Na-uy tăng cường viện trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030

0
100

Vừa qua, Na-uy đã xuất bản sách trắng về “Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và chính sách phát triển của Na-uy”, trong đó đưa ra các biện pháp tăng cường đóng góp của Na-uy đối với nỗ lực quốc tế nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Sách trắng nhấn mạnh Na-uy sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển, tập trung một số lĩnh vực như xóa đói, hỗ trợ nhân đạo, năng lượng tái tạo, y tế, biến đổi khí hậu…

Sách trắng đề ra các biện pháp như sau:

Thứ nhất, tăng gấp đôi viện trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hỗ trợ phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm cải thiện khu vực tư nhân và giảm thiểu các rủi ro, qua đó, tăng cường thu hút đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận và thúc đẩy phát triển xanh ở các nước nghèo.

Thứ hai, tăng 50% vốn cho Quỹ đầu tư hỗ trợ các nước đang phát triển Norfund, nhằm tạo việc làm cho khu vực tư nhân ở các nước nghèo và đang phát triển.

Thứ ba, duy trì mức hỗ trợ cao từ nay tới năm 2030 cho các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu và Sáng kiến Nauy về rừng và khí hậu quốc tế. Hằng năm, Na-uy dành 360 triệu USD cho Sáng kiến Nauy về rừng và khí hậu quốc tế nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong nỗ lực giảm phát thải nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng.

Thứ tư, thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực y tế toàn cầu, như phát triển vác-xin chống lại các dịch bệnh mới và kháng thuốc kháng sinh.

Thứ năm, tăng cường hỗ trợ các quốc gia có xung đột và dễ bị tổn thương, trong đó, châu Phi sẽ tiếp tục nhận được nhiều viện trợ nhất, tăng 15% viện trợ cho giáo dục ở Syria và các hỗ trợ nhân đạo khác ở Syria và các nước láng giềng.

Thứ sáu, tăng cường nỗ lực thúc đẩy tiếp cận với các biện pháp tránh thai và các dịch vụ y tế, trong đó có việc phá thai an toàn và hợp pháp.

Thứ bảy, tăng cường nỗ lực bảo vệ các dân tộc thiểu số, tăng hỗ trợ từ 20 triệu NOK lên 40 triệu NOK (4,7 triệu $) hằng năm để hỗ trợ các dân tộc thiểu số.

Sau khi Chương trình nghị sự 2030 được thông qua, Na-uy đã xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó đề ra các biện pháp trong nước và phương hướng hợp tác quốc tế và các đối tác toàn cầu. Kế hoạch đề ra các biện pháp nhằm tập trung xử lý các thách thức trong nước như: giảm các bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khỏe tâm lý; tăng tỷ lệ tốt nghiệp trung học; loại bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái; giảm số lượng thanh niên thất nghiệp và không được đi học; bảo đảm cơ sở hạ tầng bền vững; duy trì tăng trưởng thu nhập tối thiểu đối với 40% dân số ở mức cao hơn mức trung bình quốc gia; cải tiện chất lượng không khí đô thị; giảm một nửa lượng thức ăn thừa và các luồng chất thải; ứng phó với tác động của các sinh vật ngoại lai xâm hại, giảm các hành động bạo lực và tội phạm có tổ chức. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Na-uy xây dựng kế hoạch quốc gia để thực hiện Thỏa thuận Paris, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 13. Na-uy cam kết giảm khí thải xuống ít nhất 40% vào năm 2030 so với mức ở năm 1990.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra lộ trình triển khai cấp quốc gia và phân bổ ngân sách để thực hiện. 17 mục tiêu phát triển bền vững được giao cho các Bộ, ngành chủ trì và phối hợp triển khai. Mỗi Bộ, ngành phải theo dõi và báo cáo việc chi tiêu nhằm triển khai các mục tiêu tương ứng. Hằng năm, Bộ Tài chính sẽ dự trù ngân sách cho việc thực hiện SDGs và trình lên Quốc hội. Việc thực hiện các SDGs cũng được báo cáo lên Quốc hội hằng năm. Trong quá trình thực hiện, việc gắn kết doanh nghiệp, khu vực tư nhân được coi trọng. Bộ Giáo dục có trách nhiệm đưa các kiến thức liên quan tới SDGs trong các chương trình giảng dạy ở trường học.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh cam kết của Na-uy đối với quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước dễ bị tổn thương trong thực hiện SDGs, và dành ít nhất 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho viện trợ phát triển chính thức (ODA). Các phương thức viện trợ thông qua chuyển giao công nghệ và thông tin; tự do thương mại và tiếp cận thị trường, xây dựng năng lực quản lý nhà nước, thể chế, và tập trung các lĩnh vực ưu tiên như giáo dục, y tế, bình đẳng giới, bảo đảm quyền lợi của người thiểu số, người tàn tật, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, giảm khí thải nhà kính do phá rừng và suy thoái rừng, năng lượng tái tạo…

(Đại sứ quán Việt Nam tại Na-uy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here