Năm 2024, phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023

0
81
Việt Nam tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong ASEAN. (Nguồn: vcci.vn)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, năm 2023, dù xuất khẩu lỗi hẹn mục tiêu tăng trưởng 6%, nhưng cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương. (Ảnh: Gia Thành)

Thông tin này được Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương tổ chức sáng 20/12.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương nêu rõ, năm 2023, xuất nhập khẩu liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, ASEAN….

Cùng với đó, tiêu dùng toàn cầu thấp, nhưng Việt Nam đã tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của thị trường lớn, truyền thống nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu 328,5 tỷ USD.

Đặc biệt, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, xuất khẩu tận dụng tốt đa dạng hóa thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.

Cụ thể, có tới 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (11 tháng); trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu (đây là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước (ước cả năm tăng 4,8%).

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (85%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Ngược lại, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,5% tổng kim ngạch; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 5,7% tổng kim ngạch.

Cũng tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp nhưng về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước.

Vì thế, xuất khẩu năm 2023 ước đạt khoảng 354 – 355 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (tăng 6%). Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp.

Mặt khác, mức độ phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô, vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (11 tháng năm 2023). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.

Bộ Công Thương phấn đấu năm 2024 đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).

Ông Trần Duy Đông cho hay, để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR…) nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – EU (EVFTA), FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

“Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam… Cùng đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, nhất là mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch”, ông Đông thông tin.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here