Nâng cao giá trị xuất khẩu surimi và bột cá Việt Nam

0
66
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T.H)

Sản phẩm surimi ngày càng phổ biến và được ưa chuộng ở nhiều thị trường là cơ hội tốt để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng, đa dạng hoá danh mục sản phẩm xuất khẩu chủ lực bên cạnh tôm, cá tra…

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T.H)

Surimi (thịt cá xay) và bột cá là hai sản phẩm còn nhiều dư địa để tăng trưởng và có khả năng đóng góp đáng kể vào giá trị ngành chế biến, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam thời gian tới. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Ngành surimi và bột cá – Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp surimi và bột cá, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/12.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP thông tin, surimi và bột cá là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản. Nhóm ngành này không chỉ tạo việc làm cho nông, ngư dân và người dân tại các địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản của đất nước và chăn nuôi nói chung.

Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 300 – 420 triệu USD surimi, bao gồm surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4 – 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp với nghề cá trong nước và xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.

Theo bà Lê Hằng, ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến nhờ hiệu quả về mặt chi phí, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp. Quy mô thị trường surimi toàn cầu năm 2022 là gần 3,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2023 – 2030 được dự báo trên 6%/ năm.

Trong khi đó, nhóm sản phẩm bột cá đang chiếm vị trí quan trọng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đặc thù. Hoạt động nuôi trồng thủy sản của Việt Nam cũng như trên thế giới trong những năm gần đây ngày càng tăng cả về diện tích nuôi và sản lượng.

Nhu cầu về thức ăn thủy sản tăng nhanh và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới. Do đó, bột cá là một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng cũng tăng theo đáng kể. Quy mô thị trường bột cá thế giới năm 2023 khoảng 15 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng 7,7%/năm trong khoảng 10 năm tới.

Tại Việt Nam, mỗi năm sản xuất được 530.000 – 540.000 tấn bột cá; trong đó, xuất khẩu 200.000 – 280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và từ phụ phẩm cá tra. Việt Nam cũng đồng thời nhập khẩu 130.000 – 140.000 tấn bột cá có hàm lượng protein cao mỗi năm.

Về giá trị, 10 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu 108 triệu USD bột cá các loại và nhập khẩu khoảng 89 triệu USD.  Ước tính cả năm 2023 kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam 120 – 130 triệu USD và nhập khẩu khoảng 100 – 110 triệu USD.

Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Trường cho biết, doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành chế biến surimi và bột cá hơn 20 năm, xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau ở châu Á. Việc sản xuất surimi giúp nâng cao giá trị kinh tế cho các loại cá nhỏ, cá tạp lên khoảng 40 – 50% so với bán buôn thông thường. Ngoài ra, phụ phẩm đầu cá, xương cá sau sản xuất surimi cũng được sử dụng triệt để vào sản xuất bột cá phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Ngô Minh Phương, mặc dù dư địa thị trường cho sản phẩm surimi và bột cá đều rất lớn và Việt Nam có lợi thế về công nghệ chế biến surimi so với nhiều quốc gia khác nhưng cũng đang đối mặt với một số thách thức nhất định. Cụ thể, sản phẩm surimi hiện chủ yếu phục vụ thị trường ở châu Á và định hướng tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ… phải đáp ứng yêu cầu đặc thù liên quan đến môi trường; chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); đạt chứng nhận bền vững.

Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của nước ta hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu này (chưa gỡ được thẻ vàng IUU) nên rất khó để mở rộng thị trường. Thêm vào đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến surimi và sản xuất bột cá chưa nhiều để hình thành nên chuỗi giá trị tuần hoàn, khép kín theo xu hướng và yêu cầu phát triển bền vững.

Để phát triển nhóm ngành hàng surimi và bột cá một cách bài bản, có hệ thống như những nhóm sản phẩm chủ lực của ngành thuỷ sản Việt Nam, Vasep tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và thành lập “Câu lạc bộ doanh nghiệp surimi và bột cá” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò phát triển kinh tế ngành hàng và kinh tế các địa phương.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thuỷ sản đang thay đổi, sản phẩm surimi ngày càng phổ biến và được ưa chuộng ở nhiều thị trường là cơ hội tốt để ngành thuỷ sản Việt Nam mở rộng, đa dạng hoá danh mục sản phẩm xuất khẩu chủ lực bên cạnh tôm, cá tra… Song song đó, nhu cầu bột cá ngày càng tăng cũng tạo điều kiện cho ngành chế biến phụ phẩm phát triển, nối dài chuỗi giá trị của ngành thuỷ sản.

Tuy nhiên, sau thời gian tập trung tăng trưởng về lượng, các doanh nghiệp thuỷ sản nói chung, doanh nghiệp chế biến surimi, bột cá nói riêng cần thay đổi cách tiếp cận, khai thác thị trường, tập trung vào chất lượng để nâng cao giá trị ngành hàng, đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản 14 -16 tỷ USD vào năm 2030.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here