Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức ‘chưa từng có’

0
51
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Sáng 20/12/2022, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho hay, hơn hai năm qua, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường do lạm phát, thiếu hụt năng lượng, xung đột. Những bất ổn, khó lường này đang và sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có cho chúng ta trong mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như việc triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Để sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, việc cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện và tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đạt được những thành tựu mới là vô cùng cần thiết.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, từ kết quả tổ chức diễn đàn, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, các khó khăn, vướng mắc được nêu tại diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, đại biểu đề cập đến các chính sách phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nêu quan điểm, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý bởi thực tế, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi vì nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ, trong khi các ngân hàng thương mại không mặn mà.

Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – cho rằng, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp làm thủ tục vẫn mất rất nhiều thời gian, công đoạn. Việc này có thể xuất phát từ yếu tố “chưa có tiền lệ”, dẫn đến khi đưa chính sách còn mang tính chung chung.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là khó vô cùng. Những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ. Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật, nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót”, bà Thảo nói.

Đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cũng thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Theo ông Đôn, qua thông tin khảo sát, chính doanh nghiệp cũng có tâm lý “e ngại” khi tiếp cận nguồn vốn này. E ngại vì sau này sẽ phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, một rào cản khác được ông Đôn đề cập là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề. Để giảm thiểu rủi ro, ông nhận định cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền.

(Hoàng An/Tiền Phong)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here