tác đối ngoại đã góp phần thu hút nguồn ngoại lực to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội và công cuộc đổi mới; góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế đất nước.

Những thành tựu thiết thực trên hết sức có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh quốc tế phức tạp chưa từng có như 5 năm qua. Điều đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự thấm nhuần và vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; sự chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt với biến chuyển của tình hình. Đáng chú ý, ngành ngoại giao đã quán triệt và vận dụng sáng tạo nhiều bài học trong thời gian qua. Cụ thể, toàn ngành luôn kiên định với đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa và hội nhập quốc tế; “Kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược”, kết hợp nhuần nhuyễn, biến hóa, sáng tạo giữa chiến lược và chiến thuật trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trong một môi trường quốc tế biến động không ngừng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tranh thủ tối đa ngoại lực, tạo sức mạnh cộng hưởng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối ngoại thời gian tới phải thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964: “Muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc, phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo”. Theo đó, đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiến tạo mọi điều kiện, huy động mọi nguồn lực, và tranh thủ mọi cơ hội để phục vụ sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Để làm được như vậy, đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao kiến nghị một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiếp tục đưa vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích và tin cậy chính trị với 30 Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện; đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và sáng tạo hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, tích cực nắm bắt các cơ hội to lớn về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, chuyển đổi số, phát triển xanh…; đối ngoại kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, giữa Đối ngoại Đảng, Ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, để tạo thế chân kiềng vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; đối ngoại góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với 44 danh hiệu và di sản thế giới được UNESCO công nhận, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người yêu chuộng hòa bình, năng động và có ý chí vươn lên mạnh mẽ.

Để triển khai thành công những nhiệm vụ chiến lược này, cần tập trung xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trong đó trọng tâm là phát triển đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chuyên môn, thông thạo kỹ năng, ngày càng chuyên nghiệp, sáng tạo và năng động thích ứng với tình hình.

[1] Theo hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance

[2] Theo xếp hạng Chỉ số Sức mạnh Châu Á (Asia Power Index) do Viện Lowy (Úc) công bố

(Sơn Bình/qdnd.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here