Nâng cao năng lực cạnh tranh của gạo Việt tại châu Phi: Thuận lợi và thách thức

0
266
: Châu Phi vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. (Nguồn: Laodong)

Mỗi năm, châu Phi nhập 12-13 triệu tấn gạo, trong khi sản xuất gạo tại châu lục chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam – nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chinh phục thị trường châu Phi đầy tiềm năng.

Châu Phi vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. (Nguồn: Laodong)

Chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất toàn cầu. Với diện tích sản xuất lúa hằng năm đạt 7,24 triệu ha, năng suất cao (60,6 tạ/ha), sản lượng lúa năm 2021 của Việt Nam đạt trên 43,8 triệu tấn (tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020).

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 đạt 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn.

Tại Tọa đàm Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại gạo với các đối tác châu Phi mới đây do Vụ Trung Đông-châu Phi, Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định: “Ưu điểm của Việt Nam là sở hữu nhiều chủng loại gạo ngon, chất lượng cao và đặc sản. Chúng ta có thế mạnh ở các chủng loại gạo như: gạo thơm, gạo hương lài (jasmine), gạo trắng cao cấp (5% tấm), gạo japonica, gạo nếp, gạo dinh dưỡng.

Không những đa dạng về chủng loại, chất lượng và thương hiệu gạo của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường thế giới (các giống gạo thơm như ST24, ST25 được bình chọn nằm trong top gạo ngon nhất thế giới, được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận)”.

Hiện nay, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tiếp cận và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính và các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao như: Liên minh châu Âu (EU), Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)… Đồng thời, Việt Nam luôn là một trong 3 nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương: “Là quốc gia xuất khẩu gạo có nhiều năm kinh nghiệm, các doanh nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực nắm bắt, định hướng và cải tiến sản xuất, góp phần giúp sản phẩm gạo thị trường Việt Nam trở nên đa dạng về chủng loại với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường nhập khẩu”.

Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Mỹ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây.

Chinh phục thị trường tiềm năng

Gạo cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi. Vấn đề an ninh lương thực được các nước châu lục này quan tâm và càng được quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bất ổn hiện nay.

Châu Phi được đánh giá là thị trường mới tiềm năng, đa dạng cho các sản phẩm lợi thế của Việt Nam. Thị trường này có nhu cầu tiêu thụ gạo cao, đặc biệt là khu vực Tây Phi do sản xuất lúa không đủ, nhất là những năm xảy ra tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, lục địa này nhập khẩu từ 12-13 triệu tấn gạo các loại, trong khi sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,49 triệu tấn với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 15,4% về khối lượng và 3,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt 608,6 nghìn tấn, chiếm 17,4% tổng lượng xuất khẩu, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021, thị trường châu Phi chiếm 17,55% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam và là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam xuất khẩu gạo sang 54 quốc gia châu Phi với khối lượng đạt trên 600 nghìn tấn, trong đó, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập…

Thị hiếu tiêu thụ gạo của thị trường châu Phi: Gạo hạt dài, khi nấu rời hạt (không dính), gạo đồ, gạo thơm, trong khi với Ghana, Senegal, người dân lại thích gạo cứng.

Do đó, theo ông Toản: “Đối với thị trường châu Phi, định hướng phát triển thị trường của Việt Nam là củng cố thị phần các loại gạo trắng, hạt dài, rời hạt, gạo cứng, gạo đồ, gạo thơm đáp ứng nhu cầu của thị trường này bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi”.

Chung tay khắc phục khó khăn

Theo các nhà quản lý và doanh nghiệp, bên cạnh những mặt thuận lợi, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Phi đối mặt với không ít thách thức.

Trước hết, dịch vụ logistics kết nối giữa Việt Nam và châu Phi còn hạn chế, chi phí vận tải, bảo hiểm cao khiến giá thành xuất khẩu cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện tượng gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại vẫn còn phổ biến, cùng với việc thiếu thông tin về đối tác, thông tin về các quy định quản lý xuất nhập khẩu của các nước châu Phi khiến rủi ro trong kinh doanh với đối tác châu Phi ở mức cao.

Ngoài ra, khó khăn trong phương thức thanh toán cũng là một thách thức không nhỏ. Theo ông Toản: “Các doanh nghiệp châu Phi do khả năng tài chính yếu, thương đề nghị phương thức thanh toán trả chậm, ít sử dụng thư tín dụng chứng từ L/C. Thực tế này tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với các đối tác ở khu vực này”.

Tuy nhiên, nhìn chung, châu Phi vẫn là thị trường lớn, nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường châu Phi dựa trên những tiềm năng sẵn có, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Quốc Toản nêu một số đề xuất, khuyến nghị:

Đối với Đại sứ quán Việt Nam và các đơn vị ngoại giao tại khu vực châu Phi

Tiếp tục tích cực phối hợp, cập nhật thông tin thị trường, thông tin liên quan đến hoạt động giao thương hai nước và dự báo chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh thương mại hàng hóa thế giới chịu nhiều tác động từ các yếu tố dịch bệnh, xung đột địa chính trị.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin, thâm nhập thị trường, kết nối kinh doanh, mở rộng thị phần, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao thương.

Cầu nối giới thiệu, kết nối doanh nghiệp hai nước tham gia giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và xuất nhập khẩu mặt hàng gạo nói riêng, đảm bảo thuận lợi thương mại và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Cung cấp thông tin, chính sách quy định về nhập khẩu gạo, các thông tin nhu cầu thị hiếu tiêu dung, thị trường phân phối và bán lẻ tại thị trường sở tại. Cung cấp các đầu mối thông tin về đối tác nhập khẩu của thị trường châu Phi đối với mặt hàng gạo nói riêng và nông thủy sản nói chung, cầu nối liên kết với Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ cho doanh nghiêp hai bên phát triển thương mại gạo trong thời gian tới.

Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp

Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và phương thức sản xuất, đào tạo nhân lực, liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, nông trường, để hình thành chuỗi liên kết sản xuất lớn và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Tích cực chia sẻ thông tin, liên kết, tạo dựng cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Phi cởi mở, năng động.

Tích cực, chủ động tiếp cận và hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn liên quan, các chính sách, hàng rào kỹ thuật thương mại của phía Bạn. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết vướng mắc (nếu có).

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai các công tác cần thiết, hiệu quả trong việc hỗ trợ thúc đẩy thương mại gạo hàng hóa hai nước nói chung và thương mại gạo nói riêng, cụ thể:

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác định chủng loại gạo xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường làm tiền đề để định hướng sản xuất trong nước.

Tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp, đề xuất các hoạt động hợp tác ở cấp độ chính phủ, doanh nghiệp.

Tích cực tìm hiểu thông tin thị trường, nắm bắt được tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các chủng loại được ưa chuộng tại khu vực châu Phi để thông tin, hỗ trợ định hướng doanh nghiệp xuất khẩu.

Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại gạo sang thị trường châu Phi để kết nối các doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy thương mại gạo.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here