Ngoại giao kinh tế: Nigeria và những cơ hội ở Guinea-Bissau

0
177

Đã đến lúc Nigeria phải tăng cường ngoại giao kinh tế để có thể cải thiện chính sách đối ngoại.

Kể từ khi giành độc lập, chính sách đối ngoại của Nigeria đã được đặc trưng bởi vai trò “anh cả” ở khu vực. (Nguồn: CRF)

Châu Phi là trung tâm

Sau khi Nigeria giành được độc lập vào năm 1960, Thủ tướng bấy giờ là ông Abubakar Tafawa Balewa (nhiệm kỳ 1960-1966) đã tuyên bố: “Châu Phi là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Nigeria”.

Tuyên bố chính sách đó là cam kết cơ bản của Nigeria đối với lục địa và tiểu vùng Tây Phi.

Do đó, kể từ khi độc lập, chính sách đối ngoại của Nigeria đã được đặc trưng bởi vai trò “anh cả” – với tư cách là một cường quốc khu vực và gắn bó với một số nguyên tắc cơ bản như thống nhất và độc lập của châu Phi; khả năng thực hiện ảnh hưởng trong khu vực; giải quyết hòa bình các tranh chấp; không liên kết và can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác; hợp tác và phát triển kinh tế khu vực.

Trong nhiều thập kỷ qua, lực đẩy chính sách đối ngoại của Nigeria rõ ràng là lấy châu Phi làm trung tâm, trở thành xương sống của cuộc đấu tranh vũ trang để cuối cùng loại bỏ khỏi lục địa những tàn dư của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Angola, Zimbabwe, Nam Phi, Liberia, Sierra Leone và Gambia là những quốc gia châu Phi khác được hưởng lợi từ chính sách ngoại giao của Nigeria.

Để thực hiện các nguyên tắc này, Nigeria tham gia Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Phong trào Không liên kết, Khối thịnh vượng chung, Liên hợp quốc và gần đây đã thông qua cơ chế thương mại tự do lục địa.

Để theo đuổi mục tiêu hợp tác và phát triển kinh tế khu vực, Nigeria tham gia ECOWAS, nhằm tìm cách hài hòa hóa các hoạt động thương mại và đầu tư cho 15 quốc gia thành viên Tây Phi, cuối cùng đạt được một liên minh thuế quan đầy đủ và thiết lập một loại tiền tệ duy nhất.

Nigeria đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực của ECOWAS nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Liberia và đóng góp phần lớn lực lượng gìn giữ hòa bình của ECOWAS được gửi đến đó vào năm 1990. Nigeria cũng đã cung cấp phần lớn quân đội cho lực lượng ECOMOG ở Sierra Leone.

Sự hiện diện kinh tế mờ nhạt

Nigeria nhìn chung có mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và đã tích cực đóng vai trò hàng đầu ở Tây Phi. Với sức mạnh quân sự to lớn, nước này đã không ngừng thực hiện mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực thịnh vượng nhất châu Phi trong hơn ba thập kỷ.

Mặc dù  Nigeria có đóng góp to lớn cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như phát triển kinh tế và xã hội, song nhiều chuyên gia về quốc tế và ngoại giao lại cho rằng, các nhà đầu tư, doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp của đất nước không có những lợi ích và cơ hội tương xứng. Nói cách khác, sự hiện diện của Nigeria tại các quốc gia trong châu lục không mang nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế.

Chính vì thế, Nigeria cần đi đầu trong việc nêu rõ quan điểm của các quốc gia đang phát triển về sự cần thiết phải điều chỉnh trật tự kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của các quốc gia Tây Phi bằng cách tăng cường thương mại, thúc đẩy đầu tư, hợp tác về các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Là người khổng lồ của châu Phi, Nigeria đã thành công trong vai trò người anh cả ở Tây Phi nhưng đã đến lúc nước này phải tham gia vào chính sách ngoại giao kinh tế để có thể cải thiện chính sách đối ngoại.

Nhiều quốc gia ở châu Phi có tiềm năng to lớn đang chờ được khám phá. Các quốc gia này có tài nguyên thiên nhiên và thị trường ngách giúp giữ cho các quốc gia tồn tại và mở cửa cho các nhà đầu tư trên khắp châu Phi, đặc biệt là Nigeria.

Điều quan trọng cần lưu ý là mục tiêu chính của ECOWAS là thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 15 quốc gia thành viên bao gồm Benin, Burkina Faso, Cape Verde, Cote d’Ivoire, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Niger, Nigeria, Senegal, Sierra Leone và Togo, nhằm nâng cao mức sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cơ hội khám phá mới

Phù hợp với các mục tiêu của ECOWAS và nhu cầu mở cửa Guinea Bissau cho các nhà đầu tư ở châu Phi và trên toàn thế giới, chính phủ Guinea Bissau và các đại sứ quán của Nigeria, Cape Verde và Nam Phi cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư: Bissau đang lên” lần đầu tiên vào đầu tháng 12/2022.

Các đại biểu trao đổi tại “Diễn đàn Thương mại và Đầu tư: Bissau đang lên”, tháng 12/2022.

Mục đích của sự kiện là tạo ra một diễn đàn cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ, nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao và những người có ảnh hưởng từ châu Phi cũng như phần còn lại thế giới. Diễn đàn mang đến những cơ hội mới thông qua hợp tác và trao đổi ý tưởng nhằm thúc đẩy đổi mới và tạo ra giá trị để đạt được tác động tích cực đến nền kinh tế, xã hội và môi trường.

Không giống như các cam kết ngoại giao trước đây, khi mà phần lớn người dân Nigeria không thể nhìn thấy kết quả hữu hình và lợi ích trực tiếp, trọng tâm hiện tại dự kiến sẽ thúc đẩy theo nhiều cách, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn, chuyển giao công nghệ, đưa năng lực công nghiệp của đất nước sang các nước láng giềng, từ đó tạo ra lực lượng lao động Nigeria ở nước ngoài, cũng như mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ trong và ngoài lục địa châu Phi.

Chia sẻ về những tiềm năng và cơ hội, Đại sứ Nigeria tại Guinea Bissau và Cape Verde, ông John James Usanga cho biết, “chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều người trong chính phủ và khu vực tư nhân để giúp người Nigeria nhận thức được triển vọng ở đây. Sau đó, chúng tôi bắt đầu thấy người Nigeria đầu tư và nắm bắt các cơ hội”.

Ông John James Usanga nhìn nhận, đây là “phần thưởng xứng đáng bởi những quốc gia này đã là những đồng minh đáng tin cậy của chúng tôi trong các mối quan hệ đa phương”.

Tuy nhiên, trở ngại lớn là vấn đề kết nối.

“Chúng tôi cần vận tải biển để vận chuyển hàng hóa và chúng tôi cần kết nối hàng không. Tôi sẽ khuyến khích ngành hàng không Nigeria bắt đầu hướng tới điều đó. Máy bay có thể được triển khai tới những hòn đảo này và họ vẫn sẽ kiếm được nhiều tiền”.

Tiềm năng là vô tận, theo Đại sứ John James Usanga, “nền kinh tế kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế xanh, du lịch, tài chính ngân hàng và bảo hiểm, công nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, vệ sinh nước và các giải pháp sinh thái bao gồm quản lý năng lượng và chất thải, hậu cần và vận tải” – tất cả những điều này đều có tiềm năng thúc đẩy đầu tư dẫn đến sự thay đổi kinh tế và tác động xã hội tích cực.

Bissau Rising chắc chắn là một diễn đàn dành cho người châu Phi, nhưng quan trọng hơn, giúp người Nigeria nắm bắt tiềm năng của lục địa. Đã đến lúc các nhà đầu tư Nigeria và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chú ý đến lời kêu gọi của Đại sứ Usanga bằng cách tận dụng Diễn đàn Đầu tư Guinea Bissau.

Hoàng Gia (theo The Cable)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here