Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường Trung Đông (phần II)

0
134

Thực trạng về chi phí sản xuất hàng nông sản xuất khẩu:

Chi phí sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua chủ yếu dựa vào nhân công, giá thuê đất,…tương đối rẻ. Trong khi đó nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ về nuôi trồng và kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, chi phí sản xuất hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có xu hướng tăng. Điều này được lý giải bởi vấn đề thiếu nguyên phụ liệu, cây giống chưa thực sự phù hợp, mất mùa, thiên tai, giá đầu vào tăng như giá điện, nước,…

Thiếu nguyên liệu là vấn đề lớn đối với ngành nông sản trong những năm qua. Vì vậy, để ngành nông sản phát triển bển vững, trong những năm qua các cơ quan quản lý từ trung ương đến các địa phương đã ban hành, triển khai thực thi một số chính sách nhằm ổn định nguyên liệu nông sản đầu vào để chế biến phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản.

Trong các quốc gia xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Đông, Việt Nam vẫn là quốc gia có chi phí về nhân công tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. Chính vì nhờ lợi thế nhân công thấp nên giá sản phẩm nông sản Việt Nam có mức cạnh tranh vừa phải, tuy giá một vài sản phẩm nông sản có giá khá cao tại thị trường Trung Đông nhưng vẫn dược khách hàng chấp nhận.

Chi phí lao động trong ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Đông. Tuy nhiên ngoài việc nhập nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải chú ý về giá các nguyên liệu đầu vào như giống, điều kiện canh tác, giá thuê đất, thời gian thuê thì các yếu tố sau cũng đã và đang ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Đông so với các đối thủ cạnh tranh, như:

+ Giá nước sạch tại Việt Nam khoảng hơn 30 cents/m3 so với ở Trung Quốc là 13 cents/m3.

+ Tiền điện của Việt Nam khoảng 7,2 cents/Kwh cao hơn giá điện của Trung Quốc khoảng 4,6 cents/Kwh.

+ Chi phí cơ sở hạ tầng cũng ở mức cao so với mặt bằng của Việt Nam là khoảng 30 – 70USD/m2/năm, còn ở Trung Quốc chỉ khoảng 12USD – 20USD/m2/năm.

+ Chi phí vận chuyển nông sản của Việt Nam so với Thái Lan, nước có giá xăng dầu tương đương với Việt Nam là 0,084 USD/tấn so với 0,023 USD/tấn của Thái Lan. Tức là chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần so với Thái Lan.

+ Chi phí bảo quản nông sản của Việt Nam hiện nay cũng ở mức tương đối cao so với một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc.

Ngoài ra, các chi phí như cước bưu chính viễn thông, vận tải biển, hàng không, các loại phí, lệ phí cao đã làm tăng giá thành các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Ngoài những chi phí chính thức còn nhiều chi phí không chính thức do thủ tục hành chính; quan liêu giấy tờ, tham nhũng cũng góp phần tăng chi phí trong sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

Đa dạng hóa hàng nông sản xuất khẩu

Nông sản Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường nông sản Trung Đông bằng việc không chỉ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã cũng như đảm bảo sức cung ổn định. Thêm vào đó, chính sách đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu không chỉ ở chủng loại hàng hóa mà còn đẩy mạnh các sản phẩm được chế biến sâu hơn. Ví dụ như gạo, hiện nay Việt Nam không những xuất khẩu gạo tấm mà còn xuất khẩu gạo trắng hạt dài, cơm dừa sấy,… sang thị trường Trung Đông.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, có khí hậu thuận lợi và diện tích đất canh tác tương đối nhiều, với truyền thống nông nghiệp lâu đời. Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh lớn về các mặt hàng nông sản so với các nước khác cùng khu vực và thế giới. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản nhất. Một số mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu… Các mặt hàng nông sản chủ yếu của Việt Nam đã xuất sang Trung Đông cũng nằm trong danh sách các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu. Các mặt hàng này đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường nhập khẩu khó tính nhất ra thế giới như Mỹ hay EU, Canada, với kim ngạch xuất khẩu lớn so với thế giới. Trong khi nhu cầu về chất lượng cao tại thị trường Trung Đông hiện nay chưa quá khắt khe, vì vậy Việt Nam có thể đáp ứng một phần nào đó về nhu cầu đa dạng về nông sản của thị trường này.

Tuy nhiên, việc đa dạng hóa sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang thiếu sự quan tâm đến vấn đề đa dạng hóa sản phẩm nông sản của cả các cấp quản lý ở trung ương, địa phương và của cả các doanh nghiệp chế biến, hiện nay còn thiếu các chính sách nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản.

Việt Nam đã xuất khẩu được một khối lưqng lớn các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng sang thị trường Trung Đông. Các thành phần tham gia vào hoạt động thương mại Việt Nam – Trung Đông ngày càng đa dạng và phong phú. Chính sách thị trường được thực hiện khá tốt, đã đạt được những kết quả nhất định. Với các chính sách trên đã tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng vào thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, chính sách thị trường của Việt Nam với Trung Đông chưa có chiến lược lâu dài, các chính sách vẫn chung chung, chưa có chính sách cho từng khu vực, từng quốc gia riêng, từng vùng, miền; các chính sách cần tận dụng được lợi thế so sánh hai bên nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản cũng như các hàng hóa sang thị trường này .

Thực trạng về thiết kế, bao bì, mẫu mã và nhãn mác hàng nông sản xuất khẩu

Các thương hiệu gạo, cơm dừa khô, chè, cà phê Trung Nguyên,… đã và đang tiếp tục được có mặt tại thị trường Trung Đông. Tuy nhiên kiểu dáng, mẫu mã hàng nông sản Việt Nam vẫn còn đơn điệu, chưa đa dạng, phong phú nên năng lực cạnh tranh đang đạt ở mức trung bình. Ở nhiều thị trường Trung Đông hiện nay như GCC sự cạnh tranh hàng nông sản giữa các nước chủ yếu dựa trên kiểu dáng mẫu mã vì các yếu tố giá cả, chất lượng sản phẩm nông sản tương đối giống nhau.

Tem mác là một công cụ cạnh tranh quan trọng của hàng nông sản Việt Nam. Những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn, có nhiều chủng loại và loại sản phẩm khác nhau, tem mác rất đa dạng. Tem mác thể hiện tên thương hiệu của sản phẩm nông sản, tem mác dành cho sản phẩm nông sản hiện nay rất phong phú và đa dạng. Một nhãn mác đẹp, tinh tế không những có thể tôn cao được giá trị sản phẩm nông sản mà qua đó còn củng cố lòng tin của khách hàng để đi đến quyết định chọn mua hàng nông sản đó.

Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được đóng nhãn mác có ghi đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, tên gọi bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Tuy nhiên so với các đối thủ cạnh tranh khác như Ấn Độ, Trung Ọuốc, Thái Lan,… họ còn đóng nhãn mác có ghi cả tiếng Arab. Điều này đã gây nhiều thiện cảm với người tiêu dùng Trung Đông về hàng nông sản của các quốc gia đó.

Thực trạng về kênh phân phi

Kể từ sau năm 2008, hoạt động xuất khẩu nông sản giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Trung Đông ngày càng được thực hiện trực tiếp hơn thông qua các cơ hội giao thương trực tiếp, trong đó chủ yếu là các nước GCC, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel…. Hoạt động thanh toán được thuận lợi hơn với việc mở tín dụng thư, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng nên đã giảm thiểu được một phần rủi ro trong kinh doanh với khu vực này.

Thị trường hàng nông sản nhập khẩu của Trung Đông hiện nay vẫn chủ yếu từ các quốc gia như Trung Quốc, một số quốc gia Nam Á, Mỹ, Ấn Độ… Trong khi Việt Nam cũng mới chỉ xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Đông hơn 15 năm qua và vẫn còn gặp nhiều khó khăn về khoảng cách địa lý, văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… nên phần lớn hàng nông sản Việt Nam vẫn tiếp tục phải xuất khẩu qua thương nhân của quốc gia thứ ba như: Ấn Độ, Malaysia, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… Các quốc gia trung gian này đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng nông sản ở khu vực Trung Đông từ khá sớm.

Hiện nay hình thức thanh toán bằng L/C, nhờ thu qua ngân hàng cũng đã giúp các doanh nghiệp nông sản Việt Nam thâm nhập gần hơn với thị trường Trung Đông. Tuy nhiên do tập quán kinh doanh của người Trung Đông vẫn chủ yếu thực hiện qua việc đặt cọc tiền trước và chuyển tiền đặt cọc này qua hệ thống các ngân hàng. Tuy nhiên, phương thức này không thực sự an toàn cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam và thực tế đã có nhưng sự tranh chấp, kiện tụng giữa các doanh nghiệp hai bên.

Thực trạng về hoạt động xúc tiến thương mại

Việt Nam hiện nay đã mở được 6 thương vụ tại khu vực Trung Đông như: Iran, Kuwait, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Saudi Arabia, và Iraq (tạm thời đóng cửa). Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn về hợp tác với các tổ chức quốc tế, thực hiện các chương trình hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam: Việc xúc tiến hàng nông sản Việt Nam tại Trung Đông hiện nay là chưa nhiều, các tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) trong nước về hàng nông sản đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Các hoạt động họp tác này bao gồm các lĩnh vực như: Tổ chức các đoàn công tác, nghiên cứu thị trường xuất khẩu; cung cấp thông tin về thị trường, các quy định và yêu cầu của thị trường; tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa nhà xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài; tổ chức hội thảo, các khóa học đào tạo, tập huấn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về thị trường xuất khẩu mục tiêu…

Trong những năm qua, mặc dù các cơ quan nhà nước đã có những thông tin về các thị trường khác nhau cung cấp cho doanh nghiệp. Các thông tin cung cấp diễn biến, xu hướng về giá cả, nhu cầu thị trường được hỗ trợ qua các tổ chức XTTM như cục XTTM, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, thương vụ tại một số nước như: UAE, Thồ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những thông tin về thị trường còn hạn chế, chưa cụ thể đối với từng thị trường. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng phải tự tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Kinh phí cho XTTM của Việt Nam khá hạn hẹp và ngày càng giảm. Nguồn kinh phí dành cho XTTM quá nhỏ so với nhu cầu XTTM. Thực tế năm 2011 nhiều chương trình XTTM của các đơn vị chủ trì thực hiện hoạt động XTTM của Bộ Công Thương gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu do thiếu kinh phí. Thực tế đã có rất nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong đó có thị trường Trung Đông nhưng do không có kinh phí nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện.

– Thực trạng về dịch vụ khách hàng

Do điều kiện về khoảng cách đia lý cũng như chưa đủ điều kiện để phân phối trực tiếp tất cả các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Trung Đông nên hoạt động dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động dich vụ thương mại mới chủ yếu thực hiện với các đối tác trung gian chứ chưa có nhiều hoạt động dịch vụ khách hàng với trực tiếp người tiêu dùng Trung Đông nên chưa có nhiều điều kiện hiểu hơn về thói quen, phong tục, tập quán kinh doanh, tập quán tiêu dùng của người Trung Đông.

Trong khi đó hiện nay, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Ấn Độ, Pakistan,…(các nước gần khu vực Trung Đông hơn) hay các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan đã thực hiện nhiều chương trình dịch vụ khách hàng như: dịch vụ giao hàng, dịch vụ đổi hàng, dịch vụ tư vấn,… đến khách hàng khu vực Trung Đông. Còn Indonesia tuy cũng có khó khăn về điều kiện địa lý, song do quốc gia này có số lượng theo đạo Hồi lớn nhất thế giới nên các phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng của người Trung Đông cũng giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn và dễ dàng tư vấn hơn.

– Thực trạng về thương hiệu hàng nông sản xuất khẩu

Các thương hiệu hàng nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Trung Đông những năm qua bao gồm: Gạo trắng hạt dài, cơm dừa sấy khô, cà phê Trung Nguyên, chè Tân Cương, trà Ô Long, hồ tiêu Phú Quốc, hạt điều Bình Phước, dứa Đồng Giao, ngô ngọt Ninh Bình, chuối Lào Cai, chôm chôm Java, xoài cát Hòa Lộc, dưa chuột Tiên Lãng… đã dần thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông, đặc biệt là ở các nước GCC và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các sản phẩm nông sản Việt Nam tuy đã bước đầu sử dụng tiếng Arab trên các nhãn hàng nhưng thực tế chưa được sử dụng đồng loạt. Trong khi đó, thương hiệu các mặt hàng nông sản mạnh của Việt Nam như gạo lại chưa thể so sánh được với Thái Lan hay Ấn Độ tại thị trường Trung Đông. Ví dụ như thương hiệu gạo Hom Mali hiện được chia thành 3 loại để phục vụ 3 phân khúc thị trường Trung Đông: cao cấp, trung bình và thấp cấp, nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Thái Lan tại Trung Đông. Theo các tiêu chuẩn mới, loại gạo chất lượng tốt nhất là gạo “Thai Hom Mali”, hướng tới thị trường cao cấp. Để xác định loại gạo này, gạo mang tên Thai Hom Mali phải có ít nhất 92% gạo Thái Hom Mali. Gạo chất lượng trung bình được gọi là “Thai jasmine rice” hay gạo thơm Thái Lan (“Thai fragrant rice” hoặc “Thai aromatic rice), là thương hiệu gạo đóng vai trò cạnh tranh trực tiếp và mạnh nhất với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… tại thị trường Trung Đông. Ngoài ra thương hiệu gạo Thai Jasmine cũng đã có chỗ đứng tại thị trường Trung Đông trong nhiều năm qua.

Thương hiệu nông sản Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển khá nhanh tại thị trường Trung Đông, đặc biệt là thương hiệu hồ tiêu, chè, gạo và cà phê. Các sản phẩm này đã phải cạnh tranh hết sức gay gắt với gạo Thai Hom, gạo Basmati, Chè Srilanka và các sản phẩm nông sản của Trung Quốc để tìm kiếm chỗ đứng và thâm nhập sâu hơn trên thị trường Trung Đông.

  1. Đánh giá chung

Trong những năm vừa qua, năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông ngày càng được nâng cao hơn. Kim ngạch xuất khẩu của nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Đông trong những năm qua có xu hướng tăng và đã đạt được các kết quả nhất định. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông vẫn còn rất nhiều hạn chế bởi một số lý do sau:

Doanh nghiệp nông sản xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa nhận thức rõ được sự cần thiết phải nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Một phần cũng do máy móc, thiết bị sản xuất còn hạn chế, trong khi đó lại thiếu vốn để đầu tư cải tạo thiết bị nhà xưởng, máy móc, công nghệ.

Thiếu thông tin về thị trường Trung Đông. Vấn đề cung cấp thông tin, nhu cầu của các thị trường đến doanh nghiệp còn thiếu và chậm. Các thông tin về thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu nhận được từ cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn thiếu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ phải tự tìm kiếm thông tin qua các nguồn thông tin khác nhau như từ khách hàng, từ các đơn vị kinh doanh thông tin…

Thiếu sự đầu tư đồng bộ cho xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Một trong những điểm yếu của ngành nông sản đó là thương hiệu chưa đựợc khẳng định. Thực tế cho thấy, quá trình tổ chức triền khai xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản còn chưa được chú trọng, thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu còn rời rạc. Trung Đông là khu vực nhiều bất ổn chính trị và đây là thị trường mới nên các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều điều kiện tiếp thị, quảng bá sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, hiện nay chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản của các đối thủ canh tranh như Trung Quốc, Ẩn Độ, Thái Lan… sang các quốc gia này đang ngày càng hoàn thiện, họ chú trọng nhiều đến thị trường này và thực tế các doanh nghiệp của họ đã có hệ thống phân phối nông sản trên thị trường này ngày càng rộng khắp./.

Đậu Xuân Đạt

(Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 08/2017)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here