Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu về thu hút FDI

0
67
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Theo thống kê về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 29/10, các nước mới nổi tiếp tục được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, bất chấp việc dòng vốn FDI trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2019 giảm 20% so với nửa cuối năm 2018 xuống mức 572 tỷ USD. FDI vào các nước phát triển thành viên OECD thậm chí giảm 43% xuống còn 304 tỷ USD. Thống kê của OECD ghi nhận sự sụt giảm theo chu kỳ của dòng vốn vào Hà Lan, Mỹ và Vương quốc Anh, trong khi Bỉ, Ireland và Tây Ban Nha đang chứng kiến sự rút lui của dòng FDI.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu

Mỹ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 151 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể so với mức 208 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2018 do ảnh hưởng trực tiếp của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung lên dòng FDI từ Trung Quốc vào Mỹ (từ 16 tỷ USD trong nửa cuối năm 2016 xuống dưới 1,2 tỷ USD trong nửa đầu năm nay). Pháp giữ vị trí thứ 3 với 33 tỷ USD, cao hơn 5 bậc so với Đức (22 tỷ USD). Trong khi đó, FDI vào các nước G20 không phải là thành viên OECD đã tăng 21% lên mức 174 tỷ USD. Nga (16 tỷ USD), Trung Quốc (82 tỷ USD) và Ấn Độ (27 tỷ USD) là ba điểm đến được ưa chuộng nhất. Xuất xứ của dòng FDI chủ yếu đến từ các nước OECD với 403 tỷ USD, trong đó Nhật Bản (137 tỷ USD), Mỹ (69 tỷ USD), Đức (67 tỷ USD) và Vương quốc Anh (56 tỷ USD) là những nước cung cấp FDI nhiều nhất.

Phân tích lại các dữ liệu

Trong báo cáo lần này, OECD bắt đầu phân tích đầu tư của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn. Các đầu tư này thường được thực hiện bởi các cấu trúc cụ thể về ủy thác, “hộp bằng sáng chế” (patent box) vốn chỉ nắm giữ hoặc đầu tư vào các tài sản ở nước ngoài mà không cần có sự hiện diện trực tiếp hoặc sử dụng lao động một cách đáng kể. Loại FDI này thường không có tác động thực sự đến nền kinh tế của nước tiếp nhận. Hà Lan và Luxembourg là các nước đi đầu trong việc tiếp nhận các dòng FDI này, chiếm lần lượt 64% và 96% FDI vào hai nước này.

OECD cũng chỉ ra sự suy giảm vai trò của các thực thể đặc biệt so với giai đoạn năm 2014. Một số quốc gia đã bắt đầu thay đổi chính sách để hạn chế việc hình thành các công cụ đầu tư. Theo phân tích của OECD, “các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận có lẽ cũng đã dẫn đến việc các công cụ đầu tư phải thuê thêm nhân viên hoặc tăng hiện diện thực tế của họ”.

Thông qua việc phân tích lại các dữ liệu, OECD nhấn mạnh xuất xứ của dòng FDI là đến từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Canada và Pháp, cao hơn nhiều so với Hà Lan, Thụy Sĩ, Luxembourg và Bỉ.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here